Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục, góp phần giảm thiểu TNGT, xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh – sinh viên (HS-SV), Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học giai đoạn 2019-2021.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo tăng cường giáo dục ATGT trường học giai đoạn 2019-2021
Giáo dục ATGT cho từng cấp học
Nội dung Kế hoạch số 417/KH-BGDĐT do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ký yêu cầu thủ trưởng các trường học chú trọng giáo dục HS-SV nắm vững các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục ATGT đường bộ, trẻ mầm non cần được làm quen với một số tín hiệu giao thông, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng, quy định; tiếp cận với các dịch vụ khi tham gia giao thông; thực hành kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông khi đi bộ, ngồi trên xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy. Đối với giáo dục tiểu học, HS cần được học về các kỹ năng tham gia giao thông an toàn (như đi bộ trên đường, đi bộ qua đường, đi xe đạp và cách ngồi trên xe đạp hoặc xe máy an toàn); tiếp cận hệ thống biển báo đường bộ; quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; học cách dự đoán để phòng tránh các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.
Tương tự, đối với HS THCS, bên cạnh các kiến thức về quy định đội mũ bảo hiểm, đi bộ qua đường ở nơi không có biển chỉ dẫn, đi xe đạp trên đường an toàn, qua đường ở nơi đường bộ giao nhau với đường sắt, các em cũng cần được thực hành kỹ năng điều khiển xe đạp và xe đạp điện an toàn; các hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của CSGT; cách nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, cách phòng tránh TNGT và văn hóa khi tham gia giao thông. Tương tự, các em HS THPT cần được giáo dục về các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện an toàn; tiếp cận kiến thức về tình hình TNGT, hậu quả TNGT, cách nhận biết các tình huống nguy hiểm và cách phòng tránh TNGT. Riêng đối với cấp đại học, cao đẳng, trung cấp, HS-SV cần được phổ biến quy định về điều kiện được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy…
Bộ GD-ĐT chỉ đạo ngành giáo dục đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học. Theo đó, các đơn vị cần biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, cũng như xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân vi phạm. |
Cũng như đường bộ, nhà trường cũng triển khai giáo dục ATGT trong lĩnh vực đường sắt thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục HS-SV thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm ATGT đường sắt, tránh các hành vi bị nghiêm cấm như làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; để vật chướng ngại vật, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang ATGT đường sắt…
Linh động kết hợp nhiều loại hình
Đề cập đến hình thức tổ chức trong công tác giáo dục ATGT trường học, Bộ GD-ĐT đề nghị thủ trưởng các đơn vị tăng cường tuyên truyền cho HS-SV và phụ huynh qua các buổi nói chuyện chuyên đề, diễn đàn, tọa đàm, sân khấu hóa, phát thanh, hội thi tìm hiểu Luật Giao thông, hoặc lồng ghép trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn Đội. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thể lồng ghép, tích hợp với các giờ giảng dạy chính khóa, ngoại khóa, hoặc tuyên truyền trực quan bằng panô, áp phích, băng rôn, tờ rơi, khẩu hiệu, trang thông tin của các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các trường cần chủ động phối hợp với Ban ATGT và các cơ quan chức năng địa phương nỗ lực giải tỏa hàng quán, hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm; bố trí giờ học, giờ tan học hợp lý để tránh ùn tắc giao thông khu vực trường học; vận động HS-SV hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; tổ chức cho HS-SV tham gia các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường và hoạt động tình nguyện của địa phương.
Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Thường xuyên tiếp tục rà soát chương trình, nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoàn thiện tài liệu giảng dạy ATGT chính khóa hiện hành cho phù hợp hơn về nội dung, lứa tuổi, cấp học và thời lượng giảng dạy của các cấp học theo lộ trình xây dựng và thực hiện sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời đôn đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục phối hợp tổ chức giao lưu “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” cho HS tiểu học, Cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai” cho HS THCS và THPT. Tương tự, Vụ Giáo dục Đại học cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu đưa giáo dục ATGT vào chương trình chính khóa cho HS-SV các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, đặc biệt là đối với HS-SV các trường sư phạm đang học chuyên ngành liên quan đến giảng dạy giáo dục ATGT sau khi tốt nghiệp.
Bích Vân
Bình luận (0)