Hội nhậpThế giới 24h

Chạy đua quân sự tranh giành Bắc cực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Với những tiềm năng khổng lồ về tài nguyên thiên nhiên, chiến lược quân sự và hàng hải, Bắc cực đang trở thành điểm nóng của thế giới. 
Thông cáo báo chí của Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) hồi cuối tháng 7 cho biết lớp băng tuyết của lãnh thổ tự trị Greenland thuộc Đan Mạch đã tan chảy đến 97% trong mùa hè năm nay. Kể từ khi những hình ảnh vệ tinh bắt đầu được dùng để phân tích khí hậu cách đây 3 thập niên, chưa bao giờ băng tại khu vực cực Bắc lại tan nhanh và với diện tích rộng như những năm gần đây. Trái đất nóng dần lên không chỉ gây ra thảm họa sinh thái đối với nhiều quốc gia ven biển mà còn khiến việc khai phá Bắc cực trở nên dễ dàng hơn.
Theo tờ Ouest France, các nhà khoa học Nga ước tính khu vực lạnh giá này chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Còn báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc… Riêng Greenland đã chiếm 10% nguồn dự trữ nước ngọt của Trái đất.
 
Binh sĩ Canada được thử thách với thời tiết khắc nghiệt vùng cực trong cuộc tập trận Arctic Ram – Ảnh: RCAF
Băng tan nhanh cũng sẽ mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè. Từ châu Âu sang châu Á, các công ty vận chuyển hàng hải có thể rút ngắn được 6.000 – 8.000 km và khoảng 2 tuần lễ cho chuyến hải hành. Cụ thể, để đi từ London đến Tokyo, hải trình sẽ chỉ còn 16.000 km, so với 21.000 km nếu đi qua kênh đào Suez hoặc 23.000 km nếu sử dụng kênh đào Panama.  
Đóng tàu, xây căn cứ
Trước lợi ích kinh tế, chiến lược ngày càng lộ rõ của Bắc cực, 8 nước cận cực có liên quan trực tiếp bao gồm Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Thụy Điển và Phần Lan nhanh chóng tham gia tranh chấp chủ quyền đối với khu vực. Theo tờ Politiken, đầu tháng 8, một nhóm khoảng 20 nhà khoa học Đan Mạch đã lên đường trực chỉ Bắc cực. Mục tiêu của đoàn là chứng minh 155.000 km2 vùng đáy biển Bắc Băng Dương, bao gồm một phần Bắc cực, thuộc thềm lục địa của Greenland và phải được tính vào chủ quyền của Đan Mạch. Tuy nhiên, việc tuyên bố chủ quyền chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ Nga vì Moscow cũng từng lên tiếng tranh chấp một phần lãnh hải trong khu vực 155.000 km2 này.
Những năm gần đây, Nga không ngừng củng cố sức mạnh quân sự miền cực. Nước này đã bắt đầu cho đóng tàu phá băng có bộ dẫn tiến hạt nhân lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ được chạy thử nghiệm vào năm 2015 và chính thức hoạt động 2 năm sau đó. Cùng với tàu phá băng, Nga cũng dự định xây dựng các căn cứ quân sự ở khu vực cận cực như tại đảo Dikson thuộc biển Kara. Bên cạnh đó, không quân nước này thường xuyên tập trận tại khu vực cận cực. Bộ Quốc phòng Nga mới đây cho biết sẽ điều một lữ đoàn bộ binh được huấn luyện đặc biệt để đóng tại Bắc cực, được trang bị xe chuyên dụng chạy trên tuyết. Tuần trước, Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev tuyên bố nước này sẽ xây nhiều trung tâm hạ tầng ở các khu vực hẻo lánh cận Bắc cực để làm căn cứ tạm thời cho tàu chiến và tàu tuần duyên, theo RIA-Novosti…
Phó chủ tịch Học viện Địa chính trị Moscow Konstantine Sivkov nhận định trên Đài Tiếng nói nước Nga: “Những quốc gia cận cực Bắc đều muốn gia tăng sức mạnh quân sự tại khu vực này, bao gồm Mỹ, Canada và một số nước châu Âu. Sức mạnh quân sự sẽ là yếu tố mang tính quyết định trên bàn đàm phán về tranh chấp tại Bắc cực”.
Trên thực tế, Canada cũng xem Bắc cực là một mục tiêu quân sự mang tính chiến lược và đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Cornwallis thuộc Bắc Băng Dương. Hồi tháng 2, nước này đã tổ chức một đợt tập trận quy mô lớn Arctic Ram ở khu vực lạnh giá Yellowknife với sự tham gia của hải quân và không quân. Các quốc gia cận cực khác cũng không thua kém. Trong các năm 2009, 2010 Đan Mạch và Na Uy lần lượt cho lập đơn vị quân sự và lực lượng phản ứng nhanh chuyên trách Bắc cực.
Trung Quốc cũng nhòm ngó
Cuộc tranh chấp ở Bắc cực càng “nóng” lên với sự tham gia của Trung Quốc, một bên không thuộc nhóm các nước cận cực nhưng đang muốn gây ảnh hưởng ở khắp nơi. Sau khi bị từ chối năm 2009, hồi tháng 4, Bắc Kinh một lần nữa đệ đơn xin làm quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc cực. Theo tờ Le Point, cùng thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc thông báo đóng một tàu phá băng lớn và hiện đại, có trọng tải 8.000 tấn, được trang bị bãi đáp trực thăng và có thể phá những lớp băng dày 1,5 mét. Dự kiến tàu này sẽ bắt đầu hạ thủy vào năm 2014. Ngoài ra, Le Point dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết một khi băng tan, Bắc cực sẽ là giao điểm nối các đại dương và nếu có thể điều tàu ngầm hạt nhân đến vùng biển này, Trung Quốc sẽ cùng lúc “canh chừng” cả châu Âu, Nga và Mỹ.
Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động ngoại giao với các nước cận cực như Iceland, Đan Mạch. Nhân chuyến thăm các nước Bắc Âu vào tháng 4 của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Trung Quốc ký hiệp ước 6 điểm với Iceland, bao gồm hợp tác nghiên cứu về Bắc cực. Chưa hết, đến tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Đan Mạch.

theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)