Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bộ GD- ĐT sẽ hướng dẫn địa phương lựa chọn SGK

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo Quốc hội của Bộ GD-ĐT, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Bộ sẽ có hướng dẫn địa phương lựa chọn SGK phù hợp…

Phụ huynh tìm sách giáo khoa tại một nhà sách ở TP.HCM

Bộ GD-ĐT cho biết, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được ban hành theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của học sinh; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội.

Trong đó, nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân và rèn luyện kỹ năng sống được chú trọng; góp phần hình thành, phát triển cho học sinh những phẩm chất đạo đức, các năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề của thực tiễn đời sống, làm chủ bản thân, thực hiện trách nhiệm công dân, phù hợp với chuẩn giá trị đạo đức và quy định của pháp luật…

Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kết quả xây dựng chương trình, tình hình chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, Bộ đã đề xuất phương án giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, in và phát hành SGK; đã tính đến phương án tổ chức tuyển chọn 1 hãng tư vấn (nhà xuất bản) biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK nhưng cả 2 phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn 1 bộ SGK. Theo phương án này, Bộ GD-ĐT đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn SGK. Tuy nhiên, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia .

Bộ GD-ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK không sử dụng ngân sách Nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình GDPT mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học, trong đó lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021-2022, lớp 10 bắt đầu từ năm học 2022 – 2023.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ cho biết sẽ chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm đúng lộ trình. Thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký với nhà xuất bản theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, gửi bản mẫu SGK về Bộ GD-ĐT để được thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng.

Giữ môn Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới

Cũng theo báo cáo lần này của Bộ GD-ĐT, sẽ tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới. Nội dung giáo dục lịch sử được chú trọng nhằm giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại. Cụ thể, với cấp tiểu học: Môn Lịch sử và Địa lý (các lớp 4, 5) được bố trí 70 tiết/năm học; với cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lý (các lớp 6, 7, 8, 9) được bố trí 105 tiết/năm học; với cấp THPT, nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) được bố trí 210 tiết/năm học (70 tiết/môn).

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK tiến hành thẩm định bản mẫu SGK của các nhà xuất bản gửi về Bộ GD-ĐT. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GD-ĐT chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK, bảo đảm có ít nhất 1 bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục được phê duyệt, cho phép sử dụng. Đối với sách giáo khoa lớp 1, thời gian bắt đầu tổ chức thẩm định từ tháng 6-2019; tiếp tục chỉnh sửa, thực nghiệm, hoàn thiện bản mẫu SGK, thẩm định lại theo quy định để được phê duyệt, cho phép sử dụng trước tháng 12-2019, kịp thời tổ chức in, phát hành phục vụ năm học 2020-2021…

Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh độc quyền.

T. Trân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)