Chính phủ Nhật không cho phép chính quyền khu vực Tokyo đưa người lên các hòn đảo đang là tâm điểm của cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đệ trình lên chính phủ nước này yêu cầu tăng thêm ngân sách trong năm tài chính kế tiếp để tăng cường khả năng bảo vệ các phần lãnh thổ biển đảo xa xôi. Các giới chức nhấn mạnh rằng gia tăng chi phí cho quốc phòng là cần thiết bởi vì Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động hàng hải chung quanh quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Theo Đài Truyền hình NHK, Bộ Quốc phòng dự kiến đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu công tác tăng cường khả năng di chuyển nhanh của quân đội và củng cố hệ thống theo dõi an ninh cho các khu vực như các hòn đảo ở miền Tây Nam đất nước.
Các quan chức quốc phòng Nhật cho biết bộ này sẽ cần khoảng 38 triệu USD để mua 4 xe đổ bộ quân sự có khả năng triển khai binh sĩ nhanh chóng và sửa chữa những chiếc tàu ngầm cũ kỹ, đồng thời phát triển loại máy bay do thám không người lái.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch xin kinh phí để thành lập lực lượng đặc nhiệm gồm 100 thành viên chuyên phân tích các loại virus máy tính và chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công trên mạng. Đòi hỏi này xuất phát từ chỗ các văn phòng chính quyền Nhật Bản đã từng bị tấn công trên internet từ nước ngoài.
Chính phủ Nhật ngày 27-8 đã từ chối cho phép chính quyền khu vực Tokyo đổ bộ lên các hòn đảo đang là tâm điểm của cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Quyết định trên được đưa ra sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Nhật tại một số thành phố ở Trung Quốc cuối tuần qua. Một tuần trước đó, các cuộc chống đối với quy mô lớn hơn đã diễn ra ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc.
Binh sĩ Nhật tập luyện ở Gotemba, phía Tây Nam Tokyo. Ảnh: THE MELLOW JIHADI
Một giới chức Chính phủ Nhật xác nhận: “Chính phủ đã đi đến kết luận không cho phép đổ bộ lên các hòn đảo nhằm mục đích quản lý và kiểm soát một cách hòa hoãn và ổn định quần đảo Senkaku”.
Hãng tin Reuters nhận định động thái này nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng vốn đã dẫn đến phong trào chống Nhật lớn nhất trong nhiều năm qua ở Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Tokyo đã đề nghị mua các hòn đảo này từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật và xin chính quyền trung ương cho phép cử một đội ngũ chuyên gia đến để khảo sát vùng đất này.
Kế hoạch trên đã khiến Thủ tướng Yoshihiko Noda nảy ra ý tưởng chính quyền trung ương có thể mua quần đảo trên. Thế nhưng, cả hai kế hoạch vừa nêu đã làm bùng nổ sự phẫn nộ ở Trung Quốc. Hàng ngàn người tại một số thành phố ở Trung Quốc đã xuống đường phản đối Nhật Bản.
Quần đảo bỏ hoang này từ lâu đã là nguồn gốc gây xích mích cũng như tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh. Căng thẳng đã tăng cao vào giữa tháng 8 vừa qua khi lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo này. Sau đó, Tokyo đã trả tự do cho nhóm người trên để xoa dịu tình hình nhưng sự việc một số người Nhật đặt chân lên đó mấy ngày sau đã gây nên làn sóng phản ứng khác ở Trung Quốc.
Mỹ “tái xuất” ở Nam Thái Bình Dương
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự kiến thăm Cook, quốc đảo với chỉ 11.000 người, trong tuần này. Đồng thời, bà cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh do Diễn đàn Các đảo quốc Thái Bình Dương (FIP) tổ chức.
Đây được xem tín hiệu gửi thẳng tới Trung Quốc rằng Mỹ không bỏ quên khu vực này. Trước nay, Mỹ hiện diện nhiều tại Bắc và Trung Thái Bình Dương nhưng hầu như vắng bóng ở phía Nam, chủ yếu chỉ “chăm bẵm” hai đồng minh Úc và New Zealand. Trong lúc các quốc đảo nhỏ bé, nghèo và thiếu tính chiến lược lọt khỏi tầm ngắm của Mỹ nhiều năm qua thì Trung Quốc không ngừng củng cố quan hệ thông qua viện trợ và các thỏa thuận song phương. Từ năm 2005 đến nay, Bắc Kinh đã cấp khoảng 600 triệu USD tín dụng cho các đảo Tonga, Samoa, Cook, trong khi Mỹ chỉ hứa đóng góp khoảng 20 triệu USD vào một chương trình bảo vệ môi trường ở Nam Thái Bình Dương._Mỹ Nhung
|
LỤC SAN (NLĐ)
Bình luận (0)