Theo chuyên gia giám định về động vật hoang dã, con chim có mỏ to, đầu lớn đang xuất hiện ở TP.HCM cũng như con chim bị giết thịt gây xôn xao ở Bình Phước đều là chim hồng hoàng quý hiếm.
Ba ngày qua, khi mạng xã hội sục sôi vì vụ một giám đốc doanh nghiệp ở Bình Phước giết chim đăng Facebook gây phản cảm, dân săn ảnh động vật hoang dã cũng xôn xao về một con chim lớn có hình thù tương tự đang xuất hiện ở Sài Gòn.
“Nó đã xuất hiện mấy ngày rồi. Đó là một con chim lớn rất đẹp, giống hệt chim hồng hoàng quý hiếm. Một số nhiếp ảnh gia đã chụp được hình nhưng sợ chim bị săn bắt nên hạn chế tiết lộ thông tin”, một người mê chụp ảnh chim hoang dã, nhà ở quận 1, TP.HCM, cho hay.
Chim quý được nhận định là hồng hoàng đang xuất hiện trong một công viên ở TP.HCM. Ảnh: Cong Le Duc |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, con chim nói trên xuất hiện trong một công viên ở TP.HCM (để bảo vệ chim, chúng tôi không nêu địa chỉ cụ thể). Con chim này thường bay, đậu trên những tán cây rất cao nên chỉ những tay săn ảnh chuyên nghiệp mới chụp được rõ.
Từ hình ảnh nhiếp ảnh gia chụp được, một chuyên gia về giám định động vật hoang dã xác định con chim lớn đang xuất hiện ở TP.HCM là hồng hoàng, thuộc nhóm quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
“Hồng hoàng là loài chim được xếp vào phụ lục 1 của Công ước Cites về bảo vệ động vật hoang dã. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, giống chim này thuộc nhóm IB nên người săn bắt, tiêu thụ bị xử lý hình sự”, vị chuyên gia giải thích thêm.
Giám đốc doanh nghiệp giết chim đăng ảnh trên Facebook cá nhân bị dư luận lên án |
Cũng theo vị chuyên gia này, con chim bị giám đốc doanh nghiệp giết thịt đăng Facebook gây xôn xao trên mạng xã hội những ngày qua cũng là chim hồng hoàng. “Lãnh đạo kiểm lâm Bình Phước và Tây Ninh nói đây là chim cao cát nhưng theo nhận định của tôi đây là chim hồng hoàng. Con chim này còn non chưa phát triển trưởng thành nên thân hình còn nhỏ, nhìn có vẻ giống chim cao cát”, vị chuyên gia nói.
"Đặt điểm nhận dạng con chim bị giết thịt được căn cứ vào vết lông màu vàng và đuôi màu trắng còn sót lại trên mình. Chim cao cát trên cổ không có lông vàng và đuôi không có những chiếc lông dài màu trắng. Tuy nhiên, đây là nhận định cá nhân của tôi dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp. Muốn biết chính xác phải lấy mẫu giám định ADN. Tôi làm công tác giám định nên khi đưa ra kết luận chính thức phải có căn cứ khoa học và phải đảm bảo tính pháp lý”, vị chuyên gia giải thích thêm.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Sinh thái học miền Nam cũng nhận định con chim bị giết thịt ở Bình Phước đăng hình trên Facebook là hồng hoàng. “Đây là loài chim quý, cần phải được bảo vệ. Những đối tượng săn bắt, giết thịt chim quý cần phải được điều tra, xử lý”, tiến sĩ Long bày tỏ.
Trung Thanh/Phunuonline
Bình luận (0)