Hội nhậpThế giới 24h

TRUNG QUỐC XUẤT KHẨU VŨ KHÍ GIÁ RẺ: Norinco và những “thương vụ đen”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Công ty Công nghiệp Phương Bắc (tên tiếng Anh Norinco) không chỉ bị tai tiếng trong nghi án Libya. Nhiều “thương vụ đen” khác cũng bị phanh phui ở Mỹ, Iran và Pakistan

Dự án tàu điện nhanh ở Lahore theo thiết kế của Norinco. Ảnh: The Nation
Norinco là một trong những công ty công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc. Sản phẩm của công ty rất đa dạng, từ xe cơ giới (xe tải, xe du lịch và mô tô), thiết bị quang-điện tử, máy móc và thiết bị dầu khí cho đến hóa chất, sản phẩm công nghiệp nhẹ, chất nổ, súng cầm tay quân sự và thể thao, đạn dược… Norinco cũng tham gia các dự án công trình xây dựng dân sự trong và ngoài nước.
Chiến dịch Rồng lửa
Norinco được biết đến ở nước ngoài về sản phẩm quốc phòng kỹ thuật cao như hệ thống tấn công chính xác, vũ khí và thiết bị tấn công trên cạn và dưới nước, hệ thống vũ khí hủy diệt tầm xa, hệ thống phòng không và bắn chặn tên lửa, bom không khí-chất đốt, thiết bị chống khủng bố và chống bạo động, vũ khí nhẹ. Trong hơn 30 năm qua, Norinco đã xuất khẩu 25 tỉ USD.
Ra đời năm 1980 và thuộc quyền kiểm soát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng, Norinco có nhiều chi nhánh ở Mỹ như Beta Chemical, Beta Lighting, BetaUnitex, China Sports (California), NIC International (bang New Jersey).
Năm 1993, chính quyền ông Clinton quyết định cấm nhập khẩu súng cầm tay và đạn dược của Norinco bởi lo ngại các băng đảng xã hội đen ở các thành phố lớn dùng chúng để gây tội ác. Thế nhưng, cấm là một chuyện, còn lệnh này có được tôn trọng hay không lại là chuyện khác.
Tháng 5-1996, hải quan Mỹ đã tịch thu được một số lượng súng tự động được cho là “lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ” trong một chiến dịch truy quét mang tên “Rồng lửa”. 14 người (trong đó có một người Hoa đại diện Công ty Norinco) cùng một công ty ở Atlanta, bang Georgia, đã bị truy tố về tội nhập lậu và buôn bán 2.000 khẩu AK-47 kiểu 56 do Norinco sản xuất.
Chiến dịch nói trên bắt đầu từ năm 1994 với sự tham gia của hải quan và ATF (cơ quan quản lý rượu, thuốc lá, súng cầm tay và chất nổ). Gary Hipple, nhân viên hải quan Mỹ, đóng vai trùm mafia buôn lậu ma túy và một đồng nghiệp bên ATF đóng vai trùm băng đảng đường phố San Francisco tiếp xúc với “cò vũ khí” người Mỹ gốc Hoa tên Hammond Cốc với ý đồ nhập lậu 2.000 khẩu AK-47 Trung Quốc để tiêu thụ trên thị trường Mỹ. Hipple nói sẵn sàng trả 700.000 USD tiền mặt cho thương vụ này.
Sau khi thử thách Hipple có phải là mafia thứ thiệt hay không, Hammond Cốc giới thiệu Hipple với Richard Trần, đại diện Norinco ở Mỹ và Robert Mã, trưởng phòng kinh doanh ở Mỹ của Poly Technologies, cũng là một công ty quốc doanh sản xuất vũ khí tầm cỡ của Trung Quốc. Thương lượng xong xuôi, hàng được chở bằng tàu đến San Francisco ngày 18-3-1996. 700.000 USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng Bắc Kinh và Hồng Kông.
Chuyển tiền xong, Hammond Cốc cho biết Norinco muốn “tiếp tục phục vụ”, cung cấp vũ khí to hơn bao gồm tên lửa vác vai mà họ Cốc khoác lác “có thể bắn rơi cả máy bay B.474”. Hải quan và FBI rất muốn tiếp tục giăng bẫy nhưng do báo chí (tờ New York Times và Los Angeles Times) đã đánh hơi được nên họ quyết định kết thúc chiến dịch. Hammond Cốc và Richard Trần bị bắt. Riêng Robert Mã thoát thân trở về Trung Quốc.

Hải quan Mỹ đã tịch thu 2.000 khẩu AK-47 kiểu 56 như thế này của Norinco trong chiến dịch Rồng lửa 1996. Ảnh: AP
Nói một đằng, làm một nẻo
Đó không phải là lần đầu tiên Norinco bị Mỹ “chiếu tướng” cấm vận bán hàng vào nước Mỹ. Tháng 8-2003, chính quyền ông Bush ra lệnh trừng phạt Norinco với lý do cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Iran. Lệnh cấm này khiến Norinco thất thu hàng trăm triệu USD trong 2 năm 2004 và 2005 do không được xuất khẩu hàng vào Mỹ.
Tài liệu Mỹ cho biết Norinco bán cho Tập đoàn Shahid Hemmat Industrial (SHIG) hàng hóa liên quan đến tên lửa. SHIG là nhà phát triển và sản xuất chủ yếu tên lửa đạn đạo của Iran. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã hành động trái với lời cam kết năm 2000 là sẽ không giúp bất cứ nước nào phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Chính phủ Trung Quốc và Norinco thừa nhận có quan hệ buôn bán với SHIG nhưng bác bỏ cáo buộc liên quan đến tên lửa.
Người phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc và Norinco đều lên tiếng phản đối biện pháp trừng phạt của Mỹ mà Trung Quốc cho rằng “hoàn toàn phi lý”, “vô căn cứ và không thể biện minh”.
Ở Pakistan tháng 4-2001, Norinco cũng có một siêu dự án xây dựng hệ thống tàu điện nhanh có thể chở 30.000 hành khách/giờ tại thành phố Lahore, bang Punjab. Vốn tín dụng do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cấp. Tuy nhiên, dự án này đã bị chỉ trích rất nhiều từ chuyện thiếu minh bạch (không qua đấu thầu) đến những yêu sách của Norinco mà các nhân sĩ Punjab cho là quá đáng (ví dụ đòi thay đổi thiết kế xây trên đất thay vì trên không buộc phải giải tỏa nhà đất rất tốn kém), lãi suất tín dụng cao và ràng buộc đủ thứ. Kết quả, theo thông tin mới nhất, chính quyền Punjab đã quyết định từ chối Norinco.
 
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)