Hội nhậpThế giới 24h

Thợ mỏ Nam Phi biểu tình hàng loạt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các công đoàn cạnh tranh quyền lực, thợ mỏ phải chịu mức lương thấp.
Ngày 10-9, 4.000 thợ mỏ của Công ty Lonmin (trụ sở ở Anh) tiếp tục biểu tình đòi tăng lương tại mỏ bạch kim ở thị trấn Marikana, tỉnh Tây Bắc (Nam Phi).
Theo hãng tin Reuters, các thợ mỏ hô to khẩu hiệu phản đối cảnh sát bắn thợ mỏ và dọa giết bất cứ thợ mỏ hoặc quản lý nào không đình công. Họ cho biết sẽ biểu tình đến khi Công ty Lonmin trả lương cơ bản 12.500 rand (32 triệu đồng VN)/tháng, tức gấp đôi mức lương hiện tại.
Công ty Lonmin cho biết chỉ có 6,3% trong 28.000 công nhân làm ca tại mỏ ở thị trấn Marikana đi làm hôm 10-9.
Cùng ngày, tại thị trấn Rustenburg ở tỉnh Tây Bắc, 15.000 thợ mỏ của Công ty khai thác bạch kim Implats (Nam Phi) đòi tăng 10% lương. Tại huyện West Rand ở tỉnh Gauteng, 15.000 thợ mỏ tại mỏ vàng KDC của Công ty Gold Fields của Nam Phi (lớn thứ tư thế giới) đình công.

Ngày 10-9, thợ mỏ làm việc cho Công ty Lonmin biểu tình. Ảnh: AP
Hồi tuần trước, Công ty Lonmin và ba công đoàn lớn cùng đại diện các thợ mỏ đã ký thỏa thuận chấp nhận hòa giải.
Công ty hứa sẽ đàm phán tăng lương nếu thợ mỏ đi làm trở lại từ ngày 10-9. Tuy nhiên, Hiệp hội Công đoàn xây dựng và thợ mỏ cùng các đại diện công nhân đình công không chịu ký vì cho rằng bị ép và Công ty Lonmin chưa thực sự giải quyết các mối quan tâm của thợ mỏ.
Chênh lệch quá lớn về thu nhập ở Nam Phi (nền kinh tế lớn nhất châu Phi) và sự ganh đua quyền lực giữa các công đoàn thợ mỏ là nguyên nhân dẫn đến biểu tình đe dọa ngành khai thác khoáng sản Nam Phi.
Hiệp hội Công đoàn xây dựng và thợ mỏ bất mãn với Công đoàn thợ mỏ quốc gia Nam Phi bởi các lãnh đạo công đoàn này xa cách với thợ mỏ và có vẻ quan hệ gần gũi với đảng cầm quyền.
Biểu tình của các thợ mỏ là thách thức nghiêm trọng nhất đối với thỏa thuận bất thành văn trong thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Đó là các công đoàn ủng hộ đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi, bù lại công nhân sẽ được hưởng lương cao hơn và các doanh nghiệp lớn được bảo đảm hoạt động ổn định.
Ngày 10-9, Chủ tịch Hiệp hội Công đoàn xây dựng và thợ mỏ Joseph Mathunjwa thông báo sẽ tham dự đàm phán về lương cho thợ mỏ của Công ty Lonmin do Hội đồng Hòa giải, trung gian và trọng tài Nam Phi tổ chức. Tuy nhiên, ông không bảo đảm thợ mỏ sẽ quay lại làm việc.
Trước đó, do Bộ trưởng Lao động Mildred Olifant thông báo Hiệp hội Công đoàn xây dựng và thợ mỏ chỉ được tham gia với tư cách quan sát viên nên tổ chức này tuyên bố không tham gia đàm phán.
Trong khi đó, Công ty Lonmin đang đứng trước quyết định khó khăn. Nếu thợ mỏ không trở lại làm việc, tình hình tài chính công ty sẽ tiếp tục xấu thêm. Một số mỏ sẽ phải đóng cửa. Còn nếu chấp nhận mức lương mới, chi phí sẽ phình to đồng thời khuyến khích thợ mỏ ở các mỏ bạch kim khác biểu tình đòi tăng lương.
Ngày 16-8, cảnh sát bắn thợ mỏ biểu tình đòi tăng lương ở thị trấn Marikana. 34 người chết, 78 người bị thương.
Ngày 19-8: Công ty Lonmin ra tối hậu thư yêu cầu thợ mỏ trở lại làm việc vào ngày 20-8, nếu không sẽ bị sa thải. Tổng thống Jacob Zuma tuyên bố quốc tang.
 Ngày 23-8: Tổng thống Jacob Zuma lập ủy ban điều tra vụ bắn thợ mỏ.
 Ngày 6-9, Công ty Lonmin ký thỏa thuận hòa giải với ba công đoàn thợ mỏ. Hiệp hội Công đoàn xây dựng và thợ mỏ và các đại diện thợ mỏ không ký.
LÊ LINH (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)