Mặc dù nhiều doanh nghiệp sản xuất đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhưng vẫn không tuyển được lao động trẻ. Một trong những lý do là người lao động ngại đi làm xa và lo ngại ô nhiễm môi trường.
Học sinh Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong các ngày hội việc làm. Ảnh: Mỹ Quyên
Thiếu lao động cả về số lượng và chất lượng
Từ đầu tháng 11 đến nay, Công ty phụ tùng ô tô Goshi Thăng Long (KCN Sài Đồng, Q.Long Biên, Hà Nội) thường xuyên tham gia các phiên giao dịch tại sàn giao dịch việc làm hằng tuần của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Tuy nhiên đến nay các vị trí công ty có nhu cầu như quản trị kinh doanh, kỹ sư cơ khí chế tạo điện… vẫn chưa tuyển được người như ý. Bà Nguyễn Thị Hoa, phụ trách tuyển dụng Phòng Nhân sự Công ty phụ tùng ô tô Goshi Thăng Long, bày tỏ: “Tại các phiên giao dịch việc làm cũng có lao động nộp hồ sơ ứng tuyển. Sau khi qua vòng phỏng vấn, đến khi công ty gọi đi làm có người từ chối khéo với lý do công việc không phù hợp, nhưng cũng có lao động kêu làm xa nhà, đi lại không thuận tiện nên từ chối”.
Theo bà Hoa, ngoài các phiên giao dịch việc làm, công ty còn đăng tuyển trên Facebook, dán thông báo ở cổng công ty… Mức lương của những lao động có trình độ thường theo thỏa thuận, dao động từ 12,5 – 30 triệu đồng kèm các chế độ đãi ngộ khác. Tuy nhiên, người lao động không mặn mà.
Chị Lê Vân, trưởng phòng nhân sự của một công ty liên doanh với Nhật Bản, từng có thời gian làm việc ở KCN Từ Sơn (Bắc Ninh), bộc bạch: “Làm việc ở KCN giờ giấc bó buộc chặt chẽ hơn làm văn phòng, ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt, chưa kể mỗi tháng chỉ được nghỉ 2 ngày cuối tuần. Buổi trưa ăn cơm nhà máy phát chán. Tôi làm 3 năm, mặc dù lương cao nhưng khi có con nhỏ không thể theo nổi, đành bỏ việc”.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thừa nhận những vị trí việc làm trong ngành sản xuất chế tạo tại các KCN mà doanh nghiệp đăng ký tuyển như: quản lý, kế hoạch sản xuất, phiên dịch – biên dịch, thư ký, trợ lý giám đốc, nhân viên kỹ thuật… đang khan hiếm lao động. “Người lao động luôn mong muốn tìm công việc có mức thu nhập cao, nhưng lại chê những công việc phải đi làm xa, ở ngoại thành. Hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp phần mềm, đang hút nhiều lao động từ khu vực này”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhìn nhận: “Vào quý 1/2019, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề cho các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như dệt may – giày da, chế biến thực phẩm, vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu, nhựa – bao bì, xây dựng… có xu hướng tăng. Trong thời gian qua, doanh nghiệp về sản xuất luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng không đủ nhân lực”.
Liên kết với cơ sở đào tạo
Để giải quyết bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực cả về chất lượng và số lượng, theo đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng cấp trung và cấp cao Navigos, các doanh nghiệp ngành sản xuất đã thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có các hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo. Trong đó trường dạy nghề đang được 49% các doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn, vượt qua trường ĐH và CĐ, với tỷ lệ là 42% và 24%.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ cơ điện Hà Nội, cho biết quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường mang lại lợi ích cho cả hai bên. Sinh viên có việc làm sau khi ra trường, còn doanh nghiệp tuyển chọn được người theo nhu cầu và chất lượng đầu ra. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá người học, cung cấp đội ngũ giảng viên và đầu ra các tiêu chuẩn năng lực đối với người học. Từ đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM), cũng thông tin, hằng năm có rất nhiều doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề về hợp tác đào tạo và tuyển dụng, trong đó học sinh bậc CĐ và trung cấp các ngành như công nghệ may, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử… tốt nghiệp là có việc làm ngay. Tương tự, các trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Nghề TP.HCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Đại Việt, Trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương… cũng được doanh nghiệp đặt hàng rất nhiều. “Kiến thức chuyên môn là yêu cầu hàng đầu mà doanh nghiệp sản xuất cần, sau đó là các yếu tố liên quan đến kỹ năng giải quyết vấn đề, tính chủ động, tính kỷ luật và tinh thần học hỏi”, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương, nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quang Thành, hiện có rất nhiều công ty nước ngoài, nhất là công ty về phần mềm, đặt văn phòng ở các thành phố lớn thu hút giới trẻ làm việc từ các KCN. Vì vậy, để giữ chân lao động và bắt kịp làn sóng công nghệ mới khi các doanh nghiệp đầu tư máy móc, ngoài chế độ đãi ngộ, doanh nghiệp ngành sản xuất phải chú trọng đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ cho người lao động về chuyên môn, ngoại ngữ.
Ông Gaku Echizenya, CEO Navigos Group VN, chia sẻ: “Ngành sản xuất đã và đang là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn cho nền kinh tế VN. Tuy nhiên nếu không mạnh dạn nắm bắt cơ hội này bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 thì những thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á sẽ là điểm đến lý tưởng hơn cho các nhà đầu tư. Do vậy, bên cạnh việc áp dụng công nghệ để đổi mới quy trình sản xuất thì việc đào tạo đội ngũ nhân lực cần phải được các doanh nghiệp tại VN đặc biệt chú trọng”.
“Công việc ổn định” là từ khóa
Qua khảo sát hơn 200 doanh nghiệp sản xuất và 3.200 ứng viên về thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0 được Công ty nhân sự Navigos Search công bố ngày 26.11, “công việc ổn định” là từ khóa quan trọng nhất đối với nhân sự ngành sản xuất; 35% cho biết doanh nghiệp họ thiếu các nhân sự đạt yêu cầu về chất lượng công việc, 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết công ty họ có tỷ lệ nghỉ việc dưới 20%/năm.
Về phía ứng viên, 55% ứng viên trả lời họ nhận thấy doanh nghiệp mình làm việc đang thiếu lao động trầm trọng, 37% cho biết khối lượng công việc của họ tăng cao do bị ảnh hưởng bởi việc thiếu lao động này.
|
Thu Hằng – Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)