Sáng 10-10, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo triển khai Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) và Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình hành động phòng chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2017-2021. Tại đây, các đại biểu đã hiến kế nhiều giải pháp, cách thức triển khai.
Cô trò Trường Mầm non số 6, quận 3, TPHCM trong giờ học
Gia tăng số vụ, tính chất phức tạp hơn
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết, từ năm 2011 đến nay, BLHĐ có chiều hướng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc có tính chất phức tạp. Kết quả thống kê từ ngành công an cho thấy, năm học vừa qua xảy ra hơn 2.000 vụ bạo lực, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra ngay trong môi trường học đường.
Bộ GD-ĐT đề nghị các trường, các Sở GD-ĐT chủ động hơn trong việc nắm bắt tình hình, dữ liệu về BLHĐ. Khi có vụ việc xảy ra, cần phân định rõ bạo lực xảy ra ở đâu. Nếu vụ việc xảy ra trong nhà trường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng; nếu xảy ra ở địa phương, ngoài xã hội sẽ do chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm xử lý.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết năm học 2018-2019, toàn TP có trên 1,7 triệu học sinh, trong đó 2 bậc mầm non và tiểu học chiếm hơn 1 triệu học sinh. Với bậc mầm non, loại hình tổ chức nhóm lớp độc lập, tư thục ngày càng có chiều hướng gia tăng với hơn 2.000 nhóm lớp, đặt ra bài toán nan giải về công tác quản lý. Để hạn chế thấp nhất số vụ BLHĐ, mỗi đầu năm học sở đều phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách mảng tại phường, xã. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, khi thực hiện còn gặp khó khăn, còn lúng túng khi xử lý vụ việc.
Về các yêu cầu an toàn trường học, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp bày tỏ lo ngại trước chủ trương xây dựng hàng rào bằng cây xanh bao quanh trường học, về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng trà trộn vào trường thực hiện hành vi xấu. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang nêu thực tế lực lượng bảo vệ trường học hiện nay rất mỏng do thiếu cơ chế thực hiện. Nhiều trường có trên 90 lớp học phải thuê thêm lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp bên ngoài, nhưng lại vướng các quy định về thu, chi trong trường học.
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống
Ông Phạm Anh Dũng, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng cũng như yếu tố tác động gia tăng số vụ BLHĐ hiện nay xuất phát từ mặt trái của mạng xã hội. Trong khi đó, cách tiếp cận và phòng chống BLHĐ của các ngành hiện nay còn “cứng nhắc”. Giải pháp hữu hiệu là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nâng cao hiệu quả của hoạt động ngoại khóa. Với trách nhiệm của người hiệu trưởng, ngoài việc quan tâm, sâu sát phân loại từng nhóm đối tượng học sinh phải có mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, kết nối đến tận tổ dân phố để nâng cao hiệu quả phòng ngừa vụ việc gây ra bạo lực.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 2 (TPHCM), cho rằng ở lứa tuổi THCS, tâm lý các em còn nhiều bất ổn, “lớn không lớn, nhỏ không nhỏ”. Biện pháp căn cơ nhất là giáo dục đạo đức cho các em.
“Thường những trường hợp bạo lực xảy ra xuất phát từ những em có hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn. Đây là đối tượng cần được quan tâm, yêu thương nhiều hơn”, cô Nguyễn Thị Cúc bày tỏ.
Thầy Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (TPHCM), nêu giải pháp để phòng tránh BLHĐ, cơ sở giáo dục phải chú trọng giáo dục thường xuyên về mặt nhận thức và pháp luật cho học sinh. Hình thức tổ chức có thể bao gồm giáo dục trong giờ học môn giáo dục công dân, giờ sinh hoạt dưới cờ hoặc tích hợp trong các môn học khác. Ngoài ra, việc chú trọng xây dựng cảnh quan, tạo môi trường giáo dục sạch đẹp, thoải mái cũng góp phần ảnh hưởng đến tâm trạng người học.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất Bộ GD-ĐT tăng thêm định biên về giám thị, bổ sung thêm một số chế độ khen thưởng, xử phạt đối với các hành vi BLHĐ. Bên cạnh đó, các trường học cần thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu tấm gương sáng về đạo đức, xây dựng bộ quy tắc ứng xử ngắn gọn, dễ hiểu, tăng cường phối hợp với gia đình trong giáo dục học sinh…
MINH QUÂN/ SGGP
Bình luận (0)