Hãng AFP đưa tin, sáng 9-10, các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã bắt đầu tại Tokyo, với sự tham gia của gần 20.000 quan chức chính phủ, giới chủ doanh nghiệp và các thống đốc ngân hàng trung ương. Cuộc họp thảo luận nhiều vấn đề, từ cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng euro (eurozone) và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cho đến các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển.
Các cố vấn kinh tế của IMF trong buổi họp báo công bố triển vọng kinh tế thế giới tại Tokyo, Nhật Bản.
Châu Á tăng trưởng chậm, châu Âu trì trệ
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục ở mức nguy hiểm. Điều này thể hiện rõ trong bản báo cáo của WB vào đầu tháng này. Bản báo cáo công bố ngày 9-10 của IMF cũng tương tự . IMF nhận định tăng trưởng trong năm nay của hầu hết các nền kinh tế đều giảm. Nguy cơ này tiếp tục tăng cao nếu eurozone không thể dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công và Mỹ thất bại trong kế hoạch khẩn cấp tăng thuế, giảm chi tiêu vào năm tới. So với báo cáo hồi tháng 7, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,5% xuống 3,3% trong năm 2012, và từ 3,9% xuống 3,6% năm 2013.
IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á xuống 6,7% trong năm 2012 do suy thoái kinh tế ở châu Âu và tăng trưởng ảm đạm ở Mỹ khiến sức tiêu dùng giảm, nhưng sau đó sẽ đạt 7,2% vào năm 2013. Trước đó, mức dự báo IMF đưa ra hồi tháng 7 lần lượt là 7,1% và 7,5%. Theo dự báo của IMF, kinh tế khu vực eurozone gồm 17 quốc gia thành viên sẽ suy giảm 0,4% trong năm nay, nhiều hơn 0,1% so với mức dự báo suy giảm đưa ra hồi tháng 7. IMF cho rằng, trong năm 2013, kinh tế eurozone sẽ tăng trưởng 0,2%, thấp hơn mức dự báo tăng 0,7% đưa ra cách đây 3 tháng. Riêng với Mỹ, mức tăng trưởng sẽ ở 2,2% Liên quan đến Trung Quốc, IMF dự báo tăng trưởng sẽ giữ ở mức 7,8% trong năm 2012 nhưng có thể sẽ trở lại mức tăng trưởng nóng 8,2% vào năm 2013 do các biện pháp nới lỏng hiện nay. Các mức dự báo trên đều thấp hơn mức dự báo hồi tháng 7 là 8,0% và 8,2%. Theo nhận định của IMF, tăng trưởng giảm ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của các nước châu Á còn lại.
Nỗi lo eurozone
Báo cáo của IMF được công bố chỉ 1 ngày sau khi eurozone khởi động Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của eurozone, nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ này. ESM có trị giá 500 tỷ EUR (khoảng 653 tỷ USD), được đưa ra để cung cấp tài chính cho các nước thành viên eurozone gặp khó khăn nếu họ cam kết tiến hành những cải cách tài chính và cơ cấu nhằm đưa các nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo.
Ngay sau khi thông tin ra mắt quỹ này được công bố, tổ chức xếp hạng Moody’s đã xếp ESM ở hạng AAA nhưng đánh giá quỹ bình ổn này ở dạng tiêu cực. Moody’s cảnh báo, nếu mức tín nhiệm của các nước eurozone giảm, xếp hạng của ESM cũng giảm. Nhưng chuyên gia kinh tế người Italia Carlo Montenovesi nhận định ESM được xem là giải pháp tối ưu cho các nền kinh tế châu Âu nhưng tác dụng của nó chỉ ở mức lâu dài và không thể vực dậy eurozone trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng thất bại trong việc khắc phục bất ổn nền kinh tế, đã góp phần khiến đà trì trệ của kinh tế toàn cầu kéo dài hơn. IMF đánh giá các nền kinh tế phát triển suy yếu là do chính sách thắt chặt tài khóa và do hệ thống tài chính yếu.
Thanh Hằng (tổng hợp)
Theo SGGP
Bình luận (0)