Thông tin bộ môn âm nhạc sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường THPT khiến giáo viên và học sinh không khỏi vui mừng. Điều này đồng nghĩa với việc có thể thỏa mãn được nguyện vọng, đam mê âm nhạc của học sinh, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thực tế tại các trường THPT thì quá khó để đưa vào giảng dạy đại trà.
Thành viên câu lạc bộ âm nhạc một trường THPT đang tập luyện |
Đội ngũ giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất… là điều khiến lãnh đạo nhiều trường đang mất ăn mất ngủ trước điểm mới trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra.
Trường đang “rầu” lắm
Đó là lời “than thở” của lãnh đạo một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM khi được hỏi về việc bộ môn âm nhạc được đưa vào dạy ở bậc phổ thông trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh việc đánh giá cao dự thảo khi cho rằng, việc đưa vào giảng dạy môn âm nhạc ở bậc THPT là điều rất cần thiết, tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực, định hướng đam mê, nghề nghiệp thì lãnh đạo các trường cũng không khỏi băn khoăn khi đặt ra những câu hỏi như nguồn giáo viên âm nhạc sẽ lấy ở đâu, cơ sở vật chất sẽ như thế nào?
“Trước giờ Bộ GD-ĐT chưa có một quy định nào về việc đào tạo giáo viên âm nhạc THPT. Vì vậy khi đưa âm nhạc vào dạy thì nguồn giáo viên các trường sẽ phải lấy ở đâu. Trong dự thảo có gợi ý là có thể mời các nghệ nhân, giáo viên âm nhạc bậc THCS về giảng dạy một số nội dung. Tuy nhiên, giáo viên âm nhạc bậc THCS cũng đâu có được đào tạo bài bản về giảng dạy cho chương trình THPT. Còn việc mời nghệ nhân thì không phải trường nào cũng có điều kiện để mời, đặc biệt là những trường ở vùng ven và không phải loại hình nào cũng mời nghệ nhân”, cô Mai Tuyết Vân (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long, Q.9) chia sẻ.
Đồng tình với chia sẻ trên, đại diện Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) lại nêu ra băn khoăn trước điều kiện cơ sở vật chất của các trường khi đưa bộ môn âm nhạc vào giảng dạy. “Không thể dạy chay được. Cũng phải có phòng âm nhạc, phòng dụng cụ, phòng thu âm đàng hoàng thì mới có thể phát huy tối đa hiệu quả, ý nghĩa của việc đáp ứng nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Mà trên thực tế, điều kiện cơ sở vật chất cho bộ môn âm nhạc tại các trường lại chưa được thống nhất, đồng đều”, thầy Ngô Hùng Cường, (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên) phân trần.
Là một trường ở vùng ven thành phố, cơ sở vật chất ngay trong các môn học chính quy còn thiếu thốn, thầy Trần Minh Thùy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Hóc Môn) cho rằng hiện tại môn âm nhạc trong các trường THPT mới chỉ đang được đưa vào ở mức phong trào. “Muốn đưa vào dạy đại trà, “giải cơn khát” cho học sinh thì trước hết phải giải quyết cho các trường được bài toán về nguồn giáo viên âm nhạc và cơ sở vật chất để tránh tình trạng dạy cho có phong trào”, thầy Thùy nói.
Chỉ nên giảng dạy ở dạng chuyên đề, ngoại khóa
Trước những khó khăn trước mắt như thế, nhiều trường đặt ra giải pháp là hiện tại chỉ nên đưa bộ môn âm nhạc vào giảng dạy theo dạng chuyên đề, ngoại khóa. Điều này sẽ khiến các trường “dễ thở” hơn khi có thể tự lo liệu được nguồn giáo viên và chủ động trong việc trang bị trang thiết bị phục vụ môn học.
Là một trong những trường thường xuyên đưa âm nhạc đến với học sinh dưới hình thức sinh hoạt chuyên đề bằng cách mời các nghệ sĩ đến giới thiệu, giao lưu, chia sẻ với học sinh, cô Mai Tuyết Vân cho biết bằng cách này, nhà trường có thể linh hoạt về mặt thời gian, khách mời và cơ sở vật chất mà vẫn mang trọn vẹn những kiến thức và tinh thần âm nhạc đến học sinh.
Nhiều trường đặt ra giải pháp là hiện tại chỉ nên đưa bộ môn âm nhạc vào giảng dạy theo dạng chuyên đề, ngoại khóa. Điều này sẽ khiến các trường “dễ thở” hơn khi có thể tự lo liệu được nguồn giáo viên và chủ động trong việc trang bị trang thiết bị phục vụ môn học. |
“Tiểu học và THCS có thể thực hiện được. Nhưng khi đã áp dụng vào THPT thì thực sự khó khăn. Dù trường đang lên kế hoạch liên hệ thỉnh giảng, thuê giáo viên dạy hợp đồng tại Khoa Nhạc họa Trường ĐH Sài Gòn và Nhà văn hóa quận, tuy nhiên, cũng chưa biết thế nào”, cô Vân chia sẻ.
Trường THPT Trần Khai Nguyên là trường sớm phát triển các câu lạc bộ kỹ năng, âm nhạc, thầy Ngô Hùng Cường cho biết trường cũng chỉ đang xây dựng một phòng âm nhạc để học sinh thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình. “Các câu lạc bộ đó trường có mời nhạc sĩ Sỹ Luân về giảng dạy. Tuy nhiên, cũng chỉ mới dừng ở mức sinh hoạt ngoại khóa, tạo sân chơi cho học sinh bước đầu làm quen với âm nhạc chứ chưa phải là một tiết học”, thầy Cường chia sẻ.
Cho rằng học sinh không phải là những “con chuột bạch” để có thể đưa những thử nghiệm đổi mới giáo dục, đại diện một trường THPT quốc tế ở Q.Bình Thạnh nhìn nhận, ngay cả trong môi trường quốc tế, với cơ sở vật chất đủ đầy, trường cũng chưa thể “vỗ ngực” cho rằng đã có thể sẵn sàng đưa môn âm nhạc vào giảng dạy. “Ngoài các phòng chức năng chuyên biệt, giáo viên phải có đủ trình độ âm nhạc để giảng dạy, truyền cho học sinh thẩm thấu được kiến thức. Đặc biệt trong phần hát bài hát nước ngoài, hát hợp xướng và làm quen với các loại nhạc cụ nước ngoài, thì lại đòi hỏi kiến thức chuyên sâu. Do đó, dự thảo này chỉ nên áp dụng dưới hình thức cho các trường làm quen trước dưới dạng ngoại khóa, chuyên đề. Hoặc thí điểm tại một số trường”, vị đại diện nói.
Hoa Đỗ
Bình luận (0)