Các chuyên gia giáo dục, y tế, tâm lý… đều khẳng định cần phải cho học sinh trở lại trường càng sớm càng tốt trước những tiêu cực khi trẻ ở nhà quá lâu, trong khi kinh nghiệm, điều kiện phòng chống dịch đã tốt hơn rất nhiều.
Sáng 19.1, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Rủi ro khi học sinh ở nhà quá lâu còn lớn hơn đi học
Trao đổi tại hội nghị, Trưởng chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam, bà Simone Vis cho biết tổ chức này có bằng chứng rõ ràng về việc học sinh (HS) ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập…; tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên Hiệp Quốc đặt ra là phải đưa HS quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến. “Quyết định cho HS trở lại trường học là vì quyền lợi các em. Rủi ro khi HS nghỉ học còn lớn hơn rất nhiều so với khi các em được đi học”, bà Simone Vis nói.
Các chuyên gia cho rằng cần sớm đưa học sinh trở lại học trực tiếp. ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo thông tin của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nhóm từ 0 – 17 tuổi rất nhỏ, khoảng 0,42%; trong khi con số này ở độ tuổi từ 18 – 49 là trên 15%. Khẳng định được đến trường là quyền của trẻ em, lãnh đạo Cục này đề xuất sau Tết Nguyên đán các tỉnh, thành cho HS đi học trở lại với nhóm từ 12 – 17 tuổi. Lứa tuổi mầm non và tiểu học cũng được đề nghị tính toán lộ trình để được đến trường.
GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, cho rằng: “Chúng ta chỉ có thể chọn giải pháp an toàn nhất chứ không thể có giải pháp an toàn tuyệt đối”. Do đó, GS Trí khẳng định đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa HS trở lại trường học, bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. “Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không, chúng ta có lỗi”, GS Trí nói.
PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng ủng hộ chủ trương mở cửa lại trường học vì cho rằng ngoài yếu tố ảnh hưởng chất lượng giáo dục, có “nguy cơ hỏng cả một thế hệ”. PGS Nga cho biết: “Chúng ta đã có 2 năm kinh nghiệm phòng chống dịch, đã biết rõ về cơ chế lây truyền của vi rút; đã có biện pháp bảo vệ, điều trị tốt hơn rất nhiều so với trước đây”.
Cũng theo PGS Nga, trẻ em bị lây nhiễm và biểu hiện nhẹ hơn nhiều, nguy cơ tử vong thấp hơn rất nhiều so với người lớn tuổi có bệnh nền. Theo CDC Mỹ, nguy cơ lây lan trong trường học thấp hơn nhiều so với trong cộng đồng.
Ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cũng chia sẻ kinh nghiệm khoanh vùng ở quy mô nhỏ nhất để kiên trì mở cửa trường học ở tỉnh này vì lo ngại “đóng cửa trường lâu quá HS không nhiễm Covid-19 nhưng lại nhiễm những bệnh có thể khó chữa hơn như nghiện game, trầm cảm…”.
Dẫn chứng về sức ảnh hưởng nặng nề của việc HS không được đến trường mà ở nhà học trực tuyến, PGS-TS Phạm Mạnh Hà (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết tỷ lệ HS, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần tăng vọt, theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do. Ông Hà cho rằng cần có lộ trình đưa HS, sinh viên sớm quay lại trường học và thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Không lo ngại lây lan trong trường
Ông Mai Sơn cho biết hiện Bắc Giang cũng có gần 400 HS là F0 ở rải rác các trường nhưng chỉ có 1 trường mầm non đóng cửa do được trưng dụng làm khu cách ly tập trung; các trường còn lại luôn sẵn sàng các kịch bản khác nhau để thích ứng khi dịch bệnh phát sinh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng cho biết từ ngày TP.HCM cho HS đi học mở rộng thì số ca nhiễm là HS lại giảm chứ không tăng như lo ngại ban đầu. Ông Hiếu cho rằng sự phối hợp của 2 ngành GD-ĐT và y tế là rất quan trọng, trong đó có hướng dẫn xử trí khi có ca nhiễm xảy ra trong trường học. Nhờ có hướng dẫn cụ thể, linh hoạt nên từ khi tổ chức dạy học trực tiếp đến giờ việc xử trí các ca nhiễm trong trường học ở TP.HCM đều đúng quy định, không phải đóng cửa trường do có lây nhiễm chéo trong trường học.
Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cũng cho rằng dù có hơn chục nghìn ca bệnh nhưng Hải Phòng vẫn cho phần lớn HS đến trường học trực tiếp, trừ các trường ở “vùng đỏ”…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong việc chuẩn bị cho HS trở lại trường. ĐÀO NGỌC THẠCH
“Học sinh trở lại trường là một yêu cầu”
Về quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cần “khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong việc chuẩn bị cho HS trở lại trường”. Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng: “Với HS tiêm vắc xin rồi thì cho HS trở lại trường sau tết là một yêu cầu; còn với HS tiểu học, mầm non, dù chưa được tiêm vắc xin cũng phải có kịch bản và kế hoạch chuẩn bị cho các em đến trường”. Ông Sơn đề nghị cần làm công tác tư tưởng để có sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh và nhấn mạnh đây là khâu rất quan trọng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng phương án tốt nhất là nhanh chóng cho HS trở lại trường vì HS ở nhà sẽ phải đối mặt với các nguy cơ khác đáng lo ngại hơn. Do vậy, ông Sơn đề nghị từ nay đến trước khi nghỉ tết, các địa phương và cơ sở giáo dục cần tập trung cho công tác chuẩn bị đón HS đi học ngay sau kỳ nghỉ này. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, điều chỉnh và ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình mới để các cấp triển khai khi mở cửa trường.
Lưu ý việc học trực tuyến kéo dài đã bắt đầu nảy sinh tâm lý ngại dạy học trực tiếp ở cả giáo viên và HS, ông Sơn yêu cầu những ngày đầu mở cửa trường cần có các hoạt động giúp HS hội nhập trở lại cả về thái độ, kỹ năng học tập và tham gia các hoạt động tập thể…
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng phát biểu thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn chủ trương đưa dạy học trực tiếp trở lại. “Khi hầu hết các hoạt động ở các địa phương đã trở lại bình thường thì không có lý do gì HS phải tiếp tục trực tuyến”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Với trẻ ở lứa tuổi từ 5 – 11 cũng cần phải được đến trường chứ không nên chờ tiêm phủ vắc xin. Ông Nguyễn Trường Sơn đề nghị đối với đối tượng này cần tăng cường truyền thông giúp phụ huynh HS an tâm khi cho con trở lại trường, vì lợi ích của việc này lớn hơn nhiều so với cho trẻ ở nhà, trong khi người lớn đã đi làm và giao tiếp cộng đồng.
Các nước coi mở cửa trường học là tất yếu Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD- ĐT), cho hay tỷ lệ phủ vắc xin đạt yêu cầu thì các quốc gia đều coi mở cửa trường học là điều tất yếu. Cụ thể, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 65% quốc gia, vùng lãnh thổ đã mở cửa hoàn toàn trường học và 35% mở cửa một phần. |
Chỉ 9 địa phương cho HS học trực tiếp hoàn toàn Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có 9 địa phương cho HS đi học trực tiếp hoàn toàn. Hiện nay, hơn 6,5 triệu HS từ 12 – 17 tuổi đã được tiêm vắc xin mũi 1, đạt tỷ lệ 90,10%; mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc xin mũi 2 là 82%; mũi 3 là 28,2%. Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, HS, sinh viên nhiễm Covid-19. Đến 18.1 chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị. Tại TP.HCM, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc Covid-19 trong trường học… |
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)