Khoảng 130 người đã mất tích sau khi con thuyền chở người tị nạn Rohingya chìm tại biên giới giữa Myanmar và Bangladesh, cảnh sát Bangladesh cho biết hôm 31-10.
Ảnh minh họa (Ria Novosti)
Trong nhiều thập kỷ qua, hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya phải tìm đường di cư khỏi Myanmar sang nước láng giềng Bangladesh, gây ra tình trạng bất ổn giữa biên giới hai nước.
Mohammad Farhad, một cảnh sát tại Teknaf – đông nam Bangladesh cho biết những người sống sót khẳng định rằng thuyền của họ có tất cả 135 người.
"Con thuyền đang trên đường tới Malaysia," ông Farhad nói, đồng thời cho biết thêm rằng một người sống sót 24 tuổi đã bị bắt.
"Anh ta không biết chuyện gì đã xảy ra với những người khác trên thuyền bởi trời quá tối và anh ta phải vật lộn để tự cứu sống bản thân”, ông Farhad kể lại.
Cũng theo lời viên cảnh sát này, giới chức mới ghi nhận được 6 trường hợp sống sót.
Hiện có những thông tin thiếu đồng nhất về vụ việc khiến chưa thể xác nhận được liệu trên thuyền chỉ có người Rohingya, cũng như thời gian xảy ra tai nạn. Trong khi đó, cảnh sát Bangladesh khẳng định rằng con thuyền đắm vào sáng 28-10.
Ít nhất 89 người đã thiệt mạng và hàng chục ngàn người phải bỏ nhà chạy trốn trong khi một làn sóng bạo lực mới nổ ra gây bất ổn tại bang Rakhine, miền tây Myanmar – nơi bạo lực gia tăng giữa người Hồi giáo Rohingya và những người theo Đạo Phật nổ ra hồi tháng 6 cướp đi sinh mạng hàng chục người.
Từ khi bất ổn nổ ra, Bangladesh trở thành nơi trốn chạy của nhiều người Rohingya. Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính sách này và Bangladesh cũng khẳng định họ cũng thấy rất nặng gánh với hơn 300.000 người Rohingya.
Nhiều người tị nạn Rohingya hiện đang tìm đường sang Malaysia – quốc gia có đa số dân theo Đạo Hồi nhằm mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người Rohingya là nhóm thiểu số theo đạo Hồi không có tư cách công dân, sống ở Rakhine – ước tính từ 800.000 đến 1 triệu người. Myanmar không công nhận họ là công dân, cũng không công nhận nhóm nằm trong 135 dân tộc thiểu số đang sống ở nước này. Người Rohingya khẳng định rằng họ bị quân đội Myanmar ngược đãi trong những thập niên quân đội nắm quyền. Nhiều người Rohingya sống cả cuộc đời ở Myanmar nhưng lại bị những người theo đạo Phật ở Rakhine coi là kẻ xâm nhập.
Theo NLĐ
Bình luận (0)