Muốn có công nghệ thì phải tốn rất nhiều tiền mới có được. Nhưng điều lạ là khi Hàn Quốc "cho không, biếu không" hàng trăm công nghệ thì các doanh nghiệp Việt Nam không lấy được, và "không thèm lấy".
Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn trong đổi mới công nghệ. Trong ảnh: sản xuất nhựa công nghiệp tại một doanh nghiệp ở TP.HCM – Ảnh: T.V.N. |
Có hàng trăm công nghệ của Hàn Quốc được cam kết chuyển giao mỗi năm, nhưng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu xong rồi… không lấy. Chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt nhận chuyển giao theo cam kết giữa Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam từ năm 2015.
Hàng trăm chuyển giao, chỉ chục tiếp nhận
Sau một thời gian được các chuyên gia của Samsung hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất, công nghệ để cung ứng linh kiện cho tập đoàn này, ông Chu Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH in bao bì Ngân Hà (Gò Vấp, TP.HCM) thở phào nhẹ nhõm khi các cải tiến của doanh nghiệp này bắt đầu đi vào sản xuất quy mô lớn.
Để có thể trở thành nhà cung ứng như tập đoàn Samsung, các doanh nghiệp bắt buộc phải đổi mới công nghệ.
Theo Bộ Công thương, năm 2015 phía Hàn Quốc chuyển giao 100 công nghệ cho Việt Nam nhưng chỉ có 28 doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao, chủ yếu thuộc các lĩnh vực dệt may, chế tạo máy, điện tử và ôtô.
Năm 2016, phía Hàn Quốc chuyển giao 182 công nghệ thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo – luyện kim, điện – điện tử, ôtô, dệt may nhưng chỉ 11 doanh nghiệp tham gia chương trình.
Năm nay, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) đã thông báo danh mục 100 công nghệ phía Hàn Quốc cần chuyển giao tới các sở công thương, hiệp hội ngành nghề…
Dù đến cuối tháng 7-2017 cơ quan này mới tổng hợp danh sách nhưng tình hình vẫn không cải thiện là bao…
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, xác nhận số công nghệ Hàn Quốc đã được chuyển giao khá ít, chỉ ở một vài lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày…
Ông Tuấn Anh đánh giá nguyên nhân do doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đủ năng lực về trình độ công nghệ, nguồn vốn…
Muốn đầu tư mà lo tắc đầu ra
Chưa mặn mà với sản xuất công nghiệp vì lợi nhuận thấp, khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, chờ có thị trường mới làm… là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt dù được tặng không công nghệ vẫn… không lấy.
"Sang Trung Quốc, chỉ hở ra một chút là họ có thể học được công nghệ và làm với giá rất rẻ. Nhưng tại Việt Nam lạ là cho không công nghệ cũng không mấy ai lấy dù đó mới là tài sản lớn, mất rất nhiều công sức mới có". Đại diện một tập đoàn công nghệ nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam. |
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CSID, Sở Công thương TP.HCM), cho hay để nhận được công nghệ chuyển giao của Samsung, các doanh nghiệp bắt buộc phải mua máy móc thiết bị đáp ứng được các tiêu chuẩn Samsung đang áp dụng cho hệ thống toàn cầu.
Chính vì thế, qua nhiều năm, tại TP.HCM số doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng được tiêu chuẩn là nhà cung ứng cấp 1 cho tập đoàn này chỉ chừng khoảng 10.
Một lãnh đạo doanh nghiệp phía Bắc cũng khẳng định sẵn sàng đầu tư lớn, nhận chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc để làm hàng công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông liên hệ với các tập đoàn lớn tìm thị trường tiêu thụ lại… chỉ nhận được lắc đầu.
“Quan điểm quá khác xa. Chúng tôi muốn họ cam kết sẽ mua hàng. Nhưng họ chỉ cam kết: đảm bảo đủ tiêu chuẩn sẽ mua. Trong khi đó tiêu chuẩn có thể là phải có giá rẻ hơn nhà cung cấp hiện tại và liên tục phải theo hướng giảm.
"Mới đầu tư mà yêu cầu thế thì không làm được”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói và nhấn mạnh rằng ở nhiều nước, như Trung Quốc chẳng hạn họ hỗ trợ mạnh cho sản xuất để doanh nghiệp có thể sản xuất lớn, giảm giá thành. Tại Việt Nam, vị doanh nhân này cho rằng chính sách hỗ trợ đã không lớn lại còn khó nhận.
Đẩy mạnh khả năng kết nối
Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), cũng cho rằng việc sản xuất được với giá người mua yêu cầu của doanh nghiệp Việt còn hạn chế.
Trong khi đó các cơ quan nhà nước thực hiện chương trình chỉ đơn thuần là chuyển giao, thiếu các chính sách hỗ trợ trong kết nối nhà sản xuất với khách hàng. “Để thực hiện có hiệu quả, Chính phủ cần có kết nối, có đầu mối chuyên hỗ trợ…”, bà Bình nói.
Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cũng đánh giá cách thực hiện chuyển giao công nghệ của Bộ Công thương như… đánh đố doanh nghiệp bởi họ vừa phải đầu tư và lo đầu ra.
“Thực tế nhiều công nghệ chuyển giao không có đầu ra, nên doanh nghiệp cơ khí không mặn mà và không thể tham gia”, ông Long cho hay.
Mặc dù có ít doanh nghiệp tham gia, nhưng Bộ Công thương cho biết chương trình chuyển giao công nghệ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện để cập nhật những thông tin công nghệ mới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm được đối tác tại thị trường Việt Nam…
Ông Lê Hoài Quốc (Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM): Thế kẹt nhiều năm Sau một thời gian dài tiếp xúc với các doanh nghiệp trong nước lẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tôi nhận thấy rằng điểm mấu chốt khiến việc chuyển giao công nghệ bị kẹt ở chỗ là nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực. Vì muốn nhận được chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải có nguồn tài chính đủ mạnh để đầu tư máy móc thiết bị, hầu hết đều không rẻ. Cũng không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng đủ nguồn nhân lực để có thể tiếp nhận ngay các chuyển giao kỹ thuật. Trở ngại ở những điểm nói trên đã qua rất nhiều năm, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vượt qua được để thay đổi mình. T.V.N. ghi |
Công nghệ được chuyển giao chưa phù hợp Có nhiều lý do khiến công nghệ cho không mà nhiều DN Việt vẫn không mặn mà: thiếu sự hỗ trợ kết nối, DN VN không đáp ứng được yêu cầu do quy mô hạn chế, đặc biệt, theo một số DN, nhiều công nghệ Bộ Công thương phối hợp với phía Hàn Quốc chuyển giao… không phù hợp. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Tuấn Anh cũng công nhận một trong những nguyên nhân khiến đa số DN Việt chưa mặn mà là vì những công nghệ phía Hàn Quốc đề nghị chuyển giao chưa thật phù hợp với nhu cầu của các DN VN cũng như điều kiện thực tiễn tại VN. |
TRẦN VŨ NGHI – NGỌC AN/TTO
Bình luận (0)