Đó là chủ đề của buổi hội thảo do BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hướng dẫn, thu hút đông đảo giáo viên và phụ huynh của Trường Mầm non Việt Mỹ tham gia. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn TP.HCM tổ chức hội thảo tại cơ sở nhằm tạo sự kết nối để giúp trẻ hòa nhập trong cuộc sống và trong học tập.
Một phụ huynh đang đặt câu hỏi cho BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang |
Đừng bỏ qua “thời gian vàng”
BS Trang cho biết, chị đã từng gặp trường hợp một cậu bé 16 tuổi mắc chứng tự kỷ, quen cách bày tỏ tình cảm với mẹ bằng cách liếm lên mặt và lên người mẹ. Hiện trạng này là lời khuyến cáo rằng việc phát hiện sớm và can thiệp sớm là điều rất mực quan trọng. Ở nước ta, các trường hợp trẻ em mắc chứng tự kỷ không phải là hiếm, nhưng việc điều trị vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhiều yếu tố, có nguyên nhân do một số phụ huynh không chấp nhận tình trạng của con mình, hoặc chưa được cập nhật thông tin về phương pháp can thiệp, chăm sóc và định hướng phát triển cho trẻ. Vì vậy, nhiều trẻ mang chứng tự kỷ không được phát hiện và điều trị kịp thời, sống cô lập trong cộng đồng khiến các em bị giảm cơ hội phát triển và hòa nhập.
Cụ thể, ảnh hưởng của rối loạn tự kỷ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập khiến trẻ kém tập trung, diễn đạt kém, hạn chế cơ hội học hỏi, nhớ đếm số và chữ nhưng không hiểu giá trị, không hiểu ẩn dụ của lời nói. Bên cạnh đó, trẻ còn gặp khó khăn trong vấn đề kết bạn, do không hiểu nghi thức xã hội, không tự khởi xướng tương tác với người khác, dễ bị bắt nạt và lạm dụng. Ngoài ra, trẻ cũng bị ảnh hưởng về hành vi, hay lăng xăng, khó chấp nhận sự thay đổi, dễ xung đột, gây hấn, gây nguy hiểm…
Do đó, theo lời khuyên của BS Trang, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là “thời gian vàng” để thực hiện can thiệp sớm. Tuy nhiên, muốn nắm bắt được khoảng thời gian này, phụ huynh cần lưu tâm quan sát trẻ thông qua một số dấu hiệu báo động đỏ của rối loạn tự kỷ. Cụ thể như, trẻ không cười lớn và vui đùa, không bập bẹ và chơi ú òa lúc 9 tháng tuổi; không chỉ trỏ ngón tay, bái bai lúc 12 tháng tuổi; không nói từ đơn từ lúc 16 tháng, không nói từ đôi lúc 24 tháng, mất bất kỳ ngôn ngữ hay kỹ năng xã hội nào vào tất cả thời điểm.
Bộ 3 chăm sóc trẻ tự kỷ:
Gia đình – Y tế – Nhà trường
Theo BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, trong định hướng can thiệp trẻ tự kỷ, trẻ cần được hỗ trợ bằng chương trình giáo dục đặc biệt cá nhân trong can thiệp sớm và can thiệp hòa nhập sau đó. Trẻ cần được theo dõi ít nhất đến 6 tuổi, mỗi 3-6 tháng để có chẩn đoán xác định và đánh giá tiến độ. Sau can thiệp sớm, trẻ cần được bổ sung các kỹ năng như chơi theo lứa tuổi và chơi chung, can thiệp hành vi (bùng nổ), can thiệp điều hòa cảm giác (hành vi kỳ lạ), cải thiện giao tiếp qua câu chuyện xã hội, giúp trẻ kết bạn, giáo dục giới tính, giúp trẻ thích nghi với thay đổi. |
Theo BS Trang, bộ 3 này được ví như 3 đỉnh của tam giác cân không thể tách rời. Tuy nhiên, phụ huynh có vai trò quyết định trong việc cho con cơ hội thay đổi. Nếu không, tình trạng này càng kéo dài thì con trẻ càng chịu thiệt thòi. Đó cũng là trăn trở của cô giáo Nguyễn Thị Hương (giáo viên Trường Mầm non Việt Mỹ), vì trong thực tế chị đã gặp phụ huynh “không chấp nhận tình trạng của con mình”. Trong trường hợp này, BS Trang khuyên nhà trường nên liên kết với chuyên viên y tế để tổ chức hội thảo tại trường và mời phụ huynh cùng tham dự. Mặt khác, giáo viên đứng lớp cũng cần kết thân với phụ huynh, nhằm tạo cơ hội tiếp xúc để việc trao đổi về tình trạng của học sinh được thuận tiện.
Theo đó, nhằm góp phần giúp trẻ, giáo viên và nhà trường cần lắng nghe, khích lệ, hướng dẫn và chấp nhận sự khác biệt của trẻ. Đồng thời lưu tâm đến việc tầm soát sớm, can thiệp sớm, can thiệp hòa nhập và trở nên cầu nối giữa nhân viên y tế với phụ huynh. Qua đó giúp phụ huynh hiểu tình trạng của con, cùng phối hợp trong việc thực hiện các giải pháp can thiệp và chăm sóc trẻ ở trường cũng như ở nhà.
Cô Nghiêm Hà Ngọc Trâm, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường của hệ thống Trường Việt Mỹ khẳng định, buổi hội thảo sẽ góp phần giúp cho phụ huynh có một cách nhìn tích cực về tình trạng của con. Qua đó, giúp họ mạnh dạn hợp tác với nhà trường và y tế trong việc chăm sóc, giáo dục con trẻ.
Cô Trâm cũng nhấn mạnh rằng, nhà trường tổ chức hội thảo này không phải là do đơn vị có nhiều trẻ em tự kỷ theo học, mà vấn đề quan trọng là cung cấp cho giáo viên, bảo mẫu những kiến thức cơ bản, để biết cách chăm sóc các em đặc biệt hơn. Đây cũng là cơ hội để xây dựng mối liên kết giữa gia đình, nhà trường với chuyên gia y tế nhằm có sự phối hợp giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)