Không chỉ tổ chức tiết học trải nghiệm tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nhiều trường học trên địa bàn thành phố còn áp dụng các mô hình học tập trải nghiệm khác khiến học sinh rất thích thú, hào hứng.
Các em học sinh THCS ở Q.8 đang thực hành làm mẫu vật lá cây tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (ảnh Phòng GD-ĐT Q.8 cung cấp) |
Đa dạng hình thức học
Năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT TP.HCM đã áp dụng mô hình tiết học ngoài nhà trường đối với môn sinh học cho các khối lớp ở bậc THCS tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Để xây dựng được chương trình này, Hội đồng biên soạn gồm nhiều giáo viên bộ môn sinh học trên địa bàn thành phố đã cùng nghiên cứu chương trình phổ thông hiện hành, xem xét các nội dung tương thích với Thảo Cầm Viên Sài Gòn để biên soạn thành nội dung bài học. Không chỉ vậy, nhằm hoàn chỉnh nội dung bài học theo yêu cầu của từng khối lớp, lãnh đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng bổ sung, thiết kế thêm các phòng trưng bày tiêu bản, xây dựng các phòng học phù hợp với nội dung để giúp học sinh nghiên cứu, in ấn các sản phẩm học. Đồng thời, đơn vị này còn đưa chuyên gia hướng dẫn và thuyết minh cho học sinh. Sau buổi học, các em làm bản khảo sát đánh giá, làm bài thu hoạch về nội dung bài học…
Tuy nhiên, đây không phải là chương trình duy nhất thực hiện mô hình tiết học ngoài nhà trường. Xuất phát từ nhu cầu đổi mới hình thức dạy học, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã áp dụng các mô hình tiết học trải nghiệm rất thú vị, khiến học sinh thích thú, hào hứng. Bà Trần Thúy An (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) cho biết trường thực hiện tiết học trải nghiệm ngay trong khuôn viên nhà trường, tận dụng mọi khoảng không gian sẵn có để tạo nên môi trường học tập cho học sinh. Với môn sinh học, trường tận dụng các bức tường, góc sân trường để trồng các loại cây, cho học sinh làm các giá thể trồng nấm… Với môn lịch sử, trường cho học sinh học trên các tấm áp phích, pano. Môn địa lý cũng khiến nhiều học sinh và phụ huynh thích thú khi có hẳn một “bảo tàng” thu nhỏ với những mẫu vật là các mẫu khoáng sản cơ bản của Việt Nam. “Năm nay, trường cũng tổ chức cho học sinh khối 8 làm lồng đèn trung thu ở bộ môn văn ngay tại sân trường. Các em được phân nhóm, tự tay làm lồng đèn, chuẩn bị powerpoint thuyết trình. Cùng với công việc được phân công, các em sẽ được giáo viên đánh giá và cho điểm tùy theo mức độ hoàn thành của mỗi cá nhân”, bà An nói.
Tương tự, Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Q.7) cũng tổ chức cho học sinh đi học tại vườn rau sạch ở huyện Củ Chi. “Tại đó, học sinh được tìm hiểu quá trình trồng các loại rau, được giới thiệu cách làm đất, quy trình để cho ra sản phẩm rau sạch. Không chỉ được học trải nghiệm trực tiếp, các em còn được nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm”, bà Phạm Ngọc Nhi (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết. Trong khi đó, Trường THCS Bình Đông (Q.8) đã tận dụng sân trường để cho học sinh khối 6 học trải nghiệm môn vật lý. Ông Nguyễn Văn Tiếng (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ: “Tiết học trải nghiệm có nội dung là đo các đại lượng vật lý. Học sinh được sử dụng thước, bình chia độ, cân… để thực hiện các yêu cầu của giáo viên như đo diện tích sân trường, đo thể tích của vật, đo khối lượng… Sau khi thực hiện xong, các em sẽ gửi kết quả cho giáo viên đánh giá và cho điểm”.
“Không chỉ được học trải nghiệm trực tiếp, các em còn được nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm”, bà Phạm Ngọc Nhi (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Tuấn, Q.7) cho biết. |
Bà Đồng Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THCS Bình An, Q.8) cũng cho biết trường tổ chức khá nhiều tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường như đưa học sinh đến học tập tại bến Bình Đông (Q.8), ngã ba Giồng (H.Hóc Môn), đền Bến Dược (H.Củ Chi) đối với môn lịch sử; đưa học sinh khối 9 về Bến Tre thăm mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu khi tham gia dự án học liên môn ngữ văn – lịch sử về cuộc đời, thân thế của cụ đồ Chiểu.
An toàn cho học sinh được đặt lên hàng đầu
Ngoài việc thực hiện phong phú nhiều tiết học ngoài nhà trường ở các bộ môn, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường phải lên kế hoạch, tính toán nhiều phương án nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, nhất là với các phương tiện vận chuyển. Trong quá trình thực hiện phải cử người giám sát, không để xảy ra những tình huống đáng tiếc trong suốt buổi học.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Tùng (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai, Q.8) khẳng định: “Dù kinh phí là vấn đề luôn được trường cân nhắc, tính toán khi thực hiện để tiết kiệm tối đa cho học sinh và phụ huynh, nhưng trường kiên quyết không chọn xe buýt dù được đánh giá là có giá thành rẻ hơn nhiều so với xe vận tải. Để giải quyết vấn đề này, trường đã liên kết với Ban đại diện cha mẹ học sinh, thuê xe từ chính phụ huynh trong trường để được giảm tối đa chi phí. Mỗi lần đi trường đều cử một nhóm giáo viên giám sát hoạt động của học sinh, kiểm tra số lượng học sinh mỗi lần lên xuống, đảm bảo học sinh đi đúng, về đủ và an toàn trong suốt quá trình tham gia”. Ông Tùng cho biết thêm, trong các buổi học trải nghiệm, thỉnh thoảng một số phụ huynh cũng đến tham gia cùng học sinh. Ngoài việc được cùng con trải nghiệm, chính họ cũng giúp nhà trường trong việc giám sát và quản lý con em mình.
Linh Vy
Bình luận (0)