Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Những bất ổn từ tài xế xe đường dài

Tạp Chí Giáo Dục

Áp lực thời gian giao hàng, ham thu nhập… khiến nhiều tài xế xe tải, container lái xe nhiều giờ liền mà không nghỉ ngơi. Kết quả khiến nhiều tài mệt mỏi, lái xe trong trạng thái ngủ gật và khó tránh khỏi việc gây tai nạn giao thông.

Xe container chạy rất ẩu tại nút giao Mỹ Thủy – quận 2, TP.HCM

Vừa ngủ vừa lái xe

Nguyên nhân xảy ra tai nạn ở các loại xe tải, container chạy đường dài là do phần lớn người lái xe trong trạng thái buồn ngủ, mệt mỏi, sử dụng chất kích thích, bia rượu, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lấn tuyến…

Anh Nguyễn Tiến Trung (45 tuổi, lái xe của Công ty CMIT, thuộc khu vực cảng Cái Mép) chia sẻ, ở các đơn vị khác, nhiều người lái suốt nhiều giờ đồng hồ, cao điểm lên đến 10, 12 tiếng mà không nghỉ ngơi, trong khi quy định lái xe tải trọng lớn chỉ chạy từ 3-4 tiếng phải nghỉ 30 đến 90 phút để lấy lại sức khỏe. Kết quả, các tài xế mệt mỏi, buồn ngủ buộc phải dùng đến chất kích thích để tỉnh táo như cà phê, nước tăng lực, thậm chí đập đá.

Nguyên nhân khiến các tài xế phớt lờ quy định được anh Trung thông tin, là do chịu áp lực vận chuyển hàng đúng giờ, đúng ngày từ chủ xe. Nhiều tuyến đường dài thường có những đoạn địa hình xấu, vào đến cửa ngõ trung tâm thì vướng kẹt xe… buộc tài xế tìm mọi cách đi nhanh để kịp giờ giao hàng. Ngoài ra, cũng có một số tài chạy nhanh, ẩu, chạy tắt cũng vì cố ý tránh sự kiểm tra của lực lượng CSGT.

Theo anh Trung, lái xe tải trọng lớn luôn cuốn người tài xế vào luồng công việc áp lực, mệt mỏi. Nhiều khi muốn nghỉ cũng không thể nghỉ, muốn về thăm gia đình cũng khó. Đơn cử chạy đoạn đường dài 300km, nếu đi chậm tăng thì thời gian lái sẽ tăng lên, phải nằm lại 1 đến 2 ngày khiến việc giao hàng không chỉ chậm trễ mà còn ảnh hưởng sang chuyến sau. Điều này buộc các tài phải chạy liên tục, chạy nhanh…

Liên quan vấn đề này, anh Đặng Văn Mạnh (32 tuổi, lái xe của Công ty CMIT) cho biết: “Trước kia lái xe cho một đơn vị tư nhân, tôi từng lái xe trong trạng thái ngủ mặc dù hai mắt vẫn mở. May mắn bị sập ổ gà tôi mới giật mình tỉnh lại”.

Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra, 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 10.227 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 8.939 người và chết 4.362 người (số người chết vì tai nạn giao thông trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng khiến nhiều người chết và bị thương. 

“Thông thường, một lái xe sẽ được 10% hoa hồng tiền vận chuyển một lượt hàng, hoặc chủ xe sẽ khoán xe cho tài xế, thu nhập hàng tháng phụ thuộc vào sản lượng hàng vận chuyển. Chính vì quá ham thu nhập nên các tài xế cứ cố rồi bất chấp nguy hiểm, vi phạm quy định. Và khi mệt mỏi, tài chính sẽ giao tài phụ lái cũng tiềm ẩn tai nạn. Riêng về phương tiện, việc vận hành quá nhiều giờ khiến nhiều động cơ máy móc, phanh nhanh xuống cấp, hư hỏng mà không kiểm tra kịp thời thì càng nguy hiểm hơn”, anh Mạnh cho biết thêm.

Nhiều bất cập tồn đọng

Hiện nay, có không ít các đơn vị tư nhân, hoặc các công ty nhỏ đứng ra kinh doanh lĩnh vực vận tải, tuy nhiên các chế độ bảo hiểm, tập huấn, nâng cao trình độ tay nghề cho tài xế rất hạn chế. Anh Trung chia sẻ, bản thân anh trước kia có 10 năm lái xe tải cho đơn vị tư nhân nhưng không có bảo hiểm. Nhận quyết định lái xe là dựa trên thỏa thuận, không hợp đồng. Chính vì công việc vất vả, áp lực, nhiều tài xế giàu kinh nghiệm, trong đó có anh Trung đã nghỉ việc, buộc các đơn vị tư nhân, công ty phải đưa phụ xe, thậm chí lơ xe lên lái chính bởi không tuyển được người khác. Vì dĩ nhiên, tình trạng này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro lớn.

Liên quan đến Luật An toàn giao thông đường bộ, biển cảnh báo, anh Mạnh phản ánh, hiện tại nhiều luật chồng chéo, nhiều biển báo rối rắm gây khó khăn cho người lái. Có những giao lộ phải có những biển báo tốc độ phù hợp cho từng đoạn đường nhưng suốt tuyến chỉ có 1 biển báo quy định 1 tốc độ nhất định. Căn cứ vào đây, nhiều tài xế đi sai tốc độ mà không biết. Chưa kể, tình trạng buôn bán lấn chiếm lề đường diễn ra phức tạp mà thiếu sự quản lý, dẹp bỏ.

Nói về những bất cập trên, ông Vũ Quý Phi, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT quốc  gia, lực lượng chức năng luôn tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm người lái xe theo các luật đã ban hành, trong đó có hành vi vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, chất kích thích, thời gian lái xe… và không phân biệt các loại xe. Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn vì thế để nâng cao hiệu quả công tác lái xe an toàn, lực lượng chức năng kết hợp thêm nhiều hình thức giáo dục, truyền thông để các lái xe hiểu luật, tuân thủ quy định. Về phía chủ các phương tiện, cần phải đảm bảo các phương tiện an toàn, thường xuyên quan tâm, giáo dục người lái xe tuân thủ các quy định để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra”.

Riêng về thực trạng các công ty tuyển dụng tài xế qua loa, không đúng quy định hoặc chủ xe gây áp lực cho tài xế, ông Phi cho rằng đó chỉ là dư luận. Vì các công ty phải luôn đề cao tính an toàn cũng như lợi nhuận kinh doanh.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)