Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mùa của “bà hỏa”

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày gần đây trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra không ít vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng con người. Gần đây nhất là ngày 16-12, đã xảy ra 2 vụ cháy lớn tại căn nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ, Q.3 khiến 6 người trong cùng gia đình tử vong và cây xăng TT75 trên đường Quang Trung, Gò Vấp. Và càng vào dịp cuối năm thì nguy cơ cháy nổ càng cao…

Nhà dân bị “kẹp” giữa những ki-ốt tạm trên đường Tháp Mười (Q.6, TP.HCM), lối thoát hiểm duy nhất là vỉa hè nhưng lại bị chiếm dụng. Ảnh: Tr.Tri

Tiểu thương lo ngại “bà hỏa” quậy

Thời điểm này, người dân lại thấp thỏm lo “bà hỏa” viếng thăm. Đáng ngại là tại các chợ truyền thống, lượng hàng về dự trữ lớn nhưng ý thức PCCC của tiểu thương lại rất hạn chế.

Ghi nhận của phóng viên tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), mặc dù mới hơn 7 giờ sáng nhưng những xe hàng đến và đi lần lượt nối đuôi nhau trên đường Tháp Mười. Đó là những mặt hàng dễ bén lửa như nhang, vàng mã, giấy trang trí, nệm gối…

Cách đó không xa, hàng trăm căn nhà phố cho thuê mở cửa hàng trên đường Trang Tử, Lê Quang Sung, Hải Thượng Lãn Ông cũng đang nhập và phân phối hàng với số lượng lớn. Đề cập đến an toàn cháy nổ, ông Sú Há, hộ kinh doanh đồ nhựa gia dụng trên đường Lê Quang Sung (Q.6) thừa nhận, nhiều cửa hàng không thuê kho chứa vì chi phí cao, trong khi tình hình mua bán có phần chựng lại. “Trước đây tôi có thuê một căn nhà để trữ hàng, còn nơi bán chủ yếu là hàng trưng bày nên rất thông thoáng nhưng nay thì chịu”, ông Há nói.

Cũng theo ông Há, những ngày này hàng về chợ nhiều vừa để bán trong dịp Tết vừa phải dự trữ để qua Tết bán nên cả lối đi cầu thang cũng được cơi nới chất hàng. Mỗi lần lên xuống hàng phải chuyển bằng dây…

Từ khi dãy ki-ốt tạm được dựng lên trên đường Tháp Mười để sửa chữa chợ Bình Tây, những hộ dân có nhà trên đường này tỏ ra vô cùng lo lắng. “Vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi để xe, chất hàng có nơi chỉ còn 0,5m. Trong khi đó, những lối tránh thoát ra đường chính cũng bị xe hàng choán chỗ từ sáng đến khuya. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì không biết lối đâu mà thoát”, một người dân ở đây lo lắng nói.

Nhà tạm bợ – miếng mồi ngon của “bà hỏa”

Ngay trung tâm Q.1, nhiều khu dân cư nằm lọt thỏm phía sau những biển hiệu to đùng, đường dây điện câu nối tạm bợ chằng chịt trên đầu. Đã vậy, nhiều nhà vô tư cơi nới bằng những vật liệu dễ cháy như gỗ tạp, bao nilon, giấy các tông…

Tại hẻm 68 (KP.6, P.Tân Định, Q.1) có hàng chục căn nhà cho thuê. Người thuê là người bán đậu hũ, chè nấu nướng bằng bếp than, bếp dầu rất dễ xảy ra cháy. Những hộ dân lân cận cũng đã kiến nghị địa phương có biện pháp chấn chỉnh đảm bảo an toàn cháy nổ trong khu dân cư nhưng tình trạng này vẫn tồn tại khiến người dân lo đến mất ăn mất ngủ.

Bên trong những con hẻm nhỏ thuộc đường Rạch Bùng Binh (Q.3), cảnh tượng nhà cửa cơi nới, vách ngăn là giấy, bao bén lửa chực chờ cướp đi sinh mạng của bao người. Được biết, đây là xóm nhà thuê của cư dân lao động nghèo đến từ các tỉnh miền Trung. “Lần nghe mùi than cháy là sợ, nhiều người còn mang cả bếp than ra hẻm quạt, ai mà không lo”, ông Nguyễn Hữu, hành nghề xe ôm ở đây nói.

Bà Ngô Thị Hòa, một cán bộ hưu trí ngụ tại địa phương bức xúc: “Một số hộ gia đình kinh tế khó khăn đã cố tình che chắn, cơi nới làm gác tạm để cho thuê kiếm chút thu nhập. Chúng tôi phản ánh rất nhiều lần ở buổi họp tổ dân phố, chủ nhà hứa khắc phục, người thuê cam kết không để xảy ra cháy nhưng liệu có tránh được”.

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, cho biết: Qua thực tế kiểm tra tại một số địa phương, ý thức bảo vệ tài sản và tính mạng trong người dân vẫn còn hạn chế. Địa phương dù có làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra xử phạt, nhưng quan trọng hơn vẫn phải là ý thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Trọng Tri

 

Bình luận (0)