Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, bất luận thế nào, chắc chắn 2017 sẽ chưa có TPP, và nếu giả dụ có trong tương lai, nó cũng sẽ khác TPP đã ký.
Việc ông Donald Trump – người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ lập tức từ bỏ TPP khi nhậm chức khiến viễn cảnh có một Hiệp định Thương mại tự do mẫu mực kiểu mới mà Việt Nam là một phần quan trọng không trở thành sự thực.
Trao đổi với báo Công an nhân dân trước viễn cảnh không có TPP có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan – lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng, để đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) nhìn nhận:
"Phải nói TPP là một mắt xích quan trọng của quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Với việc ông Trump đã chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, quá trình tự do hóa toàn cầu ấy chịu một sức ép không nhỏ.
Tình hình sẽ diễn biến ra sao thì chúng ta phải chờ đợi. Mỹ sẽ rút khỏi TPP theo tuyên bố của ông Trump, nhưng quy trình diễn ra như thế nào vẫn còn rất nhiều dấu hỏi, như những quy định của nội luật Mỹ, hay những phản ứng của các thế lực khác nhau trong lòng nước Mỹ cũng chưa thể nói trước".
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: CAND |
Ông Khoan cho rằng, bất luận thế nào, chắc chắn 2017 sẽ chưa có TPP, và nếu giả dụ có trong tương lai, nó cũng sẽ khác TPP đã ký. Việt Nam trước tình hình bất định như vậy, cần theo dõi rất kỹ lưỡng chiều hướng và chủ động có những bước đi để đối mặt.
"Theo tôi, nên đặt vấn đề thế này: TPP là một mắt xích quan trọng trong quá trình nước ta hội nhập với thế giới. Bây giờ nó không có nữa, hay nó thay đổi đi, thì ta phải tính toán, thích nghi với tình hình đó", ông nhận định.
Phân tích rõ hơn, ông Khoan dẫn chứng, từ khi ta tham gia WTO, ta đã dùng các thỏa thuận về tự do hóa mậu dịch để mở rộng thị trường, có thêm đầu tư, đồng thời cũng dùng nó để thúc đẩy quá trình đổi mới ở trong nước, cả về thể chế lẫn cơ cấu kinh tế. Quá trình đó sẽ tiếp tục với việc ta hội nhập quốc tế và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác nhau, nhưng nó sẽ phải điều chỉnh trong trường hợp không có TPP. Cách tiếp cận như vậy, ông cho rằng sẽ thỏa đáng hơn.
Trước nhiều ý kiến lo ngại, nếu như không có TPP việc cải cách nền kinh tế của ta sẽ chậm hơn, ông Khoan thẳng thắn bày tỏ: "Tôi nghĩ chậm hay nhanh là do ta. Tất nhiên FTA là những đòn bẩy bổ sung. Nếu có, nó sẽ tạo nên một sức ép vô hình để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Có điều, bản thân tình hình nội tại của chúng ta đang đòi hỏi đổi mới thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thì ta hãy chủ động, tích cực làm những việc mà chúng ta đã định làm, dù có các FTA hay không.
Hơn nữa, không có TPP vẫn còn có các FTA khác, trong đó đáng chú ý nhất là FTA với liên minh châu Âu (EVFTA). Nhưng, tôi nhấn mạnh lại, là bất luận thế nào, thì 2 việc lớn đó vẫn là đòi hỏi rất bức bách của nội tại nền kinh tế chứ không phải chỉ từ bên ngoài, không phải tất cả các DN đều tham gia FTA. Tuyệt đại đa số các DN làm ăn đều nhìn vào thị trường nội địa, nên người ta đòi hỏi phải có đổi mới thể chế để làm ăn được dễ dàng.
Tôi có cảm nhận trong thời điểm hiện nay, nội tại ta đã tích cực, chủ động hơn trong đổi mới thể chế, cũng làm khá nhiều việc, đưa ra rất nhiều ý tưởng.
Nhưng tôi cũng nhấn mạnh, ta có “truyền thống” là ý tưởng không ít; chủ trương, nghị quyết cũng rất nhiều, nhưng thực hiện còn là một vấn đề. Thế thì chuyện ấy là do mình hết chứ có ai áp đặt đâu. Cuối cùng ta vẫn là ta thôi. Nếu không đổi mới các DNNN, không xóa bỏ những rắc rối trong thủ tục, nếu còn có cơ chế xin – cho, thì chẳng có FTA nào cứu được đâu".
Có một số ý kiến lo ngại, ông Trump – với quan điểm chống tự do hóa thương mại sẽ nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc, có khả năng hàng hóa đó sẽ dồn vào “vùng trũng” như Việt Nam – nơi không có các rào cản kỹ thuật đáng kể.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích, một hiện tượng rất đáng chú ý là phía Trung Quốc gần đây nhấn mạnh rất nhiều đến 2 thể chế là RCEP và Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương, chứng tỏ phía Trung Quốc đã có dấu hiệu tận dụng tình hình mới để mở rộng thị trường của mình.
Bản thân Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán cả 2 "thể chế" này, dù Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương mới chỉ là ý tưởng. Đấy cũng là những hình thức hợp tác quốc tế mà chúng ta cũng sẽ phải tính toán đến.
Việt Nam với tư cách thành viên ASEAN ta cũng tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc từ 2011, chứ không phải mới mẻ. Còn hàng Trung Quốc có vào Việt Nam hay không, thì ai cũng mong muốn bán hàng, mua hay không là ở người mua.
"Tóm lại, ý tưởng của tôi vẫn là việc của ta do ta quyết định. Mặc cho bên ngoài biến động thế nào, cuối cùng cũng là ta thôi. Nói như vậy không có nghĩa là mặc kệ bên ngoài, mà phải rất chăm chú biến động để thích nghi với nó. Bão chẳng hạn, làm sao mà cưỡng lại hiện tượng thiên nhiên đó? Nhưng chuẩn bị chống bão thì phải rất kỹ càng, chuẩn bị càng tốt thì thiệt hại càng hạn chế", ông khẳng định.
Lược theo Công an nhân nhân/ PNO
Bình luận (0)