Hàng ngàn công nhân biểu tình. Hơn 200 nhà máy đóng cửa. 120 người chết trong vụ cháy xí nghiệp may Tazreen Fashion đêm 24-11.
Ngày 26-11, sau cuộc họp với Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng may mặc và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng dệt kim, Bộ trưởng Lao động Bangladesh Rajiuddin Ahmed Raju thông báo sẽ đóng cửa các xí nghiệp may không có lối thoát hiểm hoặc chỉ có một lối thoát hiểm. Ông cho biết sẽ cử thanh tra đi kiểm tra.
Theo trang tin điện tử bdnews24.com (Bangladesh), Bộ trưởng Rajiuddin Ahmed Raju thừa nhận vụ cháy xí nghiệp may Tazreen Fashion có số người chết cao vì xí nghiệp không có lối thoát hiểm đúng quy cách.
Cùng ngày, cuộc họp nội các do Thủ tướng Sheikh Hasina chủ trì đã quyết định ngày 27-11 sẽ tổ chức quốc tang cho các nạn nhân vụ cháy xí nghiệp may và vụ sập cầu vượt ở Chittagong. Trong ngày quốc tang, toàn bộ các xí nghiệp may trên toàn quốc đóng cửa.
Nội các cũng quyết định sẽ hỗ trợ tài chính cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng và trang trải chi phí điều trị cho các nạn nhân bị thương. Thủ tướng sẽ quyết định mức hỗ trợ.
Ngày 26-11, 59 thi thể bị cháy đen trong vụ cháy xí nghiệp may Tazreen Fashion vẫn chưa được nhận dạng. Ảnh: AP
Bộ trưởng Nội các Hossain Bhuiyan cho biết hiện có năm tổ điều tra riêng rẽ được thành lập để điều tra vụ cháy.
Công ty Li & Fung Limited (Hong Kong) là đơn vị thuê công nhân xí nghiệp Tazreen Fashion may gia công quần áo xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu hứa sẽ bồi thường cho gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng 1.200 USD.
Trong ngày 26-11, hàng ngàn công nhân biểu tình ở ngoại ô Dhaka đòi công bằng cho các nạn nhân vụ cháy và yêu cầu cải thiện điều kiện lao động.
Theo hãng tin AP, các công nhân đã phong tỏa đường sá, ném đá vào các nhà máy và đập phá xe cộ. Khoảng 200 nhà máy trong Khu công nghiệp Ashulia phải đóng cửa trong ngày.
Nhận định về vụ cháy, báo New York Times (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia ghi nhận đa số các nhà máy tại Bangladesh nằm trong các khu phố chật chội, có rất ít lối thoát hiểm và quá xem thường an toàn lao động.
Các chuyên gia ghi nhận các thương hiệu quần áo nổi tiếng toàn cầu như Tommy Filfiger và GAP cũng cần có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc cho các nhà máy gia công tại Bangladesh.
Báo SFgate (Mỹ) cho biết xưởng may Tazreen Fashion từng bị xếp vào loại màu cam (loại có nguy cơ vi phạm cao) theo kết quả kiểm toán của Công ty bán lẻ Wal-Mart (Mỹ) hồi tháng 5-2011.
Wal-Mart là khách hàng của xưởng may Tazreen Fashion, đã áp dụng bốn bậc đánh giá gồm xanh, vàng, cam và đỏ. Nếu một nhà máy bị xếp vào loại màu cam ba lần trong hai năm, Wal-Mart sẽ ngừng đặt hàng trong một năm. Năm ngoái, Wal-Mart đã ngừng hợp tác với 49 nhà máy tại Bangladesh do các yếu tố liên quan đến an toàn cháy nổ.
Trong khi đó ngày 26-11, Công ty Tuba Group, công ty mẹ của xí nghiệp may Tazreen Fashion, khẳng định Tazreen Fashion đã có nhiều cải tiến sau khi bị Wal-Mart xếp vào loại màu cam và đã được nâng lên loại màu vàng.
Trong khi đó ngày 26-11, Công ty Tuba Group, công ty mẹ của xí nghiệp may Tazreen Fashion, khẳng định Tazreen Fashion đã có nhiều cải tiến sau khi bị Wal-Mart xếp vào loại màu cam và đã được nâng lên loại màu vàng.
Sáng 26-11 lại xảy ra một vụ cháy mới tại xưởng may Euro-Bangla Garment trong tòa nhà cao 12 tầng ở Dhaka (Bangladesh). 13 xe cứu hỏa đã được huy động và sau hơn 3 tiếng mới dập tắt đám cháy. Lửa xuất phát từ tầng một và tầng hai. Nguyên nhân vụ cháy chưa rõ. Theo hãng tin BBC, chưa rõ có bao nhiêu công nhân trong xưởng. Theo thông tin ban đầu có tám người bị thương vì ngạt khói.
|
LÊ LINH – DUY KHANG – ĐĂNG KHOA
Pháp Luật TP
Bình luận (0)