Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngày càng mất cân đối cung-cầu nhân lực lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm trước, TPHCM đã đi đầu trong đổi mới, lựa chọn thu hút đầu tư. TPHCM đã chuyển từ thu hút đầu tư đại trà sang lựa chọn, thu hút đầu tư vào 4 ngành kinh tế trọng điểm có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng lớn. Thế nhưng, vấn đề nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành ưu tiên đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc xem nguồn nhân lực lao động giá rẻ là lợi thế đã trở nên lạc hậu, vì hiện nay nhà đầu tư đang thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao… 

Thiếu hụt lao động chất lượng cao

Công nhân chất lượng cao làm việc tại một công ty của Nhật Bản trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Chuyện lạ là gần đây nhiều ban quản lý khu công nghiệp phải đến các trường đại học, cao đẳng ký kết hợp tác các chương trình hợp tác đào tạo, nâng chất lượng đội ngũ lao động cho doanh nghiệp. Nhiều hợp đồng liên kết được ký kết nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp… Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước cho biết: Sự liên kết của KCN với các trường đại học, cao đẳng nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Có nguồn nhân lực cao để cung ứng cho doanh nghiệp cũng là một ưu thế trong thu hút nhà đầu tư. Hiện nay, các KCN mong muốn thu hút nhà đầu tư đầu tư vào những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao, thì buộc phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu. Do vậy, Hiệp Phước cũng như những KCN khác đang triển khai liên kết với các trường trong cung cấp, tuyển dụng lao động cũng như đặt ra những yêu cầu đào tạo đúng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Theo các chuyên gia, việc xem nguồn nhân lực giá rẻ như là một lợi thế trong thu hút đầu tư đã trở nên lỗi thời. Cứ theo lối mòn đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế, nếu ít chú trọng đến nguồn nhân lực cao. Ngày nay, các chuyên gia đã nhận định lại rằng, nhân công giá rẻ không phải là một lợi thế. Thứ nhất, chất lượng lao động quan trọng hơn lao động giá rẻ. Vấn đề này đáng báo động khi Việt Nam có hiệu suất lao động của công nhân thấp hơn so với các nước trong khu vực. Thứ hai, theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới, lao động ngành dệt may và giày dép (những ngành thâm dụng lao động cao) của Việt Nam sẽ bị tác động đến 86% bởi tự động hóa.

Đối với doanh nghiệp, lao động giá rẻ không phải là lợi thế, mà hiệu suất lao động mới là vấn đề họ cần. Có nghĩa là, doanh nghiệp không quan tâm phải trả cho người lao động một ngày công bao nhiêu tiền mà quan tâm người lao động đó một ngày làm ra giá trị là bao nhiêu. Và đứng dưới góc độ quản lý nhà nước, nếu Nhà nước không có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì khác nào bán sản phẩm “thô” với giá trị thấp. Đó cũng là lý do các KCN phải liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng theo yêu cầu mới. Nếu không, Việt Nam sẽ không kịp thời tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nếu không có trình độ chất lượng lao động cao thì không thể bắt kịp với trình độ công nghệ cao hiện nay.

Cần lao động được đào tạo theo chuẩn quốc tế

Chia sẻ về cách thức tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới tại Hội nghị Diễn đàn cấp cao Việt Nam diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, trước đây, Việt Nam phát triển kinh tế dựa vào nhân công rẻ và vốn lớn thì ngày nay kinh tế Việt Nam phải phát huy mô hình tăng trưởng khác, tập trung về chất lượng, năng suất lao động và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam phải đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao thì nền kinh tế mới phát triển thực sự bền vững và chất lượng. Do vậy, cần nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ lao động có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao hơn, thay thế cho lợi thế nhân công giá rẻ như hiện nay. Nói cách khác, muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, lao động không thể ở trình độ gia công như hiện nay.    

Hiện nay, các doanh nghiệp luôn cho rằng, các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam đào tạo ra sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu, quá nặng hàn lâm và thiếu ứng dụng thực tế. Do vậy, nghịch lý là số lượng sinh viên ra trường không có việc làm ở tỷ lệ cao, thế nhưng các doanh nghiệp lại kêu thiếu nhân lực. Doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động dù người lao động có đủ bằng cấp. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế là hết sức cần thiết trong thời kỳ Việt Nam hội nhập sâu rộng hiện nay. Việt Nam cần hội nhập trong cả ở khâu đào tạo, có nghĩa là tăng tính liên kết để đào tạo nguồn nhân lực mang tính ứng dụng. Và TPHCM đã đi trước một bước, khi chính Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến sang tận Mỹ kêu gọi đầu tư. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đã đến các trường đại học nổi tiếng thế giới kêu gọi liên kết xây dựng trường, đào tạo nguồn nhân lực cung cấp lao động cho các nhà đầu tư trong Khu công nghệ cao TPHCM.

CHẾ HÂN/ SGGP

Bình luận (0)