Công ty giáo dục Anh QS ngày 6.9 công bố Bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới năm 2016/2017, cho thấy Singapore có tới 2 trường đứng đầu châu Á.
ĐH Quốc gia Singapore tiếp tục dẫn đầu châu Á trong Bảng xếp hạng ĐH thế giới của QS. ẢNH: EASYUNI.COM
Đứng đầu bảng xếp hạng là Viện Công nghệ Massachusetts và 9 vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về ĐH Stanford (đứng thứ 2), ĐH Harvard (3), ĐH Cambridge (4), Viện Công nghệ California (5), ĐH Oxford (6), Trường University College London (7), Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ (8), Trường Imperial College London (9) và ĐH Chicago(10).
Điều đáng lưu ý là Singapore tiếp tục có tới 2 trường lọt vào tốp 15, dẫn đầu châu Á. Đó là ĐH Quốc gia Singapore (chiếm vị trí thứ 12) và ĐH Công nghệ Nanyang (13). Trong khi đó, ĐH Tokyo của Nhật, vốn luôn được xếp đứng đầu châu Á trong một số bảng xếp hạng ĐH thế giới khác, lại đứng vị trí thứ 34, thấp hơn cả ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc (24).
Trong Bảng xếp hạng 500 ĐH hàng đầu thế giới năm 2016 do Tổ chức Tư vấn xếp hạng Thượng Hải công bố ngày 15.8, ĐH Tokyo dẫn đầu châu Á, chiếm vị trí 20, trong khi ĐH Thanh Hoa đứng vị trí thứ 58, ĐH Quốc gia Singapore được xếp ở vị trí 83, còn ĐH Công nghệ Nanyang nằm trong tốp 101-105.
|
Bảng xếp hạng 500 ĐH thế giới có 4 tiêu chí đánh giá: 1) chất lượng đào tạo (chiếm 10% điểm), được đo bằng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Field; 2) chất lượng cán bộ đào tạo (40% điểm), được đo bằng số cán bộ đoạt giải Nobel và huy chương và số nhà nghiên cứu được trích dẫn cao trong 21 danh mục chủ đề phổ biến; 3) nghiên cứu (20%), được đo bằng số công trình nghiên cứu được xuất bản trên chuyên san Nature and Science và được ghi vào Danh mục trích dẫn khoa học mở rộng và Danh mục trích dẫn khoa học xã hội; và 4) hoạt động học thuật bình quân đầu người (chiếm 10%), được tính bằng cách tổng số điểm của 3 tiêu chí trên chia cho số lượng cán bộ đào tạo cơ hữu của một trường.
Trong khi đó, QS dùng 6 tiêu chí xếp hạng: 1) danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng số điểm) dựa trên cuộc khảo sát toàn cầu, trong đó các học giả sẽ được hỏi họ nghĩ trường nào hoạt động tốt nhất trong lãnh vực chuyên môn của mình; 2) danh tiếng từ người sử dụng lao động (10%), cũng dựa trên cuộc khảo sát toàn cầu, trong đó những người chủ được hỏi họ nghĩ trường nào cho ra lò người tốt nghiệp giỏi nhất; và 3) số lần trích dẫn nghiên cứu/cán bộ giảng dạy (20%), dựa trên dữ liệu nghiên cứu và trích dẫn lớn nhất thế giới Scopus. Những tiêu chí còn lại gồm tỷ lệ sinh viên-giảng viên (chiếm 20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%) và tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).
Bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2016/2017 của QS được đăng tại http://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2016
Văn Khoa/TNO
Bình luận (0)