Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư phổi đang tấn công người trẻ?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, ung thư phổi không còn là căn bệnh hiếm gặp trên thế giới kể cả người trẻ tuổi lẫn người già. Ngoài yếu tố di truyền, những điều kiện về môi trường sống, không khí ô nhiễm, thói quen hút thuốc lá cũng là thủ phạm chính gây nên căn bệnh nan y này.

Kỹ thuật đốt các u phổi bằng sóng cao tần tại BV Ung bướu Nghệ An (ảnh tư liệu)

TS.BS Nguyễn Hữu Lân – Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch cho biết, bệnh xuất hiện khi có khối u ác tính trong các mô phổi được mô tả qua sự tăng trưởng sinh tế bào không thể kiểm soát được.

Khó thở liên quan đến hô hấp

Hiện, người hâm mộ thật sự bàng hoàng và lo lắng cho sức khỏe nam ca sĩ – diễn viên Minh Thuận khi được biết anh mắc căn bệnh ung thư phổi đang điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch. Với sự cứu chữa tận tình của tập thể y BS một BV chuyên ngành, sức khỏe của nam ca sĩ đang có chiều hướng tiến triển tốt…

Kỹ thuật đốt các u phổi bằng sóng cao tần

Gần đây một số BV chuyên khoa chữa ung thư phổi đang triển khai kỹ thuật đốt các u phổi bằng sóng cao tần đã đem lại kết quả khả quan. ThS.BS Nguyễn Đình Tạo – BV Ung bướu Nghệ An cho hay, đây là cách điều trị dùng sức nóng của dòng điện cao tần để phá hủy tế bào ung thư. Cách điều trị ít xâm lấn sẽ làm cho tế bào ung thư chết dần và được thay thế bằng mô sẹo thu nhỏ theo thời gian. Theo BS Tạo, BV Ung bướu Nghệ An là đơn vị thứ 2 thực hiện kỹ thuật này sau BV Phạm Ngọc Thạch.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao thời gian gần đây số lượng bệnh nhân ung thư phổi có chiều hướng tăng? Trước đó, nghệ sĩ Hán Văn Tình cũng phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi và đã qua đời vào ngày 4-9 khi mới 59 tuổi. Tại TP.HCM, ca sĩ Thái Lan Viên đã may mắn thoát khỏi cơn hiểm nghèo vì căn bệnh lao và ung thư phổi giai đoạn đầu dù chỉ mới 30 tuổi. Theo tâm sự của Lan Viên, triệu chứng ban đầu về đường hô hấp là thở khò khè và sau đó rất khó thở, ho nhiều và cả ho ra máu. Nhưng dễ thấy nhất là triệu chứng kém ăn mất ngủ, sút cân, mệt mỏi, đi đứng không được. Đến lúc đó, anh phải nhập viện tại BV Phạm Ngọc Thạch. Bây giờ dù đã bình phục nhưng nỗi đau về cơ thể vẫn còn ám ảnh anh.

Về nguyên nhân, theo BS Nguyễn Sơn Lam – BV Phạm Ngọc Thạch, ung thư phổi được chia thành hai loại chính: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Yếu tố nguy cơ ung thư phổi bao gồm: ngộ độc thuốc lá chủ động và thụ động, tiếp xúc trực tiếp với khí amiăng, radon, ô nhiễm không khí do khói than khi đun nấu. Có thể thấy tỷ lệ nam giới bị ung thư phổi và tử vong do ung thư phổi cao hơn so với nữ giới vì thói quen hút thuốc lá. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng tạo nên nguy cơ ung thư phổi nhất là đối với những bệnh nhân chưa từng hút thuốc lá. Vì thế không phải ai bị ung thư phổi đều là do hút thuốc lá và ngược lại. Để chẩn đoán chính xác bệnh, BS điều trị phải xem xét hình ảnh học ung thư phổi vì kỹ thuật hình ảnh có vai trò quan trọng trong việc phát hiện tổn thương, hướng dẫn sinh thiết, hướng dẫn điều trị can thiệp và theo dõi sau điều trị. BS có thể quan sát qua những tấm ảnh X quang ngực và chụp cắt lớp vi tính và sau đó chẩn đoán bằng làm sinh thiết bằng nội soi phế quản hay theo chỉ dẫn của chụp cắt lớp.

Phương pháp “đánh bật” ung thư phổi

BS của BV Ung bướu TP.HCM đang chẩn đoán cho một bạn trẻ có nguy cơ bệnh phổi. Ảnh: N.Quang

TS.BS Nguyễn Hữu Lân – Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch cho biết, việc điều trị ung thư phổi và có kết quả lâu dài phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh mà cụ thể là khối u đã lây lan mức độ nào. Bên cạnh đó, tuổi tác và sức khỏe của bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh. Nếu bệnh nhân trẻ tuổi mới trong giai đoạn đầu sức khỏe còn tốt chưa có biểu hiện di căn thì kết quả rất khả quan sau khi phẫu thuật. Những trường hợp không thể chữa khỏi là do phát hiện chậm, điều trị bị ngắt quãng, sức khỏe yếu do ung thư chuyển sang di căn. Phương pháp điều trị ung thư phổi phổ biến vẫn là phẫu thuật nhất là đối với loại ung thư không phải tế bào nhỏ. Còn loại ung thư phổi tế bào nhỏ thì phương pháp hóa trị và xạ trị thường đạt hiệu quả tốt hơn dù tác dụng phụ của xạ trị là mệt mỏi, khó chịu, chán ăn và có thể bị kích thích da tại nơi điều trị. Do tỷ lệ biến chứng sau mổ hiện nay rất thấp nên bệnh nhân có thể hóa trị và xạ trị sớm sau phẫu thuật. Tùy theo giai đoạn bệnh mà BS có thể phối hợp các phương pháp điều trị để có được kết quả tốt nhất. Khi có triệu chứng khác thường về đường hô hấp như khó thở, ho ra máu thì không nên chủ quan và cần khám bệnh kịp thời. Những người kém ăn mất ngủ, sụt cân cũng không thể coi đó là biểu hiện bình thường mà cần phải tìm hiểu lý do sức khỏe đang bị giảm sút so với trước đây. Một số bệnh nhân chữa bệnh bằng thuốc nam, các loại lá cây như đu đủ, sa kê qua lời đồn có thể có tác dụng nhưng chưa có kiểm chứng khoa học. Thường xuyên tập thể dục và ăn uống điều độ, nên quan tâm hơn tới môi trường không khí nơi mình đang sinh sống để hạn chế khói bụi và các khí độc. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khói than, khí độc hại thải ra từ các nhà máy. Trồng nhiều cây xanh để có môi trường không khí trong lành bảo vệ lá phổi cho cơ thể. Đó là lời khuyên của BS đối với việc phòng ngừa căn bệnh này.

Quang Phan

Cần tránh những thứ gây hại cho phổi

Các chuyên gia cho rằng, trước đại dịch ung thư phổi đang hoành hành, chúng ta cần tránh những thứ gây hại cho phổi.

1. Rượu, thuốc lá

Rượu và thuốc lá chính là nguyên nhân gây ra sự thay đổi về chức năng của khí quản, phế quản, phổi và cấu trúc mao mạch phế nang.

2. Cà phê, trà

Nghiên cứu cho thấy, nhiều người làm việc văn phòng có tỉ lệ mắc bệnh hô hấp cao, liên quan đến thói quen sử dụng nhiều trà, cà phê.

Thường xuyên dùng cà phê và trà sẽ gây ảnh hưởng lớn lên phổi. Hơn nữa, caffeine và theophylline cũng có thể gây ra chứng nhịp tim đập nhanh, mất ngủ, kích động, tăng tiêu thụ ôxy của cơ tim, hoàn toàn không có lợi cho tim và phổi.

3. Thủy hải sản, thực phẩm đông lạnh

Khi phổi của bạn không thuộc diện khỏe mạnh, ăn những món ăn từ thủy hải sản như bạch tuộc, cá, lươn, tôm, cua và các hải sản đông lạnh khác, cũng như kem, nước đá và thức ăn lạnh… không phải là lựa chọn tốt.

4. Những món ăn vị cay

Y học Trung Quốc cho rằng tất cả các món ăn có vị cay nồng như dầu ớt, tương ớt, gừng, mù tạt và các loại thực phẩm nhiều gia vị khác đều khiến cho phổi dễ bị tổn thương, làm tim và phổi dễ bị mất máu.

5. Các món ăn “siêu” bổ dưỡng

Nhiều người có thói quen sử dụng những món ăn bổ dưỡng như nhân sâm, đảng sâm, mạch môn… nhưng không biết rằng đây là những món ăn quý với nhiều người nhưng lại không thích hợp cho những bệnh nhân có bệnh phổi.

6. Món ăn chứa nhiều dầu mỡ

Rất nhiều chất béo sẽ bám vào thành thực quản, cổ họng, dẫn đến sinh ra các bệnh về hô hấp, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe phổi. Thường xuyên ăn các loại thực phẩm béo có thể gây ra chứng tích tụ đờm trong hệ hô hấp, rất khó khăn hơn để thải ra ngoài, gây ra ho, viêm loét da, hen suyễn nặng hơn qua thời gian.

S.T

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)