Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trên cạn, dưới nước… đều ô nhiễm

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP.HCM giai đoạn 2011-2015 của Sở TN-MT TP.HCM, chất lượng nguồn nước tại các khu vực cấp nước trên sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành có xu hướng giảm. Rác thải sinh hoạt khoảng 7.000 tấn/ ngày nhưng biện pháp xử lý vẫn là chôn lắp… Có thể thấy, môi trường TP.HCM đang rất ô nhiễm.

Nước thải công nghiệp ước tính hơn 300.000m3/ngày là một sức ép vô cùng to lớn đối với các hệ thống sông rạch TP.HCM

Chất thải nguy hại ở khắp nơi

Cải thiện ô nhiễm đối với tuyến rạch Cùng

UBND TP.HCM vừa giao UBND huyện Bình Chánh triển khai việc vớt rác, rong cỏ, vệ sinh khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước, cải thiện ô nhiễm đối với tuyến rạch Cùng; đảm bảo dòng chảy lưu thông từ sông Cần Giuộc qua rạch Cùng, rạch Lồng Đèn, giúp giải tỏa ô nhiễm nguồn nước của tuyến rạch này; vận động nhân dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh không xả rác thải, chất thải xuống tuyến rạch Cùng và rạch Lồng Đèn.

Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cần thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy tại dải phân cách tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP cần sớm tổ chức khảo sát, lập hồ sơ thủ tục dự án Nạo vét, khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa rạch Cùng, rạch Lồng Đèn (rạch Cùng nối dài), trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, sẵn sàng triển khai thi công nhằm giải quyết dứt điểm, phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng, ô nhiễm môi trường cho các khu vực dân cư trên địa bàn quận 8, huyện Bình Chánh và khu vực TP; hoàn thành trong năm 2016-2018.

* UBND TP cũng chấp thuận cho UBND huyện Hóc Môn làm chủ đầu tư thực hiện công trình nạo vét rạch Hóc Môn từ nguồn vốn ngân sách TP phân cấp với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ đồng. Theo đó, sẽ nạo vét, thanh thải lòng rạch, gia cố cừ tràm tại các vị trí xung yếu rạch dài 3.200m, rộng trung bình từ 10m đến 25m.

U.B

 

Các đại biểu tham dự hội thảo Báo cáo hiện trạng môi trường TP.HCM giai đoạn 2011-2015 do Sở TN-MT TP.HCM tổ chức mới đây đã nêu lên những bức xúc về vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại. Cụ thể, các bãi rác chưa đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, tỷ lệ thu gom chưa cao. Trong khi đó, với tốc độ gia tăng dân số, tốc độ phát triển công nghiệp ngày càng cao, khối lượng chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp ngày càng lớn.

TS. Hoàng Văn Bình (Sở KH-CN TP.HCM) lo lắng: “Hoạt động công nghiệp phát sinh các loại chất thải với khối lượng lớn gây nên áp lực lên các yếu tố môi trường. Trong đó nước thải và khí thải là các chất thải gây tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người nếu không có phương pháp xử lý hợp lý”.

Hiện lưu lượng nước thải công nghiệp ước tính hơn 300.000m3/ngày là một sức ép vô cùng to lớn đối với hệ thống sông rạch trên địa bàn. Tải lượng các chất ô nhiễm lớn là nguyên nhân gây tác động đến các thành phần môi trường nước. Vì thế lượng nước thải trên phải được xử lý, kiểm soát và quan trắc đầy đủ để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Các hoạt động y tế gây ra sức ép lên môi trường TP.HCM thông qua việc phát sinh khí thải từ các lò đốt chất thải rắn y tế, nước thải bệnh viện và chất thải rắn y tế.  Hàng ngày tại TP.HCM đốt 28 tấn rác thải y tế, sinh ra một lượng lớn các loại chất ô nhiễm. Các chất thải này nếu không được khống chế sẽ gây tác động nguy hiểm cho con người và môi trường, đặc biệt có thể hình thành nên mưa axít.

Lượng nước thải cho các hoạt động y tế là 24.756m3/ngày, đây là con số rất lớn và gây sức ép cộng hưởng mạnh cùng với nước thải công nghiệp lên hệ thống sông rạch của TP.HCM. Mặt khác, nước thải y tế phần lớn đều là nước thải có tính nguy hại cao, nên nếu toàn bộ nước thải y tế trên được thải ra ngoài mà chưa được xử lý đạt quy chuẩn thì đó sẽ là một tác hại rất nặng nề lên môi trường nước và môi trường thủy sinh cũng như đối với sức khỏe con người.

Mạnh tay với các cơ sở gây ô nhiễm

Mùi hôi thối tấn công, người dân cầu cứu chính quyền

Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Q.7 vừa gửi đơn kiến nghị UBND TP.HCM có biện pháp giải quyết tình trạng phát sinh mùi hôi thối lan tỏa trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại khu đô thị.

Theo đơn kiến nghị, thời gian qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng phát sinh mùi hôi, người dân phản ánh gay gắt vì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của họ. Công ty đã tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm xử lý nước thải nhưng kết quả các công trình đều đảm bảo.

Cũng theo Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, mùi hôi thối được phát hiện từ nơi khác theo hướng gió bay vào các khu dân cư của Phú Mỹ Hưng và lân cận. Kiến nghị của công ty cũng được gửi đến thường trực Thành ủy, HĐND TP, Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan.

Theo phản ánh của nhiều người dân ở khu Nam Đô, Mỹ Thái và các khu dân cư khác dọc đường Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè) thì mùi hôi giống như phân tươi bón ở ruộng, rất nồng nặc và chỉ xuất hiện vào chiều tối đến gần sáng hôm sau. Còn ban ngày thì không khí bình thường. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều tháng nay khiến cuộc sống của người dân gặp không ít trở ngại. Đại đa số người dân sống ở những khu vực này phải chọn giải pháp đóng hết các cửa lại để mùi hôi không bay vào nhà…

H.Tr

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, việc phát triển đô thị chưa được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Nhiều vấn đề môi trường đô thị đang xảy ra nhưng vẫn chưa thể khắc phục được trong một thời gian ngắn. Tốc độ phát triển công nghiệp TP.HCM thuộc vào hàng cao nhất nước. Vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) trong phát triển công nghiệp đã được quan tâm từ khâu kêu gọi, tiếp nhận và triển khai dự án trong các khu công nghiệp (KCN). Khó khăn lớn nhất đang gặp phải là do các chủ đầu tư thiếu vốn nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng BVMT cho các KCN như đã quy định không thể thực hiện trước khi KCN chính thức hoạt động mà vừa kêu gọi đầu tư vừa xây dựng cơ sở hạ tầng.

Báo cáo hiện trạng môi trường giai đoạn 2011-2015 sẽ giúp các cơ quan quản lý địa phương đánh giá đúng thực trạng môi trường hiện nay, những tác động từ hoạt động của con người tới môi trường và ngược lại. Các chuyên gia môi trường cũng nhìn nhận, tại TP.HCM ô nhiễm không khí và mức ồn chủ yếu từ hoạt động giao thông.

Từ thực tế cho thấy, quá trình phát triển kinh tế xã hội đang đặt ra những vấn đề môi trường cấp bách đối với TP.HCM trong những năm tới là tập trung BVMT nguồn nước sông Sài Gòn; Thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và các KCN; Quản lý chất thải rắn đô thị, công nghiệp và chất thải nguy hại; Hoàn chỉnh hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT.

Sở TN-MT TP.HCM cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, hoàn thiện cơ sở pháp lý để có chế tài đủ mạnh để xử lý các cơ sở ô nhiễm. TP.HCM cũng cần có chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng hoạt động BVMT.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)