Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đổ bậy đến 260 tấn chất thải của Formosa

Tạp Chí Giáo Dục

Số chất thải mang đi “bón cây” lên đến 267 tấn, không phải 100 tấn. Formosa được xác định đã vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường.

Ngày 13-7, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xác định số lượng chất thải từ dự án Formosa Hà Tĩnh đưa ra chôn bậy tại trang trại ở phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 267 tấn, không phải 100 tấn như ban đầu. “Công ty Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) đã vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường do họ ký kết, giao bùn thải công nghiệp cho đơn vị không có chức năng vận chuyển, xử lý”. Chiều 13-7, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết.

“Tay không” vẫn nhận xử lý bùn công nghiệp

Theo hồ sơ, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (gọi tắt là Công ty Kỳ Anh, 100% vốn tư nhân) là công ty chỉ được cấp phép xử lý rác thải sinh hoạt. Vậy nhưng Formosa vẫn ký hợp đồng, giao cho Công ty Kỳ Anh vận chuyển, xử lý bùn thải công nghiệp thông thường với giá 1.000 đồng/kg. Công ty Kỳ Anh còn nhận vận chuyển, xử lý bùn thải sinh hoạt cho Formosa với giá 800 đồng/kg.

“Qua kiểm tra chứng từ xuất kho, chúng tôi tổng hợp được khoảng 267 tấn chất thải của Formosa đã đưa ra khỏi nhà máy. Trong đó, bùn thải sinh hoạt là 77 tấn, rác thải công nghiệp thông thường như Formosa báo cáo là 189 tấn. Công ty Kỳ Anh công nhận toàn bộ số chất thải trên đã được đưa vào trang trại chôn lén. Ông Hòa (Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Kỳ Anh – NV) đã ký vào biên bản” – ông Võ Tá Đinh nói.

Theo ông Đinh, Công ty Kỳ Anh không chuyển giao số bùn thải tiếp nhận từ Formosa cho đơn vị có chức năng xử lý mà tự chôn lấp không đúng nơi quy định là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. “Theo hợp đồng thì Formosa phải giám sát vị trí Công ty Kỳ Anh xử lý bùn thải nhưng thời gian qua Formosa không thực hiện” – ông Đinh nhấn mạnh.

Ông Đinh cho biết Sở TN&MT đã yêu cầu Formosa chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, chấm dứt hợp đồng vận chuyển, xử lý bùn thải với Công ty Kỳ Anh và ký lại với đơn vị có chức năng. Sở TN&MT cũng yêu cầu Công ty Kỳ Anh chấm dứt việc đổ bậy, giữ nguyên hiện trường, chờ kết quả phân tích mẫu bùn thải để thống nhất phương án xử lý.

Từng đống chất thải đổ vào trang trại của ông Lê Quang Hòa – Giám đốc Công ty Môi trường đô thị  thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chưa kịp lấp dấu. Ảnh: ĐL

Chính quyền nhận thiếu sót

Tối 13-7, trao đổi với PV, Thiếu tá Đặng Quang Niềm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Hà Tĩnh, cho biết PC49 chưa khởi tố vụ án vụ Công ty Kỳ Anh đổ hơn 260 tấn chất thải vì đang chờ kết quả phân tích. Nhưng PC49 đang tích cực điều tra làm rõ vụ việc.

Như đã phản ánh, gần đây người dân phát hiện nhiều xe tải từ dự án KCN Formosa vào trang trại ở phường Kỳ Trinh. Người dân lo sợ ô nhiễm nên trình báo và sau đó Sở TN&MT, PC49, C49 vào cuộc.

Khi phóng viên đặt vấn đề về trách nhiệm đối với vụ việc này, ông Võ Tá Đinh nói: “Theo quy định, cơ quan nào cấp phép cho doanh nghiệp thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Formosa do Bộ TN&MT cấp phép xả thải thì Bộ phải chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, giám sát. Sở TN&MT vào kiểm tra, giám sát thì doanh nghiệp đặt nghi vấn tiêu cực nên chúng tôi chỉ kiểm tra, giám sát khi có sự cố. Tuy vậy, về trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, thời gian qua, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ giám sát việc xả thải của Formosa”.

Trong khi đó, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết UBND thị xã kiểm điểm, nhìn nhận là UBND thị xã Kỳ Anh cũng có lỗi để công ty của ông Hòa mang một số lượng lớn chất thải từ Formosa lên chôn lấp. Tuy nhiên, cũng có cái khó là ông Hòa làm lén lút, trang trại ở nơi xa, có cây tràm xung quanh che khuất nên khó phát hiện.

Bùn thải Formosa sao có thể bón cây!

Một lãnh đạo thanh tra về môi trường nhận định: Đầu tiên có thể xác định ngay chất thải phát sinh từ dự án Formosa Hà Tĩnh là chất thải công nghiệp. Theo Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, chất thải này phải được chuyển giao cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý thông qua hợp đồng và phải báo cáo cho cơ quan quản lý để giám sát. Nếu đây là chất thải thông thường thì cũng phải được thu gom, xử lý như đối với rác thải sinh hoạt chứ không thể chôn lấp tự do.

Ngoài ra, chất thải của Formosa Hà Tĩnh muốn được dùng để bón cây thì phải dựa trên kết quả phân tích các mẫu chất thải một cách nghiêm ngặt, thường xuyên (để xác định nó không nguy hại) và phải được Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho phép. Nếu Sở NN&PTNT chưa cho phép mà dùng bón cây là sai. “Tuy vậy, điều làm tôi thắc mắc là ngành nghề sản xuất của Formosa và thành phần của bùn thải này làm gì có chất dinh dưỡng hay vi sinh mà dùng để bón cây?” – vị này nói.

Cần lấy mẫu đột xuất, phân tích nhiều lần

Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về xử lý chất thải nguy hại nhận định nếu bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy của Formosa thì nhiều khả năng là bùn thải nguy hại theo Thông tư 36/2015 của Bộ TN&MT.

Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải vận hành nhằm loại bỏ các độc chất cùng chất ô nhiễm ra khỏi nước thải dưới dạng bùn thải lỏng. Sau đó, bùn lắng ở bể và ổn định một thời gian rồi được ép thành bánh.

Với công nghệ và đặc thù của ngành khai thác chế biến quặng sắt như Formosa thì hàm lượng kim loại nặng, acid và các hóa chất khác có trong nước thải khá cao. Việc tách các độc chất này sau đó tồn tại ở dạng bánh bùn thì nhiều khả năng bùn này là chất thải nguy hại.

“Tôi rất ngạc nhiên khi Formosa nói đây là chất thải công nghiệp thông thường. Theo tôi, để xác định một loại chất thải nguy hại mà chỉ lấy hai mẫu bùn trong một lần duy nhất để phân tích rồi kết luận chất thải rắn thông thường là không hợp lý. Việc xác định bùn thải có nguy hại không phải theo quy trình lấy mẫu ngẫu nhiên, đột xuất, ở nhiều công đoạn phát thải khác nhau và được lặp đi lặp lại nhiều lần, tối thiểu phải sáu lần. Sau đó mới tổng hợp số liệu và cho ra kết quả” – vị này nói.

TRUNG THANH ghi

Chiều 13-7, người dân phường Kỳ Phương phản ánh đường ống từ dự án Formosa đổ nước thải đen ngòm ra môi trường. Theo ông Phạm Hữu Tình, Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh, đây là đường ống xả nước thải sinh hoạt trước khi Formosa đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào hoạt động. “Có thể họ mới bịt miệng ống bên trong nhưng bên ngoài chưa bịt nên chúng tôi sẽ đề nghị Formosa bịt đường ống này lại” – ông Tình nói.

ĐẮC LAM/ PLO

Bình luận (0)