Không chính thức đưa khí tài xuống Nam cực nhưng các nước lại có những hoạt động thấp thoáng bóng dáng quân đội tại đây.
Ngày 22.12, AP đưa tin Argentina chính thức phản đối việc Anh vừa quyết định đặt tên của Nữ hoàng Elizabeth cho một vùng lãnh thổ mà London tuyên bố chủ quyền tại Nam cực. Vùng đất này được London đặt tên đầy đủ là Queen Elizabeth Land, chiếm khoảng 1/3 diện tích mà Anh tuyên bố chủ quyền, vốn chồng lấn với khu vực Argentina cũng tuyên bố chủ quyền, tại vùng đất băng giá trên. Vụ việc khiến quan hệ giữa London và Buenos Aires thêm căng thẳng nhất là khi hai bên đang tranh chấp quần đảo Falkland/Malvinas. Mặt khác, diễn biến này còn đặt lại vấn đề tranh chấp ở Nam cực vốn chưa được giải quyết suốt nhiều năm qua, mà chỉ dựa vào một hiệp ước quốc tế để giữ vững ổn định cho khu vực này.
Năm 1959, đại diện 12 nước tổ chức hội nghị tại Washington, Mỹ, để thông qua Hệ thống hiệp ước Nam cực (ATS). Theo trang mạng của Cơ quan Hiệp ước Nam cực, đến nay, tổng cộng 50 quốc gia tham gia ATS, trong đó có 28 nước giữ vai trò tham vấn được quyền bỏ phiếu các vấn đề liên quan. Một trong những điều khoản then chốt của hệ thống hiệp ước này là: “Nam cực chỉ dành cho các hoạt động hòa bình. Nghiêm cấm các hoạt động quân sự ngoại trừ việc hiện diện quân nhân và các phương tiện quân đội được sử dụng cho những mục đích nghiên cứu khoa học và hòa bình”. Đến nay, về mặt chính thức thì ATS gần như được tuân thủ tuyệt đối. Tuy nhiên, các nước không quên triển khai quân đội vì “mục đích nghiên cứu khoa học và hòa bình” tại Nam cực, nơi có rất nhiều tài nguyên, đặc biệt về năng lượng.
Máy bay của không quân Mỹ tại Nam cực – Ảnh: Af.mil |
Sóng ngầm
Hồi tháng 10, chuyên trang quân sự Military.com đưa tin không quân Mỹ sẽ đóng vai trò tiên phong trong các hoạt động hỗn hợp của Washington tại Nam cực. Theo đó, không quân nước này sẽ tiến hành nhiều chương trình như tổ chức vận chuyển hàng không và hỗ trợ cho các “hoạt động khoa học”. Các chương trình có sự tham gia bởi đại diện đến từ không quân, hải quân, lục quân, tuần duyên Mỹ. Chúng được tiến hành trực tiếp bởi Lực lượng hỗ trợ hỗn hợp Nam cực, nằm dưới quyền điều phối của Lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương với căn cứ đặt tại Trân Châu cảng, Hawaii. Trước đó, trang mạng Lầu Năm Góc hồi năm 2010 đưa tin quân đội Mỹ đang tiến hành các hoạt động tại Nam cực trong khuôn khổ chương trình: “Vũ trang và khoa học: Nghiên cứu và ứng dụng cho hiện đại hóa quân đội”. Ngoài ra, từ năm 2008, không quân Mỹ còn thử nghiệm bay đêm với các thiết bị hỗ trợ tối tân trong điều kiện khắc nghiệt tại Nam cực, theo CNN. Như vậy, dù chẳng thuộc số các bên tuyên bố chủ quyền nhưng Washington vẫn triển khai quân đội thực hiện nhiều hoạt động ở vùng đất băng giá này.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) chuyên về chính sách quốc tế năm ngoái đưa ra báo cáo kêu gọi quân đội cần nỗ lực phòng vệ khu vực mà Canberra tuyên bố chủ quyền tại Nam cực. Khu vực mà Canberra tuyên bố chủ quyền chiếm khoảng 40% diện tích Nam cực. Tờ The Age dẫn báo cáo trên đề nghị quân đội Úc phải có kế hoạch trong tương lai vì các nước khác chắc chắn sẽ chạy đua tại vùng băng giá giàu tài nguyên này. Báo cáo còn cảnh báo: “Trung Quốc (không tuyên bố chủ quyền tại Nam cực nhưng giữ vai trò tham vấn tại ATS – NV) đang đầu tư tàu phá băng mới, máy bay và trực thăng trang bị hệ thống hỗ trợ hoạt động trên băng cũng như mở rộng các chương trình. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang tân trang các trạm làm việc để hoạt động suốt năm tại đây”.
Thực sự, Nam cực đang trở thành mối quan tâm của không chỉ những nước tuyên bố chủ quyền. Hồi tháng 9, Tân Hoa xã dẫn lời Tư lệnh hải quân Iran Habibollah Sayyari tuyên bố lực lượng này sẽ mở rộng hiện diện tại Nam cực. Ông phát biểu: “Chúng tôi có khả năng cắm cờ Iran tại các khu vực khác nhau từ Bắc cực đến Nam cực. Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch để hiện diện gần Nam cực”. Rõ ràng, các diễn biến trên trở thành những cơn sóng ngầm tại Nam cực.
Theo TNO
Bình luận (0)