Đó là ý kiến của cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh, tại một hội nghị mới đây về đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành hàng không.
Sinh viên Học viện Hàng không VN tham gia giới thiệu các ngành nghề đào tạo của học viện trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 – Ảnh: TRẦN HUỲNH |
Câu chuyện về nhân lực một lần nữa được xới lên ở một ngành nghề đòi hỏi trình độ cao.
Nhấn mạnh lý do vì sao phải thoát khỏi lối mòn như vậy, cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng: “Chúng ta cần phải đi thẳng vào mục tiêu, có định hướng rõ ràng, đó là tập trung vào đào tạo nghề. Ngành hàng không cần rất ít kỹ sư.
Trong định hướng phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực hàng không nên thoát khỏi lối mòn đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, vì hệ thống này đưa vào các doanh nghiệp hoàn toàn không phù hợp.
Học viện Hàng không VN nên loại bỏ bậc cao đẳng và trung cấp, chỉ nên tập trung đào tạo nghề để cho ra đội ngũ nhân lực có tay nghề vững vàng”.
Nhìn nhận rộng hơn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhận xét: trong năm lĩnh vực vận tải của nước ta hiện nay, hàng không đang có cơ hội, điều kiện phát triển tốt nhất. Thực tế, ngành hàng không đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh nhưng lực lượng nhân sự trong lĩnh vực này chủ yếu là của nước ngoài, nhân lực trong nước rất hạn chế.
Hiện có hãng hàng không có đến 90% phi công phải thuê người nước ngoài. Vì thế trong thời gian tới, ngành hàng không cần cố gắng để có thể tự chủ, tự đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Nếu vẫn để tiếp diễn tình trạng này, chi phí sản xuất của ngành hàng không rất lớn và không thể tự chủ lực lượng lao động.
Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không đều cho rằng không chỉ thiếu về trình độ kỹ thuật, sinh viên ngành hàng không còn rất yếu về tiếng Anh. Đây là một hạn chế rất lớn, khiến các doanh nghiệp không mặn mà với nguồn lao động trong nước. Nhiều doanh nghiệp hàng không tuyển sinh viên vào phải bỏ tiền đào tạo lại, tốn kém hơn cả đào tạo một người mới.
Bàn về giải pháp để phát triển nguồn nhân lực hàng không, hầu hết doanh nghiệp đều thống nhất nên đào tạo, bổ túc những kiến thức cơ bản cho sinh viên, chú trọng việc học tiếng Anh.
TS Nguyễn Thị Hải Hằng, giám đốc Học viện Hàng không VN, thừa nhận: “Tuy học viện phát triển nhưng chưa đủ để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành”. Lý giải vấn đề này, bà Hằng đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu là thiếu giáo viên, thiếu cơ sở thực hành, bằng cấp trường cấp cho sinh viên không phải là chứng chỉ chuyên môn như yêu cầu của các doanh nghiệp.
Theo ông Phan Xuân Đức – phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), hiện nay các doanh nghiệp tuyển sinh viên vào phải bỏ tiền đào tạo lại, tốn kém gấp đôi đào tạo một người mới. Nhiều doanh nghiệp phải gửi nhân lực đi học ở nước ngoài vì trong nước chưa đáp ứng về mặt kỹ thuật.
Ngoài việc yếu về mặt kỹ thuật, tay nghề, ông Đức chỉ ra một hạn chế nữa của sinh viên là rất yếu về tiếng Anh, nhiều sinh viên hoàn thành xong bậc đại học vẫn không đọc, không nói được ngoại ngữ. Đây là một hạn chế rất lớn, khiến các doanh nghiệp không mặn mà nhiều với nguồn lao động trong nước.
Ngành hàng không VN đang đứng trước rất nhiều thách thức, mà lớn nhất là yếu tố con người. Làm thế nào để đào tạo được nguồn nhân lực trong nước đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp?
Bài toán “thừa thầy thiếu thợ”, thiếu nhân lực trình độ trung cấp nghề đã diễn ra ở một ngành nghề đòi hỏi trình độ cao là ngành hàng không. Điều này cho thấy nguồn nhân lực nghề chất lượng cao ngày càng cần thiết cho phát triển đất nước và cũng là cơ hội để các trường nghề nhìn nhận lại, điều chỉnh hướng đào tạo của mình.
TRẦN HUỲNH – THANH THẢO (TTO)
Bình luận (0)