Y tế - Văn hóaThư giãn

72 ngày sống sót trên đỉnh Andes

Tạp Chí Giáo Dục

Trải qua vụ tai nạn máy bay kinh hoàng cùng hơn hai tháng chiến đấu với đói rét, bão tuyết và bệnh tật, trong số 45 người trên chuyến bay định mệnh có tới 16 người sống sót trở về. Thảm họa máy bay đâm vào núi Andes năm 1972 cũng vì thế mà được gọi là “Phép màu Andes”.

CHUYẾN ĐI CHẾT CHÓC
8 giờ 05 phút ngày 12/10/1972, chiếc máy bay loại Fairchild mang số hiệu 571 của Không quân Uruguay cất cánh từ sân bay Carrasco ở Montevideo, lên đường tới Santiago, Chile. Đội bóng bầu dục Old Christians của Uruguay đã thuê chiếc phi cơ này để sang Chile thi đấu, đi cùng họ là bạn bè và người hâm mộ, ngoài ra còn có 5 thành viên tổ bay. Tổng cộng có 45 người có mặt trên chuyến bay dự kiến vượt qua hành trình 1.500 km trong khoảng 4 giờ đồng hồ. Trong lúc đang bay trên không phận Argentina, cơ trưởng là đại tá Julio Cesar Ferradas  và lái phụ Dante Héctor Lagurara nhận được thông báo về tình hình thời tiết xấu trên dãy núi Andes. 

Đội bóng Old Christian năm 1971.

Mặc dù đã bay qua Andes 29 lần nhưng cơ trưởng Ferradas vẫn không khỏi lo lắng bởi đây là nơi địa hình hiểm trở. Bề ngang của dãy núi chỉ rộng 170 m, độ cao trung bình của các ngọn núi là 4.000 m. Aconcagua, đỉnh núi cao nhất Andes, cao tới 6.959 m. Trong khi đó, máy bay loại Fairchild của họ chỉ đạt độ cao tối đa là 7.000 m, vì vậy phi hành đoàn hiểu rõ họ phải bay qua một con đèo nơi có các ngọn núi thấp hơn. Họ quyết định hạ cánh xuống một sân bay ở tỉnh Mendoza của Argentina và nghỉ đêm tại đây để đợi thời tiết khá hơn.

Thứ 6 ngày 13 định mệnh
Ngày hôm sau, thứ sáu ngày 13/10, bầu trời đã phần nào quang đãng nên cơ trưởng quyết định tiếp tục hành trình. Họ cất cánh khỏi sân bay Mendoza lúc  14 giờ 18 phút, cơ phó Lagurara – đang được cơ trưởng Ferradas huấn luyện – là người cầm lái. Chiếc Fairchild này được trang bị cho Không quân Uruguay cách đó hai năm và đã trải qua 972 giờ bay.
Vì không thể bay thẳng từ Mendoza tới Santiago qua dãy Andes nên Lagurara điều khiển phi cơ hướng về phía nam, song song với dãy núi hùng vĩ. Sau đó, máy bay rẽ về hướng tây và bay qua đèo Planchon ở độ cao hơn 5.400 m, xuôi theo sức gió từ 30 – 110 km/h phía trên một vùng mây dày đặc.
Lúc 15 giờ 8 phút, Lagurara gọi cho sân bay thành phố Malargue thuộc Mendoza để thông báo tình hình, đồng thời ước tính rằng họ sẽ đi qua đèo Planchon trong khoảng 13 phút tới – nơi chuyển giao phạm vi kiểm soát không lưu giữa tỉnh Mendoza của Argentina với thành phố Santiago của Chile. Theo các dữ liệu, Lagurara gọi cho sân bay Santiago  lúc 15 giờ 21 phút để thông báo rằng ông đang bay qua đèo Planchon và sẽ tới thị trấn Curico vào 15 giờ 32 phút.  
Nhận thấy sức gió đã mạnh lên nên các phi công quyết định giảm vận tốc của máy bay từ 380 km/h xuống còn 330 km/h. 3 phút sau lần gọi đầu tiên, tức 15 giờ 24 phút, chiếc Fairchild lại báo cáo với trạm không lưu Santiago rằng họ đã trông thấy Curico và đang bay hướng về thị trấn Maipu nên bẻ lái sang bên phải. Mặc dù thời điểm tiếp cận trùng với dự báo trước đó nhưng các nhân viên không lưu ở Santiago vẫn đồng ý cho phép Lagurara hạ dần độ cao xuống 3.500 km để chuẩn bị hạ cánh tại sân bay Pudahuel. 
Sai lầm chết người
15 giờ 30 phút, trạm không lưu ghi nhận chiếc phi cơ của Không quân Uruguay đã giảm độ cao 1.000 m. Lagurara đã phạm một sai lầm chết người vì đã giảm tầm bay trong khi máy bay vẫn ở trên vùng núi cao của Andes. Tại độ cao 4.600 m, chiếc Fairchild chìm vào giữa những đám mây và bắt đầu rung lắc. Thấy vậy, cơ trưởng Ferradas vội cảnh báo máy bay đã đi vào vùng nhiễu động không khí, yêu cầu hành khách thắt chặt đai an toàn. Lúc này, các cầu thủ đang đùa nghịch rất vui vẻ. Họ chuyền cho nhau quả bóng bầu dục và hát vang: “Conga, conga, conga. Máy bay đang nhảy điệu conga”.

Hình ảnh mô tả chiếc Fairchild 571 sắp va vào đỉnh núi.

Tại thời điểm đó, máy bay lọt vào một luồng khí hướng xuống phía dưới rất mạnh nên bị kéo tụt độ cao khoảng vài trăm mét. Bên trong chiếc phi cơ, trạng thái thư giãn và hội hè của tất cả hành khách đã chuyển sang sợ hãi. Một cú rơi tự do khác lại đột ngột xảy ra, những người ngồi cạnh cửa sổ đã hoảng hốt khi trông thấy máy bay đã bay thấp hơn những đám mây, thậm chí chỉ cách các ngọn núi vài mét. Tiếng động cơ gằn lên khi phi công cố gắng lấy lại độ cao trong tuyệt vọng. Chiếc máy bay nâng nhẹ lên một chút nhưng mọi chuyện đã quá muộn. 
Trong vòng vài giây sau, họ nghe thấy tiếng động lớn vang lên là lúc cánh bên phải của máy bay va vào núi. Phần cánh gãy rời, xé toạc thân máy bay. Cầu thủ Nando Parrado 21 tuổi thật may mắn khi ngồi ở hàng ghế thứ chín, vì hàng ghế thứ mười cùng mọi thứ ở phía sau anh đã biến mất. Một tiếp viên, một hoa tiêu của Không quân Uruguay cùng ba hành khách trẻ tuổi bị hút ra ngoài qua lỗ hổng ở trên thân máy bay và không tránh khỏi chết. Ngay sau đó, cánh trái cũng va phải núi rồi gãy rời khỏi thân, nhiều mảnh kim loại vỡ bắn tung tóe. Mất đi đôi cánh, phần còn lại của máy bay đâm xuống một đỉnh núi ngập tuyết rồi lao nhanh trên con dốc thẳng đứng. Những người trên máy bay cứ ngỡ rằng họ đã đâm vào đá hoặc lao xuống vực nhưng may thay, phần còn sót lại của máy bay trượt vào một thung lũng rồi bị lớp tuyết dày hãm lại.
Cú dừng đột ngột đã khiến các ghế ngồi bật khỏi sàn, hành khách bị văng về phía trước, va đập loạn xạ vào nhau. Roberto Canessa, nam sinh viên y khoa 19 tuổi có mặt trên chuyến bay số hiệu 571, sau này đã kể lại rằng trong giây phút kinh hoàng đó người ta chỉ biết cầu xin Chúa cứu giúp. Canessa đã hoảng hốt tột độ khi chứng kiến cảnh tượng một cậu bé bị thương nặng ở đầu còn phần bụng thì bị một mảnh kim loại găm vào.
Tiếng la hét, gào khóc và kêu cứu phá tan bầu không khí tĩnh lặng trên núi cao. Họ cố sức tháo dây an toàn, thoát ra khỏi máy bay trong lúc mùi xăng bắt đầu xộc lên. Những người tỉnh táo thì trợ giúp người bị thương, chuyển các thi thể ra ngoài. Số khác thì nằm bất tỉnh, trong đó có Parrado, mãi bốn ngày sau anh mới tỉnh dậy nhưng mẹ của anh thì không qua khỏi. 12 trong số 45 người thiệt mạng ngay trong lúc máy bay va đập hoặc liền sau đó. Thêm năm người bị thương nặng qua đời vào sáng hôm sau. 
Hoàng Trang/ Tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)