Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM là ba địa phương đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thế nhưng, hiện trạm thu phí vây kín các trục giao thông huyết mạch. Thực trạng này dẫn đến chi phí vận tải tăng lên, giao thông luôn trong tình trạng ách tắc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của hàng Việt.
“Trên từng cây số”
Xe chúng tôi xuất phát từ TPHCM đi Đồng Nai theo hướng xa lộ Hà Nội, vừa qua khỏi ngã ba Cát Lái gặp ngay trạm thu phí của Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) trấn giữ ngay cung đường huyết mạch cửa ngõ phía Đông thành phố. Vừa qua khỏi trạm này chưa đến 13km, xe lại phải dừng mua phí qua trạm cầu Đồng Nai – quốc lộ 1 do Tổng Công ty Xây dựng số 1 đầu tư xây dựng và thu phí. Từ ngã ba Vũng Tàu, xe rẽ vào quốc lộ 51 về hướng Vũng Tàu mới được 29km lại tiếp tục mua phí do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thu. Cách trạm này 19km lại xuất hiện trạm thu phí cũng do công ty này thu. Với bán kính 61km đã có đến 4 trạm thu phí, như vậy khoảng cách trung bình mỗi trạm là 15,25 km.
Thu phí cầu Đồng Nai (Ảnh: CAO THĂNG)
Từ thành phố (TP) Biên Hòa về hướng TPHCM theo quốc lộ 1K, vừa qua khỏi bùng binh cầu An mới thuộc xã Hóa An (Biên Hòa), người đi đường gặp ngay một trạm thu phí thuộc phường Bửu Hòa. Qua khỏi bùng binh cầu An, cũng cung đường trên rẽ trái sẽ đụng ngay hai trạm thu phí thuộc xã Hóa An và xã Tân Vạn. Ở Đồng Nai, ngoài các trạm thu phí trên các quốc lộ như Dầu Giây, Long Thành, riêng trên địa bàn TP Biên Hòa có đến 11 trạm thu phí. Điều đáng nói, có trạm cách nhau chưa đến 1km, như hai trạm ĐT 760, ĐT743, đường Đồng Khởi. Ngoài ra, trên quốc lộ 20, đoạn từ quốc lộ 1A – ngã tư Dầu Giây hướng lên huyện Định Quán, còn có hai trạm thu phí án ngữ trên cung đường này.
Từ TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai theo hướng quốc lộ 1K về tỉnh Bình Dương, chỉ trong bán kính 30km khu vực thị xã Thuận An – Dĩ An (giáp Đồng Nai và TPHCM) đã có 5 trạm thu phí bao vây các trục đường. Tuyến đường ĐT 743 (nối TP Thủ Dầu Một, Bình Dương và TP Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ dài hơn 20km nhưng phải “gánh” 4 trạm, hai trạm của Bình Dương và hai trạm của Đồng Nai.
Chưa hết, Bình Dương còn đang triển khai hàng loạt dự án giao thông theo hình thức BOT: đường Mỹ Phước – Tân Vạn (nối Bình Dương và TPHCM); ba tuyến đường ở Tân Uyên là ĐT 746, ĐT 747B và ĐT 742 với tổng chiều dài 57km. Ngoài ra, còn có trạm thu phí Vĩnh Phú (huyện Thuận An) trên quốc lộ 13 hướng TPHCM đi Bình Dương do Becamex làm chủ đầu tư; trạm Suối Giữa cũng trên quốc lộ 13 cách trạm Vĩnh Phú 20km về hướng thị xã Thủ Dầu Một; trạm Lái Thiêu (huyện Thuận An) cách trạm Vĩnh Phú khoảng 2km; trạm An Phú (huyện Thuận An) cách trạm Lái Thiêu 8km và trạm Bình Thung cách trạm An Phú 18km. Bốn trạm thu phí nêu sau đều do Công ty Vật liệu và xây dựng Bình Dương (M&C) làm chủ đầu tư.
Ở Bình Dương còn có trạm thu phí Bình Thắng do M&C làm chủ đầu tư, nằm gần nút giao thông ngã ba Tân Vạn và cũng gần đó còn có trạm thu phí Bình Đáng. Khi các dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng, Bình Dương sẽ trở thành “mạng nhện” trạm thu phí.
Thu phí đường bộ tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (Ảnh: CAO THĂNG)
Tận thu
“Ra đường gặp trạm thu phí” là câu cửa miệng của hầu hết các tài xế khi lưu thông qua các cung đường từ TPHCM đi Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại. Điều đáng nói, tình trạng các trạm thu phí quá gần nhau xuất hiện dày đặc trên một đoạn đường ngắn đã làm cho nhiều xe phải nối đuôi mua vé qua trạm. Đã vậy, không ít người còn bị… mua phí oan.
Lý giải cho việc đặt trạm thu phí tràn lan, địa phương nào cũng cho rằng nguồn vốn ngân sách khó khăn, không thể đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bằng tiền ngân sách nên phải kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Vì vậy, dù biết đặt các trạm thu phí không đúng, nhưng nhiều địa phương đành “chịu”.. |
Lái xe Nguyễn Văn Hoàng, tài xế xe container chở hàng từ TPHCM đi Bình Dương và Đồng Nai bức xúc: “Tụi tôi đi thường xuyên nên biết, trên nhiều tuyến đường, nếu mua phí ở trạm đầu thì trạm cuối không phải mua nhưng với người ít đi lại, không biết điều này nên khi đi qua cả hai trạm đầu và cuối đều mua vé. Nhiều nhân viên trạm thu phí biết chủ xe không rõ quy định, vẫn thản nhiên thu thêm tiền của khách”.
“Trung bình mỗi tháng, tôi phải tốn đến mấy triệu đồng tiền phí cho các trạm thu phí ở khu vực Bình Dương và Biên Hòa, trong khi đoạn đường di chuyển chưa đầy 30km. Đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ tôi thấy có tỉnh nào nhiều trạm thu phí như Bình Dương và Đồng Nai, chạy đường nào cũng không thể thoát, có khi chạy chừng 100km thôi mà phải đóng phí 3 – 4 lần. Có ngày tôi đóng phí qua trạm đến hơn 20 lần, mất gần 2 triệu đồng” anh Ngô Ngọc Tài, tài xế xe tải thường đi vào các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương tổng hợp lại.
Theo ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, “mạng lưới trạm thu phí dày đặc như vậy đã khiến cho giới vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa phải tốn thêm rất nhiều phí. Điều này không những là gánh nặng cho ngành vận tải mà còn làm gia tăng chi phí cho hàng hóa Việt phải chuyên chở thường xuyên qua đây”. “Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ghi rõ khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường phải có độ dài tối thiểu là 70km. Hầu hết trạm hiện nay trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương đều vi phạm quy định này”, ông Chung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chung, mặt dù hiệp hội đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải góp ý về việc này, song kết quả không như mong muốn vì các trạm thu phí đã thiết lập từ nhiều năm trước nên việc thay đổi hay di dời gặp nhiều khó khăn.
QUỐC HÙNG/ SGGP
Bình luận (0)