Một nhà phân tích của Trung Quốc cho rằng tàu sân bay này hiển nhiên được xem là mục tiêu đầu tiên của Nhật Bản, gợi cho thấy việc hủy diệt biểu tượng của cường quốc biển Trung Quốc sẽ đưa nước này đến chỗ quy phục.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tìm cách phối hợp với Mỹ đánh chìm tàu sân bay đầu tiên và duy nhất vừa được đưa vào hoạt động của Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh đã hoạt động từ tháng 11-2012. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Theo kịch bản chiến lược, như báo Sankei Shimbun ở Tokyo tường thuật, Nhật Bản sẽ triển khai các chiến đấu cơ F-15J với sự yểm trợ của không lực Mỹ để tấn công tàu sân bay Liêu Ninh. Sau đó, Nhật sẽ có thể tấn công bằng máy bay tiêm kích đa năng F2 chống các tàu lớn khác của hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Không quân PLA có nhiều chiến đấu cơ thế hệ thứ tư hơn Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản. Trần Quang Văn, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc, nhận xét rằng khi không có sự hỗ trợ về không quân thì tàu sân bay và những tàu đổ bộ đột kích của Hải quân PLA sẽ trở thành những mục tiêu dễ dàng cho máy bay chiến đấu của Mỹ và Nhật.
Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi sự hợp tác của Mỹ như cách thức duy nhất để Nhật Bản chiến thắng trong cuộc chiến tiềm tàng chống Trung Quốc. Một Nhật Bản đơn độc không bao giờ có thể tiêu diệt được toàn bộ không lực Trung Quốc.
Quách Tuyên, một nhà phân tích khác của Trung Quốc, cho rằng Liêu Ninh hiển nhiên được xem là mục tiêu đầu tiên của Nhật Bản, gợi cho thấy việc hủy diệt biểu tượng của cường quốc biển Trung Quốc sẽ đưa nước này đến chỗ quy phục.
Liêu Ninh, được Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 1998. Nó được chuyển đến xưởng đóng tàu Đại Liên để hiện đại hóa và trang bị mới. Sau khi hoàn thành lần thử nghiệm thứ 10 trên biển, tàu được chuyển giao cho Hải quân PLA vào ngày 15-9-2012. Theo báo Want China Times của Đài Loan, trong tháng 11-2012, các chiến đấu cơ J15 của Trung Quốc đã hoàn thành việc cất và hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh.
Trong một diễn biến khác, theo đài NHK (Nhật Bản) ngày 20-1, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết ông sẽ yêu cầu xem lại cương lĩnh quốc phòng Nhật Bản giữa lúc Trung Quốc đang tăng cường hoạt động trong vùng biển gần Nhật Bản. Yêu cầu trên được đưa ra khi Thủ tướng Abe tham dự buổi lễ kết thúc sứ mệnh 17 năm gìn giữ hòa bình của Nhật tại cao nguyên Golan tổ chức tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Đề cập về an ninh xung quanh Nhật Bản, ông Abe nhận định tình hình trong những năm qua ngày càng nghiêm trọng và ông quyết tâm bảo vệ tính mạng, tài sản và lãnh thổ của nước Nhật, bao gồm đất đai, vùng biển và vùng trời. Thủ tướng Abe cũng nói về việc tăng cường cương lĩnh quốc phòng Nhật Bản và cho biết chương trình tăng cường quốc phòng trung hạn sẽ dựa trên cương lĩnh này.
Binh lính Trung Quốc “không hiểu về chiến tranh”
Nhật báo Giải phóng quân số ngày 20-1 đã đưa ra một loạt cảnh báo về những điểm yếu của quân đội Trung Quốc, được cho là bộc lộ rõ trong 3 cuộc tập trận gần đây ở Nội Mông.
Một trong những điểm yếu là các đơn vị hậu cần đã cung cấp lương thực cho các đơn vị chiến đấu dựa vào thời gian tập trận và số người tham gia nhưng không mang thêm lương thực dự trữ để đề phòng trường hợp thời tiết xấu. Quân đội đã sử dụng hết toàn bộ số vũ khí trong cuộc tập trận mà không tính đến trường hợp bất ngờ có phục kích hoặc các trường hợp khẩn cấp trên đường trở về. Tờ Giải phóng quân nhận xét: “Sau một thời gian dài hòa bình, binh lính hầu như không hiểu rõ về chiến tranh. Các bài tập luyện của họ không thực tế. Họ tập trận nhưng giống như đang trình diễn”. Những cảnh cáo này được đưa ra không lâu sau khi tướng Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cam kết huấn luyện một lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ chủ quyền và an toàn của đất nước khi cần thiết.
Theo nhà quan sát kỳ cựu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Hoàng Đông, những lời kêu gọi chuẩn bị cho chiến tranh ở nước này hiện ở mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan cuối những năm 1990.
Theo NLĐ
Bình luận (0)