Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc đổ tiền vào hàng không, vũ trụ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các quỹ đầu tư của Trung Quốc đang tung tiền mua cổ phần hoặc mua đứt các hãng công nghệ cao khắp thế giới, khiến người Mỹ và châu Âu thấy tiến thoái lưỡng nan trước nguồn tài chính kếch xù từ ông khách giàu có này.

Cảnh tượng lao động bên trong nhà máy của hãng Airbus tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: wired.com.
Khi giám đốc điều hành của hãng Airbus tìm kiếm vị trí để xây dựng một dây chuyền lắp ráp các máy bay chở khách tại Thiên Tân cách đây 7 năm, khu đất rộng lớn, bằng phẳng bên cạnh sân bay quốc tế Binhai chỉ là một bãi cỏ hoang.
Giờ đây Airbus, một hãng khổng lồ về hàng không vũ trụ tại châu Âu, đã có 20 tòa nhà lớn và xuất xưởng bốn máy bay A320 mỗi tháng tại đây. Phần lớn số máy bay làm ra được bán cho các hãng hàng không nhà nước Trung Quốc. Một nhà máy sản xuất tên lửa và một tổ hợp sản xuất máy bay trực thăng – cả hai đều sản xuất cho quân đội Trung Quốc – cũng xuất hiện bên cạnh cơ sở sản xuất của Airbus
Mức độ mở rộng nhanh của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ dân dụng và quân sự ở Thiên Tân phản ánh những tham vọng lớn hơn của Trung Quốc.
Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách thức mới để đầu tư 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, bao gồm việc mạnh dạn mở rộng các ngành công nghiệp có tiềm năng kinh tế to lớn, chính phủ Trung Quốc và các công ty nhà nước đã thực hiện những bước tiến mạnh dạn vào lĩnh vực dịch vụ tài chính và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Họ mua lại cổ phần của các hãng Morgan Stanley, Blackstone và mua các mỏ dầu và khí đốt trên khắp thế giới.
Công nghiệp hàng không vũ trụ là lĩnh vực mới nhất đối với Trung Quốc. Nước này đang nhắm đến các nhà sản xuất phụ tùng và nguyên vật liệu sản xuất, các doanh nghiệp cho thuê, các hãng hàng không vận tải hàng hóa và các doanh nghiệp khai thác sân bay.
Trung Quốc hiện đang cạnh tranh ngôi vị “thị trường máy bay dân sự lớn nhất thế giới” với Mỹ. Bắc Kinh hy vọng họ sẽ bắt đầu sản xuất máy bay dân sự ở trong nước.
Và ban lãnh đạo mới được bầu trong đại hội Đảng vào tháng 11 vừa qua đã công khai nhấn mạnh rằng tên lửa tầm xa và các chương trình hàng không vũ trụ khác nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của đất nước.
Việc các máy bay Dreamliner bị cấm bay tạo ra khó khăn cho tập đoàn Boeing, nhưng nó cũng có thể tạo ra cơ hội mới.
Các công ty của Trung Quốc có rất nhiều vốn và một số công ty Mỹ chào đón họ nhằm tạo thêm công ăn việc làm. Wall Street cũng rất háo hức với viễn cảnh hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên vào thời điểm các hoạt động sáp nhập khác giảm.
Âu, Mỹ lo ngại về an ninh
Washington đang cố hình dung những biện pháp mà họ phải áp dụng trước việc Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các ngành công nghệ cao.
Ông Michael R Wessel, một thành viên của Ủy ban Kiểm tra kinh tế Mỹ-Trung và an ninh, nói: “Nhiều cuộc giao dịch như thế gây ra những vấn đề an ninh quan trọng cho nước Mỹ… Quan tâm thúc đẩy các khoản đầu tư này của Trung Quốc không nhất thiết phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi, và kiểm tra kỹ lưỡng những giao dịch này là hoàn toàn thích hợp.”
Trong công nghiệp hàng không vũ trụ, các doanh nghiệp Trung Quốc có mối quan hệ sâu sắc với quân đội, gây thêm khó khăn cho các nhà kiểm soát luật của Mỹ.
Nhà thầu chính cho lực lượng không quân của nước này là công ty China Aviation Industry (AVIC) đã thành lập một quỹ đầu tư cổ phần tư nhân để mua các công ty có công nghệ lưỡng dụng cho cả dân sự và quân sự, với mục tiêu đầu tư đến 3 tỷ USD.
Trong năm 2010, AVIC đã mua lại quyền cấp phép ở nước ngoài cho loại máy bay nhỏ của công ty máy bay Epic của Bend, sử dụng các vật liệu tổng hợp từ sợi carbon có trọng lượng nhẹ nhưng bền. Các công ty thường sử dụng sợi carbon để sản xuất máy bay chiến đấu hiệu suất cao.
Các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương ở tỉnh Thiểm Tây, một trung tâm thử nghiệm và sản xuất máy bay quân sự của Trung Quốc, đã thiết lập một quỹ mua lại khác, có tầm cỡ tương tự. Tháng trước, một tập đoàn các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm cả quỹ Thiểm Tây, đã đạt một thỏa thuận trị giá 4,23 tỷ USD với Tập đoàn American International Group để mua lại 80% cổ phần của International Lease Corp, tập đoàn sở hữu đội máy bay chở khách lớn thứ hai thế giới.
Martin Craigs, một giám đốc điều hành trong lĩnh vực hàng không vũ trụ lâu năm ở châu Á và hiện là chủ tịch của Diễn đàn Không gian vũ trụ châu Á, cho rằng: “Luôn có sự giao thoa giữa ý tưởng, chuyên môn và tiền bạc giữa giới quân sự và dân sự ở Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng các công ty Trung Quốc đã tích cực thuê mướn các kỹ sư hàng không vũ trụ cao cấp của Mỹ và châu Âu. Vì vậy mối quan ngại về an ninh quốc gia có thể được hóa giải thông qua việc thuê đúng người.
Việc Trung Quốc thúc đẩy phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ trùng hợp với những mối lo ngại ngày một gia tăng ở phương Tây và khắp châu Á về các tuyên bố chủ quyền ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc, bao gồm việc cử các tàu chiến của họ đến các vùng biển nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, Philippines và Việt Nam từ lâu.
Thật là trùng hợp, mấy giờ sau khi công bố thỏa thuận với AIG, hai tàu khu trục hải quân và hai tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.
Kể từ đó, Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng cường chỉ trích công khai lẫn nhau. Chính quyền Obama đã bắt đầu " xoay trục" chiến lược, chuyển lực lượng quân sự từ Trung Đông trở lại phía tây Thái Bình Dương, một động thái mà các quan chức Trung Quốc chỉ trích.
Các cuộc đối đầu như vậy ở khu vực đang thu hút sự chú ý đối với các tham vọng làm ăn của Trung Quốc.
Trong tháng 10, một cuộc đấu thầu của một công ty có quan hệ với chính quyền Bắc Kinh để sở hữu quyền hoạt động các máy bay phản lực và cánh quạt của Hawker Beechcraft – một công ty đang phá sản ở bang Kansas- đã bị hủy vì liên quan đến những vấn đề an ninh ở Washington.
Các nhà quản lý thấy khó có thể phân biệt rõ những hoạt động dân sự với hoạt đọng quân sự trong số các vụ kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia về hàng không vũ trụ dự đoán rằng các nhà đầu tư và các công ty của Trung Quốc sẽ tìm ra cách để làm hài lòng các nhà làm luật Mỹ.
Chủ tịch Peter Harbison của Trung tâm hàng không CAPA, một công ty tư vấn hàng không vũ trụ toàn cầu, nhận định: “Những mối quan ngại rõ ràng và rất đúng đắn sẽ xuất hiện. Tuy nhiên nhu cầu thương mại khiến cho người ta có thể tìm được cách đi đường vòng.”
Các nhà môi giới Trung Quốc trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ hiểu được những mối quan ngại của Mỹ, một phần do họ theo dõi kinh nghiệm trong ngành công nghiệp tài nguyên thiên nhiên.
Năm 2005, tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc đã không thành công trong nỗ lực mua lại Unocal sau khi vấp phải sự phản đối chính trị mạnh mẽ. Sau đó, các công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc đã thận trọng hơn. Họ chỉ theo đuổi các cổ phần nhỏ tại Mỹ và hạn chế việc mua đứt hoàn toàn.
Các công ty của Trung Quốc giờ đây đang áp dụng một sách lược tương tự trong công nghiệp hàng không vũ trụ: Theo đuổi các dự án liên doanh và các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật song song với việc mua lại công ty. Thí dụ, AVIC đang đàm phán với công ty General Electric và các công ty hàng không khác của Mỹ về việc sản xuất loại máy bay chở khách dân dụng C919.
Bắc Kinh dự kiến máy bay C919 với thân hẹp là bước tiếp theo trong mục tiêu xây dựng một doanh nghiệp hàng không vũ trụ trong nước có khả năng cạnh tranh với hai hãng Boeing và Airbus.
Phòng ngừa và đường vòng
Các công ty phương Tây và cố vấn của họ nói họ nhận thức sâu sắc rằng chuyển giao công nghệ có thể giúp Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và phát triển các máy bay dân sự cạnh tranh hơn.Vì thế họ đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bí mật thương mại và an ninh quốc gia.
"Bạn có thể chuyển giao phần dễ sao chép về thiết kế nhất, hoặc dễ dàng tách cắt nhất", một luật sư có kiến ​​thức chi tiết về các giao dịch này cho biết.
Tuy nhiên nhiều người trong khu vực hàng không vũ trụ bi quan hơn. Ông Harbison thuộc Trung tâm hàng không vũ trụ CAPA nói: “Tâm lý chung cho là họ sẽ tìm được cách để đạt mục đích bằng nhiều cách, và chúng ta có lẽ cũng sẽ đạt mục tiêu cùng họ.”
Ban điều hành hãng Airbus nói rằng những chiếc máy bay A320 được sản xuất ở đây chứa đựng rất ít bí mật thương mại vì chúng được thiết kế từ năm 1986. Tổng giám đốc điều hành hãng Airbus ở Thiên Tân, Jean-Luc Charles, nói: “Máy bay A320 đã nổi tiếng thế giới.”
Các nhà máy chủ yếu lắp ráp các bộ phận được nhập khẩu từ châu Âu. Toàn bộ thân máy bay, được phủ lớp sơn bảo vệ màu xanh lá cây, được chở đến bằng tàu thủy từ thành phố Hamburg, Đức. Thậm chí cả những bộ phận như cầu thang máy bay và thang máy cũng có chỉ số giới hạn trọng lượng bằng tiếng Đức, còn các hộp dụng cụ được dán nhãn bằng tiếng Anh.
Charles nói rằng 95% số phụ tùng đó được nhập khẩu và rằng còn phải mất nhiều năm nữa thì số lượng linh kiện nhập khẩu mới bắt đầu giảm dần.
“Chúng tôi bắt đầu cho họ nhập khẩu từng thứ một. Nhưng mỗi thứ về cơ bản là một sản phẩm phức tạp”, ông nói
Theo Phạm Ngọc Uyển
vnexpress.net

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)