Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thủy điện miền Trung đối mặt hạn nghiêm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt hồ chứa thủy điện đang trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng dù đã phải chạy cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động hoàn toàn trong nhiều tháng qua. Dự báo ngành điện sẽ phải huy động nguồn điện giá cao, chạy dầu trong những tháng tới để đảm bảo cấp điện.

Hồ thủy điện cạn nước.
Hồ thủy điện cạn nước.

Nhiều thủy điện chạy cầm chừng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đình Bản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, dự báo còn kéo dài đến tháng 6 năm nay, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang trong cảnh “mất mùa” lũ. Cụ thể, với A Vương, từ 8/12/2015 đến nay công ty buộc phải ngừng vận hành hoàn toàn để tích nước. “Tính đến 10/3, mực nước trong hồ vẫn thiếu hụt hơn 4,6m so với quy định. Nhiều hồ thủy điện của ngành điện bị thiếu nước. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động và ngành điện phải chạy dầu để phát điện bù vào lượng điện thiếu hụt do các nhà máy thủy điện ngừng hoạt động”, ông Bản nói.

Theo ông Bản, với lượng nước về hồ chỉ đạt 8-10m3/s như hiện nay, nếu khả quan, dự kiến đến 21/3 thì Thủy điện A Vương mới đạt được mực nước theo đúng quy trình là 372,7m để đủ điều kiện quay trở lại vận hành. Còn nếu không phải chờ đến tận 1/ 4 mới được hoạt động trở lại. Nước về quá ít nên tính đến thời điểm ngày 10/3 mới đạt sản lượng 3,9 triệu kWh, đạt 0,74% kế hoạch được giao. 

Kế hoạch 539 triệu kWh sản xuất năm 2016 mà tập đoàn đặt ra sẽ không đạt được. “Hiện công ty ngừng hoạt động nhưng vẫn phải mất chi phí duy trì bộ máy. Nếu kéo dài thì phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho cán bộ công nhân viên trong thời gian ngừng hoạt động. Với tình hình này rất khó có thể ước tính hệ quả về mặt kinh tế đối với đơn vị do thời tiết được dự báo đến cuối quý II tới mới hết ảnh hưởng của El Nino”, ông Bản chia sẻ.

    “Với diễn biến thực tế như hiện nay, dự báo mùa khô năm nay ngành điện sẽ phải chạy dầu khoảng 2,5 tỷ kWh”.
    Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia

Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sê San Nguyễn Đăng Hà, năm 2016 công ty được giao sản lượng điện sản xuất là 1,341 tỷ kWh. Tuy nhiên, với nhận định tình hình thủy văn hiện nay thì khó đạt được sản lượng này. Trong 3 tháng qua, lưu lượng bình quân về hồ Sê San 4 liên tục sụt giảm. Tính đến ngày 9/3, mực nước hồ thủy điện Sê San 4 là 210 m bằng đúng mực nước chết. Hiện toàn bộ hồ Sê San 4 (Gia Lai) vận hành nhờ lượng nước xả từ hồ chứa thủy điện Pleikrông và Ialy xả về. Hồ thủy điện Pleikrông và Ialy hiện vẫn thấp hơn so với cao trình quy định 3 m và 3,3m so với mực nước cần thiết. Tính chung tổng lượng nước bị thiếu hụt của các hồ trên so với yêu cầu là 492,3 triệu m3, thiếu khoảng 28% dung tích yêu cầu phải dự trữ cho mùa cạn. 

“Dự báo lượng nước các hồ dự trữ không đủ để xả về hạ du theo yêu cầu là 195 m3/s trong mùa cạn. Công ty đã liên tục có văn bản gửi đến UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Gia Lai, Bộ TN-MT báo cáo về tình hình thiếu nước và đề xuất lưu lượng xả về hạ du để đảm bảo duy trì được dòng chảy đến hết mùa cạn”, ông Hà cho biết.

Tại Phú Yên, theo ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện sông Ba Hạ, đến nay lưu lượng nước về hồ chỉ bằng khoảng 35%-40% so với trung bình nhiều năm. Tính đến cuối tháng 12/2015 mực nước hồ chỉ đạt 102,65m. Do lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện không đảm bảo duy trì mực nước hồ theo quy định nên UBND tỉnh Phú Yên đã nhiều lần phải điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành của nhà máy theo hướng ưu tiên cấp nước cho sản xuất và nhu cầu đời sống của bà con.

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Tấn Triết cho biết, từ giữa tháng 9/2015, mực nước hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah đạt gần mực nước chết và tình hình không được cải thiện cho đến nay. Do nước về hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 rất thấp nên từ ngày 7/3 vừa qua, Công ty đã được cho phép tách các nhà máy ra khỏi thị trường điện, tạo điều kiện cho công ty chủ động hơn trong công tác đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô 2016. “Nếu khai thác hồ Buôn Tua Srah với lưu lượng xả 50 m3/s/ngày trong bối cảnh nước về hồ chỉ đạt 10 m3/s như hiện nay thì hồ chỉ duy trì được khoảng 3 tháng. Vì vậy, tình hình cấp điện cho mùa khô rất căng thẳng”, ông Triết nói.

Sẽ phải chạy dầu giá cao để đảm bảo cấp điện

Tại buổi làm việc về phương án cấp điện cho mùa khô mới đây với các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt các hồ trên địa bàn từ Thanh Hóa trở vào. Thống kê cho thấy tổng lượng nước về các hồ này thiếu hụt từ 40-60% so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ trong suốt mùa mưa không xuất hiện lũ. Đến nay nhiều hồ vẫn không thể tích lên mức nước dưới bình thường cũng như mức nước tối thiểu đầu mùa cạn theo quy định của quy trình điều tiết hồ chứa. A0 đã phải huy động cao các nguồn đắt tiền, hạn chế huy động các nhà máy thủy điện tích nước.

Thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có tới 27 hồ thủy điện lớn nhỏ ở khu vực miền Bắc đang trong tình trạng thiếu hụt nước nhiều chưa từng có. Trong đó có nhiều hồ thủy điện có lượng hụt lớn như: Lai Châu, Bản Chát; Sơn La; Hòa Bình; Thác Bà; Bản Vẽ …Nhiều nhà máy thủy điện đã phải dừng hoạt động. Trong đó như thủy điện Đại Ninh do không có lũ, lượng nước chứa trong hồ thấp hơn trung bình nhiều năm đến mức báo động. Tích ròng rã nhiều tháng trời qua mới đạt 39% lượng nước cần thiết để chạy máy.

Theo TPO

 

Bình luận (0)