Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vẻ đẹp tác phẩm văn học trong nhà trường: Quan niệm nghệ thuật mới trong Nhật ký trong tù

Tạp Chí Giáo Dục

Nhật ký trong tù (NKTT) của Hồ Chí Minh là tập thơ chữ Hán cuối cùng của nền văn học Việt Nam. Tập thơ thể hiện một sự khác biệt cơ bản với thơ chữ Hán cổ điển của Việt Nam và Trung Quốc ở nhiều phương diện.

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) trong tiết học môn ngữ văn lớp 12. Ảnh: T.L

Có thể thấy quan niệm mới về vai trò, vị thế, ý nghĩa và giá trị con người là vấn đề nổi bật nhất với nội dung cơ bản: Con người là trung tâm và con người là chủ thể trong mọi mối quan hệ với vũ trụ, tự nhiên và xã hội. Cái mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của NKTT có nguồn cội từ những kết tinh triết học, mỹ học phương Đông và chủ nghĩa Mác – Lênin ở Hồ Chí Minh; đồng thời từ những phẩm chất siêu việt cả về tư tưởng và nghệ thuật của chính tác giả.

NKTT ra đời lúc tư tưởng yêu nước và tư tưởng Cộng sản đã có sự kết hợp hài hòa trong tư tưởng của tác giả. Đó cũng là chặng đời mà trong con người Bác đã có sự kết tinh nhiều giá trị văn hóa cổ, kim, Đông, Tây sau một thời gian dài. Do vậy đứa con tinh thần này vừa là tư tưởng và cảm xúc vừa là tư duy nghệ thuật của Hồ Chí Minh đã thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới về con người rất đa dạng, phong phú nhưng cũng rất thống nhất; thấm đẫm chất triết học, nghệ thuật và nhân văn.

Trong thơ cổ điển Việt Nam và Trung Quốc nét nổi bật là cái nhìn “vũ trụ” đối với con người và cuộc đời. Các nhà thơ luôn thể hiện cái nhìn nghệ thuật về con người từ đặc điểm của vũ trụ và thiên nhiên. Ở NKTT, hình tượng con người đã có sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật và phương thức thể hiện. Ở đây vẫn có sự tiếp nối với những nét văn hóa truyền thống nhưng đồng thời lại mang những quan niệm mới mẻ, hiện đại và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin…

Hiểu và học tập cái nhìn, quan niệm nghệ thuật về con người trong NKTT không chỉ giúp người đọc hiểu thêm về cái hay, cái đẹp của tập thơ mà còn là một trong nhiều cách học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả và thiết thực. 

Do tính chất là một tập thơ chữ Hán nên ở NKTT, con người vẫn gắn với vũ trụ, thiên nhiên nhưng đã mang một quan niệm mới; thể hiện rõ nội dung xã hội, thời đại cụ thể (Buổi sáng, Giải đi sớm, Nắng sớm). Con người là trung tâm thể hiện rõ nhất ở chỗ hình ảnh con người chiếm phần lớn dung lượng trong tập thơ. Điều đó trước hết do nguyên nhân NKTT thiên về thể tài thơ ký sự, thơ sinh hoạt hàng ngày. Con người ở đây xuất hiện một cách cụ thể, xác thực trong mọi trạng thái rất vật chất của người tù: đói rét, giam cầm, ghẻ lở… Dường như tác giả muốn hướng đến sự trần trụi của nó để nói rõ hơn về con người từ các góc tiếp cận và phản ánh. Con người trung tâm luôn được thể hiện xuyên suốt trong tập thơ với một dụng ý nghệ thuật rõ ràng mà rõ nhất là qua bài thơ Chiều tối (Mộ). 

NKTT còn thể hiện rõ quan niệm con người là chủ thể. Điều đó được bộc lộ từ cách nhìn cho đến việc xây dựng và miêu tả hình tượng mới mẻ của tác giả. Quan niệm nghệ thuật đó thể hiện rõ sức mạnh của con người, sự tác động mang tính chủ động vào hoàn cảnh và chính bản thân mình để biến chuyển thay đổi thực trạng theo chiều hướng tích cực và tiến bộ. Đó chính là những điểm mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của NKTT so với văn học cổ điển và văn học dân gian. Không còn thuần toàn, nhất phiến và luôn là hệ quả của hoàn cảnh nữa mà con người đã có sự đan xen của các phần, các nét như tinh thần thể xác và tư tưởng, tình cảm, hành động. Đặc biệt quan niệm và cái nhìn nghệ thuật của tác giả tập thơ được thể hiện không phải trong những triết luận khô khan hay thiên về lí thuyết mà trong thực tiễn những cảnh ngộ xác thực. Do vậy sức thuyết phục của từng bài thơ và cả tập thơ rất cao (Bài thơ đề từ, Ốm nặng, Bốn tháng rồi). Con người là chủ thể đã vượt qua cảnh ngộ thực bi thảm của bản thân để hướng đến vạn vật, tìm trong đó những ý nghĩa triết học, nhân sinh mới mẻ và tích cực (Đáp thuyền đi huyện Ung Ninh, Nghe tiếng giã gạo). Đặc biệt là con người chủ thể luôn hướng đến tự do, ánh sáng và tương lai với nhiều hình thức và bút pháp nghệ thuật khác nhau (Không ngủ được, Giải đi sớm).

Chính vì quan niệm con người là chủ thể nên NKTT đã thể hiện sức mạnh tinh thần lớn lao của nhà thơ. Sức mạnh đó gắn liền với bản lĩnh nhận thức vật chất, mối quan hệ giữa các sự vật mang tính biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Hiểu và học tập cái nhìn, quan niệm nghệ thuật về con người trong NKTT không chỉ giúp người đọc hiểu thêm về cái hay, cái đẹp của tập thơ mà còn là một trong nhiều cách học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả và thiết thực.

TS. Hoàng Trọng Quyền
(Trường ĐH Thủ Dầu Một) 

Bình luận (0)