Hôm nay, 11-3, tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) đăng bài bình luận về sự kiện Triều Tiên hủy Hiệp định đình chiến với tựa đề: Ván cược của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un thị sát các đơn vị quân đội và tuyên bố Triều Tiên đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực.
Nội dung bài viết như sau:
Tối 5-3, Đài truyền hình Triều Tiên đã đưa tin người phát ngôn của Ủy ban quốc phòng Triều Tiên tuyên bố hủy “Hiệp định đình chiến Triều Tiên” ký năm 1953, ném “quả bom” gây chấn động cả cộng đồng quốc tế.
Một điều đáng chú ý là việc Triều Tiên lựa chọn thời điểm thông báo thông tin này vào lúc 7 giờ tối, xét ở một mức độ nào đó là gây sức ép “đánh đòn phủ đầu” cho cuộc hội nghị bàn về vấn đề trừng phạt Triều Tiên khi nước này thử hạt nhân lần thứ ba do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tổ chức diễn ra vào ngày 7-3.
Bình Nhưỡng có đạt được kết quả như mong muốn? Đây vẫn là một ẩn số, tuy nhiên có thể khẳng định rằng, hành động này sẽ làm tăng thêm biến số mới cho cục diện bán đảo Triều Tiên vốn đang rất căng thẳng, và Bình Nhưỡng cũng bắt đầu đi vào con đường đánh cược bằng vận mệnh quốc gia.
Giá trị và lỗ hổng trong “Hiệp định đình chiến”
Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết hồi tháng 7-1953 tại làng Panmunjeom – giới tuyến phân cách Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên bởi ba bên Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Hợp Quốc đứng đầu là Mỹ sau khi chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm mà không đạt được kết quả gì.
Hiệp đình đình chiến này có 3 ý nghĩa: Một là hai bên tham gia chiến tranh Triều Tiên chính thức ngừng bắn và đưa ra những quy định cụ thể trong vấn đề ngừng bắn đối với hai bên; Hai là xây dựng vùng đệm quân sự Panmunjeom ngăn cách giữa hai miền Triều Tiên rộng khoảng 4 km.
Đây được coi là khu vực phi quân sự để hai bên Triều Tiên, Hàn Quốc né tránh lửa đạn; Ba là xác lập quãng thời gian có hiệu lực khi các điều khoản trong hiệp định chưa được chỉnh sửa và bổ sung theo sự đồng ý của hai bên, từ đó tạo ra một hiệp định đình chiến “vô thời hạn”.
Xét về bối cảnh tại thời điểm đó, hiệp định này liên quan trực tiếp với việc cả hai quốc gia là Triều Tiên và Hàn Quốc đều không thể thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng sức mạnh của mình, đồng thời hai nước đứng sau Triều Tiên và Hàn Quốc là Trung Quốc, Mỹ đã phải trả giá quá đắt khi bị kéo vào cuộc chiến tranh này.
Chính vì vậy, dựa vào việc ký kết Hiệp định đình chiến để giảm bớt những thiệt hại tiếp theo là phù hợp với lợi ích của 4 bên. Tuy nhiên, bản thân hiệp định này lại tồn tại khá nhiều lỗ hổng.
Thứ nhất, vấn đề chủ yếu mà hiệp định này giải quyết là sự đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Triều Tiên với quân đội Liên Hợp Quốc đứng đầu là Mỹ, chính vì thế khi kí kết, sự vắng mặt của Hàn Quốc đã gây ra nhiều tranh cãi khi thực hiện Hiệp định này.
Seoul đã nhiều lần lấy cớ không ký tên vào Hiệp định đình chiến và liên tục thể hiện lập trường cứng rắn với Triều Tiên, quốc gia này cũng tỏ ra rất tự do khi tham gia các cuộc tập trận quân sự với Mỹ, điều này đã khiến Bình Nhưỡng đưa ra kết luận rằng Hàn Quốc đã đi ngược lại tinh thần “đình chiến”, từ đó khiến hai bên mất đi niềm tin với nhau.
Thứ hai, hai bên ký hiệp định không thể trở tiếp tục trở thành người thực thi hiệp định. Mặc dù dư luận quốc tế luôn cho rằng Trung Quốc và Mỹ không ngừng quan tâm đến bán đảo Triều Tiên, nhưng một điều không thể phủ nhận là kể từ năm 1953, sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết, hai quốc gia này không thể hiện vai trò của người thực thi hay giám sát hiệp định một cách liên tục.
Một thời gian dài sau khi ký kết hiệp định, cả Trung Quốc và Mỹ đều không đặt bán đảo Triều Tiên vào vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của mình.
Sau khi ổn định được phương Bắc, dần dần Trung Quốc tập trung cho hoạt động phát triển kinh tế trong nước, rồi sau đó tập trung vào vấn đề lãnh thổ và chủ quyền ở phía Nam. Còn Mỹ thì không ngừng mở rộng tầm nhìn chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vượt xa bán đảo Triều Tiên.
Điều này khiến cho mỗi khi Hàn Quốc lấy cớ không ký tên và “kích nộ” Triều Tiên, đã thiếu hẳn một cơ chế giám sát ở vòng ngoài yêu cầu hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc tuân thủ khung hiệp định đình chiến.
Thứ ba, Bình Nhưỡng biến hiệp định thành công cụ để thực hiện “sức mạnh mềm” của mình. Mặc dù 3 bên tham gia ký hiệp định, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều không phải là người thực hiện hiệp định, Triều Tiên là bên duy nhất đóng vai trò chủ đạo trong hiệp định này.
Điều này đã khiến Bình Nhưỡng tìm được kẽ hở để duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ: vừa lấy danh nghĩa tình hữu nghị Triều Tiên – Trung Quốc và hiệp định cùng ký kết để tìm kiếm sự viện trợ từ phía Bắc Kinh, đồng thời lại dùng hiệp định để đe dọa Mỹ.
Triều Tiên tự kéo mình vào vùng lầy?
Tháng 5-2009, Triều Tiên lấy li do Hàn Quốc chính thức tham gia vào Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí (PSI) do Mỹ khởi xướng, đẩy cục diện bán đảo Triều Tiên vào “tình trạng chiến tranh”, tuyên bố sẽ không chấp nhận sự trói buộc của hiệp định đình chiến. Sau khi hiệp định này mất hiệu lực, bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại với tình trạng chiến tranh như xưa, quân đội Triều Tiên sẽ áp dụng các chiến dịch quân sự tương ứng.
Nói cách khác, xét về lý, kể từ tháng 5-2009, Hiệp định đình chiến đã mất đi người thi hành thực sự. Nhưng một điều thú vị là, lúc đó Bình Nhưỡng đã khéo léo lấy danh nghĩa “không chấp nhận sự trói buộc” để tránh cho hiệp định mất toàn bộ hiệu lực.
Tuy nhiên, lần này việc Bình Nhưỡng tuyên bố không thừa nhận hiệp định đình chiến lại có bối cảnh hơi khác với năm 2009. Sau khi hoàn thành vụ thử hạt nhân lần thứ ba, hai nước Mỹ và Hàn Quốc đã thể hiện rõ lập trường cứng rắn với Hàn Quốc.
Ý định dùng hiệp định để “bắt chẹt” Mỹ và Hàn Quốc – quốc gia vốn không ký tên trên hiệp định của Triều Tiên dường như không có tác dụng lớn. Vậy việc lấy một hiệp định “hữu danh vô thực” ra để dọa nạt dường như là nhằm vào chính Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ phía Mỹ, chính phủ nước này đã đạt được nhận thức chung rất với các bên bao gồm cả Trung Quốc về vấn đề trừng phạt Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã công khai ủng hộ việc trừng phạt một cách thích đáng đáng này để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Động thái này rất ít khi xảy ra ở Trung Quốc – quốc gia nhiều năm qua vốn luôn âm thầm dung túng Triều Tiên “gây chuyện thị phi”.
Trung Quốc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng là yếu tố quan trọng để ngành công nghiệp phía Bắc Trung Quốc được an toàn. Huống hồ Trung Quốc lại luôn cho rằng mình là nước lớn cần có trách nhiệm với nền hòa bình của thế giới, thường xuyên phải “đỡ đạn” cho những hành vi bị Mỹ liệt vào “quốc gia khủng bố”.
Rõ ràng điều này không phù hợp với mục tiêu chiến lược quốc tế của Trung Quốc. Chính vì vậy, phản ứng của Trung Quốc trong vấn đề này cũng là điều dễ hiểu, và nó cũng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.
Tuy nhiên đối với Triều Tiên, e rằng quốc gia này sẽ phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn do Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, thậm chí cả Nhật Bản liên kết tạo nên, đây là cục diện mà hai cựu lãnh đạo Triều Tiên trước đây là Kim Nhật Thành và Kim Jong Il luôn nỗ lực né tránh.
Chính vì những lý do trên, trong thời điểm này việc Bình Nhưỡng tuyên bố không thừa nhận hiệp định đình chiến đã không còn có ý nghĩa. Hành động này không chỉ là việc chơi bài ngửa với Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn trực tiếp gây sức ép cho Trung Quốc bằng những hành động rầm rộ chuẩn bị nổ súng bất cứ lúc nào.
Với vai trò là “chốt an toàn” duy trì nền hòa bình và sự ổn định cho bán đảo Triều Tiên hơn nửa thế kỷ, nhưng hiệp định đình chiến ký kết năm 1953 sau khi bị Triều Tiên phá chốt hết lần này đến lần khác, cục diện bán đảo Triều Tiên vốn rất mong manh đang phải đối mặt với mối nguy hiểm mới.
Trong lúc các bên đều chưa thể dự đoán cái giá mà mình phải trả trong vòng đua tới, làm thế nào để duy trì hiện trạng, tránh cho khủng hoảng leo thang đã trở thành thước đo đánh giá trí tuệ và sự nhẫn nại của các bên.
Theo TPO
Bình luận (0)