Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tan vỡ gia đình vì vợ ham đỏ đen

Tạp Chí Giáo Dục

Xưa nay, máu đam mê các trò cờ bạc, đỏ đen thường được gán ghép cho cánh đàn ông, thế nhưng, có không ít người phụ nữ lại mang trong mình “dòng máu” này mà quên cả trách nhiệm của người vợ, người mẹ khiến hạnh phúc gia đình bị đe dọa.

Một cảnh cờ bạc công khai tại Hà Nội trong dịp Tết Bính Thân vừa qua. Ảnh: V.V

Sau chuyến đi công tác xa, về tới nhà, thấy “cửa đóng then cài”, bếp núc lạnh tanh, anh Nguyễn Tuấn (nhà ở một khu dân cư trong thị trấn ở Hà Nội), không khỏi suy nghĩ, vì giờ này đã là 11 giờ trưa, lại là ngày thứ bảy, lẽ ra vợ anh đang lo việc bếp núc, cơm nước cho gia đình. Anh lên tiếng gọi, chỉ thấy đứa con trai đầu chạy xuống cho biết: “Mẹ đi vắng, trưa nay mẹ mua cơm hộp cho hai anh em con ăn”. Anh hỏi thêm con thì được biết: “Dạo này, mẹ rất ít khi ở nhà, mẹ hay sang nhà cô Thu chơi, những hôm bọn con đi học, ăn cơm ở trường thì mẹ ăn luôn ở bên nhà cô ấy”. Biết vợ lại sang nhà cô bạn “sát phạt đỏ đen”, anh tức tốc đến ngay nhà cô bạn ấy. Đến nơi, anh không bấm chuông mà gọi điện thoại cho vợ: “Cơm chín chưa em, 30 phút nữa anh về tới nhà nhé”. Bên kia đầu dây vợ anh ấp úng: “Hôm nay anh về nhỉ, em quên mất… Ngày nghỉ ba mẹ con ngủ nướng nên giờ em mới nấu cơm đây”. Tắt điện thoại xong, anh Tuấn vẫn đứng ngoài cửa đợi, 3 phút sau vợ anh vội vàng dắt xe ra từ nhà cô “bạn quý”. Vừa ra tới cổng, chị bất ngờ hoảng hốt khi giáp mặt chồng. Chị cũng không ngờ, người chồng vốn hiền lành, nhẫn nhịn như anh lại vung tay tát vào mặt chị trước mặt bạn bè cùng những lời lẽ nặng nề.

Vợ chồng anh Tuấn cưới nhau được 10 năm và có hai con trai. Làm việc trong ngành xây dựng nên hàng tháng anh Tuấn có những chuyến đi xa theo công trình liên miên. Nhờ khoản thu nhập khá của chồng nên chị Hương, vợ anh không phải đi làm mà ở nhà chăm lo cho gia đình, con cái và mở cửa hiệu tạp hóa, gọi là có việc làm cho đỡ buồn. Nhưng “Nhàn cư vi bất thiện”, từ chỗ bán hàng, gặp những bà “nội trợ” lâu ngày thành khách hàng thân thiện rồi rủ nhau “lên sới”. Anh Tuấn đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chị luôn bao biện: “Em chỉ chơi cho vui, giải trí là chính thôi”, anh cho qua. Thế nhưng, anh Tuấn không ngờ vợ mình lại lấn sâu vào vòng đỏ đen đến nỗi hơn một năm trước phải bán cả quầy tạp hóa và một miếng đất để trả nợ “bài bạc” cho vợ. Dẫu vậy, anh Tuấn cũng đã tha thứ, với cam kết của vợ là sẽ từ bỏ thói xấu này. Thế mà bây giờ vợ anh lại “ngựa quen đường cũ”, nên anh Tuấn chọn cách đưa hai con về nhà ông bà nội và kiên quyết ly hôn. Lúc này, chị Hương tỉnh ngộ, năn nỉ họ hàng hai bên khuyên bảo để vợ chồng hàn gắn, nhưng đã muộn bởi anh Tuấn không thể chấp nhận một người phụ nữ đoảng đời, máu mê cờ bạc và không nhận biết lỗi lầm để sửa chữa mà ngày càng dấn sâu vào.

Cũng có vợ mê bài bạc như anh Tuấn, anh Lê Văn Hùng, nhà ở một huyện ngoại thành Hà Nội cũng lâm vào tình cảnh trớ trêu đầy khốn khổ. Anh Hùng làm buôn hàng chuyến chạy tuyến Bắc – Nam nên thường xuyên vắng nhà, có khi cả nửa tháng, thậm chí cả tháng trời mới về nhà một lần. Khi biết vợ tham gia vào các cuộc sát phạt đỏ đen, anh đã nhẹ nhàng khuyên bảo, cũng như có các biện pháp ngăn cản như: Chỉ đưa vợ đủ số tiền chi tiêu trong khoảng mươi ngày, rồi sau đó đưa tiếp. Nếu khi nào anh chưa kịp về mà vợ ở nhà hết tiền chi tiêu, anh gọi điện cho bố mẹ nhờ mang sang cho vay một ít tiêu tạm đến khi anh về sẽ trả sau. Tiền tích cóp, mọi vốn liếng của gia đình do anh giữ, tuy không bằng lòng nhưng Liên, vợ anh cũng phải “cắn răng chịu”. Thêm vào đó, để quản lý vợ, mỗi lần xa nhà, anh Hùng luôn dặn đứa con lớn “canh chừng” mẹ. Biết vậy, chị Liên mua chuộc con bằng cách cho con tiền đi chơi game. Thế là từ đó, mỗi lần cần tiền đi chơi, nếu mẹ không cho, nó lại dọa “mách bố”.

Nếu có tiền, có điều kiện kinh tế rồi sinh ra “dửng mỡ” và đánh bạc như chị Hương, chị Liên ở trên thì còn là một nhẽ, đằng này vợ anh Nguyễn Văn Nam, là chị Bảy, ở một xã thuần nông ven đô khác lại cũng “ngấm” máu đỏ đen, mặc dù gia đình nghèo túng, đến nỗi gạo ăn hàng ngày cũng vẫn phải chạy từng bữa. Anh Nam vốn là thợ hồ, thu nhập cũng chỉ trăm hơn, trăm kém cho một ngày công lao động. Vì việc nhàn hạ, ngay cửa nhà nghỉ lại có cái quán nước kiêm ghi bán số đề, và mặc dù chị Bảy chưa bao giờ đánh lô đề, nhưng tiếp xúc lâu ngày với nhiều người thường xuyên chơi loại hình cờ bạc này nên chị đã dần đam mê khi mỗi ngày chỉ là chơi thử dăm ba mươi ngàn đồng. Càng chơi chị càng dấn sâu vào khiến cho số nợ bị chồng chất lên tới cả vài trăm triệu đồng. Chuyện vỡ lở ra, chồng biết được và dẫu chồng chị đã “cứu” chị 1 lần khi tha thứ bằng cách bán nửa mảnh đất để trả nợ cho vợ với mong muốn chị từ bỏ cờ bạc. Thế nhưng, chỉ được thời gian ngắn, ngựa quen đường cũ, chị Bảy lại dấm dúi chơi lô đề lại và lần này số nợ còn gấp đôi cả lần trước. Đến nước này thì anh Nam chồng chị đã nhất quyết làm đơn ra tòa để đường ai nấy đi bởi anh không bao giờ có thể chấp nhận và chịu đựng được một người vợ hư hỏng phá gia chi tử như vậy.

Nguyễn Thị Loan (Học viện Thanh thiếu niên)

Bình luận (0)