Đã nhiều cái Tết, tôi nhận được rất ít tin nhắn chúc Tết của học trò! Hỏi các đồng nghiệp khác, sự việc cũng tương tự. Một dòng tin nhắn chúc mừng năm mới, chúc thầy cô an khang, hạnh phúc của học trò sao thời nay mà hiếm hoi đến thế? Thuở còn thiệp Tết, tôi gửi tới những thầy cô, bạn bè; những người từng giúp đỡ mình, những người mình từng mang ơn để tỏ lòng tôn kính, nhớ ơn… Không cần “mâm cao cỗ đầy”; không cần những món quà đắt giá mà chỉ cần tấm lòng; chỉ cần một dòng tin nhắn là đủ ấm lòng thầy cô khi xuân về Tết đến!
Có thể đây là một hiện tượng xã hội khi những giá trị đạo đức truyền thống đang ngày càng bị mai một, nhòa mờ dần trong nền kinh tế thị trường chăng? Hay đây là “kết quả” của một quá trình giáo dục trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội?
Biết ơn người khác (không riêng gì người thầy dạy dỗ, truyền đạt kiến thức) là một nét đẹp truyền thống trong đối nhân xử thế có từ lâu đời của cha ông ta xưa. Những giá trị nhân văn đó vẫn còn sức lan tỏa, vẫn còn sức sống trong tâm hồn mỗi con người. Có thể các em chăm chú hàng giờ liền trên mạng, trên facebook để trò chuyện, trao đổi với nhau nhưng các em không tự nhớ mình phải dành vài ba phút; soạn tin nhắn chúc Tết để gửi tới thầy cô trong ngày Tết cổ truyền!
Vai trò của gia đình ở đây cũng rất quan trọng. Nhắc nhở con cái những việc cần làm trước ngày Tết, trong ngày Tết và sau ngày Tết. Một tin nhắn gửi tới người thân, gửi tới thầy cô không đáng giá bao nhiêu nhưng tình thì rất nặng! Giáo dục con cái lòng biết ơn cha mẹ, ông bà; biết ơn thầy cô, biết ơn người khác cũng là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, chứ không riêng gì công việc của nhà trường.
Những thế hệ học sinh thiếu sự sẻ chia, thiếu sự đồng cảm (nếu không muốn nói là vô cảm) lần lượt được tung vào xã hội. Sự dửng dưng với bản thân, với người thân, với thầy cô của một bộ phận học sinh là một thực trạng có thật, cần được các nhà khoa học nghiên cứu, lý giải. Phải chăng con người hiện nay sống vô cảm cũng bắt nguồn nguyên nhân từ đây, từ sự giáo dục trong nhà trường?
Đã 35 năm trong nghề dạy học, tôi thấy ngay cả bản thân thầy cô giáo; cũng coi việc đó là bình thường! Học trò nhớ mình thì các em nhắn tin, không nhớ thì thôi, không ai ép các em làm việc đó! Nhưng quý thầy cô hãy tự nhìn lại: Mình dạy học sinh lòng biết ơn như thế nào để bây giờ các em thờ ơ, lãnh đạm với người từng “khai trí” cho mình trong những năm cắp sách tới trường?
Thạch Hoài Lam
Bình luận (0)