Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhân lực ngành logistics khủng hoảng thiếu do thiếu bài bản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhóm ngành logistics đang tăng gần 40% so với năm 2014, trở thành nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng “nóng” thứ hai sau công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp đang “lùng sục” tìm nhân sự thông thạo về logistics. 

Lương cao vẫn thiếu người

Logistics trên thế giới hiện nay được xác định là một ngành công nghiệp dịch vụ. Tại Việt Nam, các chuyên gia tính toán, hàng năm các doanh nghiệp phải tiêu tốn chi phí tương đương 25% GDP cho dịch vụ logistics. Năm 2014, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các công ty nước ngoài vào đầu tư. Là ngành có tính mới mẻ song nhu cầu nhân lực logistics đang tăng rất nhanh, không  chỉ  có  ở  các  nhà  cung  cấp  dịch  vụ mà còn ở hầu hết mọi ngành công nghiệp, thủy hải sản, thương mại, dịch vụ khác.

Theo Viện Nghiên cứu và phát triển logistics (Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam), hai yếu tố được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong quá trình tuyển dụng nhân sự logistics là kinh nghiệm và năng lực thực tế. Yêu cầu bắt buộc ở đa số các vị trí là phải biết tiếng Anh. Tại Công ty tư vấn CEL Việt Nam, những ngày cuối năm 2015, công ty đang tuyển nhân sự cấp cao về phát triển kinh doanh – dịch vụ logistics với yêu cầu đặt ra có 5 năm kinh nghiệm. Cùng với khả năng sử dụng lưu loát tiếng Anh, ứng viên được yêu cầu phải thông thạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng, có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề tốt. Tương tự, một tập đoàn về ngành giải khát đang tuyển trợ lý giám đốc logistics cũng đòi hỏi ứng viên phải phát triển những ý tưởng mới, sáng tạo để cải thiện và tối đa hóa hiệu quả của bộ phận.

Sinh viên các trường đại học trên địa bàn TPHCM tìm hiểu về ngành logistics trong cuộc thi Logistikas 2.0 – Kết nối đam mê logistics 2015

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), cho biết hiện có ít nhất 300.000 doanh nghiệp trong cả nước tham gia vào lĩnh vực logistics, với khoảng 1,5 triệu người lao động làm nghề logistics. Trong đó, TPHCM chiếm khoảng 40%. Nhu cầu tuyển dụng của ngành này đang tăng 40% so với năm 2014 và hơn 83% các vị trí tuyển dụng có mức lương từ 5 – 10 triệu đồng. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2015, nhu cầu tuyển dụng ngành vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu tăng đột biến tới 66%, đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng trong các ngành nghề ở thành phố. Các doanh nghiệp cần nhiều lao động ở các vị trí như nhân viên chứng từ – thủ tục hải quan (đường biển/hàng không), xuất nhập khẩu, thu mua, điều hành – quản lý kho… Đồng thời, cần nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề ở các vị trí như: lái xe các phương tiện vận tải nặng, phụ kho, nhân viên giao hàng…

Theo Falmi, từ nay đến năm 2020, các nhóm ngành kinh tế trong đó có logistics ở TPHCM có nhu cầu đến 25.000 lao động. “Ngành logistics là xu hướng phát triển, tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung song nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Hiện hàng ngàn doanh nghiệp đang rất lúng túng khi tìm kiếm người làm trong lĩnh vực này”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Nhiều thách thức

Một trong những thách thức lớn nhất của ngành logistics, theo ông Trần Chí Dũng (Viện Nghiên cứu và phát triển logistics), là cả nước phải đào tạo chuyên  nghiệp  đẳng  cấp quốc  tế  ở  hầu  hết  mọi  trình độ,  với  số lượng  lớn  mấy chục  ngàn  người  trong  thời gian chưa đầy 10 năm. Trong khi đó, nhận  thức  chung  của  xã  hội  đối  với ngành nghề chưa cao; đa số học sinh, sinh viên, người lao động chưa có khái niệm cụ thể về logistics. Các cơ sở đào tạo thiếu  kinh  nghiệm  tổ  chức  quản  lý  đào tạo,  dạy  nghề ở ngành  nghề  mới,  có tính quốc tế cao như logistics.

Khảo sát cho thấy, Trường Đại học Kinh tế TPHCM đến nay chưa mở ngành chính quy về logistics. Đại học Hàng hải (Hải Phòng) đã mở trung tâm đào tạo logistics từ năm 2010 nhưng chủ yếu đào tạo các khóa ngắn hạn. Trường mạnh về thương mại quốc tế như Đại học Ngoại thương (Hà Nội và cơ sở 2 TPHCM) cũng chưa có ngành chính quy về logistics… Điểm yếu chung trong đào tạo nhân lực ngành logistics là các cơ sở phải thực hiện đầu tư gần như từ đầu do tính mới mẻ của ngành logistics tại Việt Nam. Các cơ sở đào tạo thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy nghề có chứng chỉ quốc tế. Thiếu gần như toàn bộ các chương trình đào tạo chuyên ngành được cập nhật, thẩm định và chứng nhận bởi các tổ chức chuyên môn có uy tín. Đến nay, cũng chưa có hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng làm cơ sở cho các chương trình đào tạo. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, các trường trong cả nước đã không chú trọng đào tạo ngành logistics nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về lao động. Tại nhiều nơi, hoạt động đào tạo logistics đang diễn ra tự phát, chưa có biện pháp quản lý chất lượng. Hơn 80% doanh nghiệp phải tự đào tạo nhân lực logistics và về lâu dài, bản thân doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược phát triển nhân lực ngành này.

Theo Viện Nghiên cứu và phát triển logistics, các doanh nghiệp đang đánh giá rất thấp về trình độ nhân lực logistics hiện trạng, chỉ đạt mức trung bình 5 điểm về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học. Hơn 80% doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất khi tuyển dụng là lực lượng lao động yếu ngoại ngữ. Ông Trần Chí Dũng nhận xét, đây là thực trạng đáng báo động, do ngoại ngữ và tin học là hai yếu tố rất quan trọng đối với việc phát triển các chuyên môn logistics tiêu chuẩn thế giới. “Cần sớm khép lại khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Việc tạo thế chủ động trong điều hành phát triển dịch vụ logistics – ngành đang có tốc độ tăng trưởng 25%/năm và đã đóng góp hơn 20% GDP của cả  nước – bằng quy hoạch cụ thể cho ngành là việc cần thực hiện ngay”, ông Trần Chí Dũng góp ý.

MẠNH HÒA/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)