Bài viết Học sinh trường nghề ngán học văn hóa (trên Báo Thanh Niên) ra ngày 5.12 đã phản ánh chính xác và rất ý nghĩa trong bối cảnh có nhiều bất cập về việc đào tạo của các trường nghề, TCCN của ta hiện nay.
|
Là những người trực tiếp giảng dạy cho những học sinh này nhiều năm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Có nhiều trường tuyển đầu vào với số lượng hàng trăm học viên nhưng khi ra trường thì chỉ còn vài chục người. Ở nhiều trường, người học rơi rụng dần trong quá trình học… Để cứu nguy cho tình cảnh “đầu voi, đầu chuột” này, đòi hỏi phải có một tầm nhìn vĩ mô, toàn diện và có các quy định, quy chế hợp lý hơn.
Cần nhìn nhận rằng phần lớn học sinh trường nghề có lực học rất hạn chế, số đông là học sinh yếu. Họ chọn theo học hệ này là không có điều kiện vào học các trường có yêu cầu năng lực cao hơn. Mục đích học của họ là muốn có một nghề ổn định. Nhưng nhìn vào yêu cầu của việc học văn hóa, thì có thể thấy chương trình học dành cho đối tượng này là quá nặng.
Có trường liên kết đào tạo với một trung tâm GDTX để dạy văn hóa. Nếu nhìn vào nội dung chương trình học thì không khác gì một học sinh bình thường học ở hệ GDTX. Thậm chí khi học xong chương trình lớp 12, học sinh phải tham dự kỳ thi chung THPT quốc gia để có điều kiện tốt nghiệp. Vì thế trong quá trình học và thi cử, người học đuối sức. Từ đuối sức việc học dẫn đến chán nản, rồi vi phạm kỷ luật. Có người tự nghỉ học, một số không nhỏ bị buộc thôi học sớm… Rồi lại phải tìm nghề khác để theo học lại từ đầu. Rõ ràng đây là sự lãng phí rất lớn trong đào tạo.
Theo dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 thì đào tạo nghề cho học sinh sau khi học xong THCS là một trong 3 hướng đi quan trọng cho người học lựa chọn. Nhưng nhìn vào bức tranh của hệ đào tạo này hiện nay thì xã hội thiếu lòng tin vào hướng đi này.
Vì thế, nếu không muốn bị lãng phí thời gian và tiền bạc, muốn hoạch định trên dự thảo hiệu quả thì ngay bây giờ cần có một quy định chung, thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu. Cần giảm nhẹ yêu cầu về việc học văn hóa, tăng cường học kiến thức tay nghề chuyên môn cho người học…
Ngọc Tuấn/TNO
Bình luận (0)