Để những tiết sinh hoạt dưới cờ không còn là nỗi ám ảnh học sinh, nhiều trường nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thú vị, ý nghĩa, hấp dẫn với cả thầy và trò.
Cần biến thành “sân chơi” của học sinh
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) vài năm gần đây đã biến những buổi giáo huấn khô cứng trong giờ sinh hoạt dưới cờ thành những buổi sinh hoạt tập thể vui tươi, bổ ích.
Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng, cho biết: “Mỗi năm có 36 giờ sinh hoạt đầu tuần. Trường có 6 tổ chuyên môn, mỗi tổ đăng ký 3 chuyên đề, thực hiện trong 3 – 6 buổi. Thầy cô viết kịch bản, lên chương trình, học trò dẫn từ đầu đến cuối. Hình thức thực hiện rất đa dạng, từ tiểu phẩm tới hát hò, hỏi đáp…”.
Bà Phương Anh phân tích: “Ví dụ, chủ đề tuổi trẻ và mùa xuân có phần thi, hỏi về một số tấm gương tuổi trẻ. Phần hai là hùng biện, trình bày về tấm gương các em yêu thích. Rồi hát. Rất nhẹ nhàng thôi, nhưng lại vui vẻ hào hứng. Chứ cứ lên mà thuyết giảng học sinh sẽ chán”. Trường chi cho mỗi buổi sinh hoạt từ 2 – 4 triệu đồng, lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Trường THCS Thân Nhân Trung, Bắc Giang, cũng kết hợp với Ðoàn thanh niên xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch chi tiết triển khai theo chủ đề, chủ điểm. Trường chủ động lồng ghép các tiết mục văn hóa nghệ thuật dân gian như: chèo, quan họ, ca trù, diễn kịch hoặc phần thi đố vui, hái hoa dân chủ với nội dung xoay quanh nhiều môn học như toán, văn, lịch sử, ngoại ngữ…
Giờ sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) từ lâu đã được học sinh (HS) háo hức chờ đợi vì mỗi tuần là một bất ngờ thú vị. Sau phần nghi lễ, buổi sinh hoạt thực sự trở thành sân chơi của HS.
Do trường có nhiều CLB khác nhau nên mỗi CLB sẽ luân phiên đảm nhận các hoạt động sinh hoạt từ xây dựng kịch bản đến dẫn chương trình. Khi ấy, tất cả thầy cô giáo sẽ ngồi ở vị trí khán giả, cổ động viên hoặc là “người chơi” nếu bất ngờ “bị” HS gọi đến. Buổi sinh hoạt này luôn đa dạng gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hoặc các trò chơi, đố vui hoặc đơn giản là một điệu nhảy flash mob mà tất cả HS toàn trường đều tham gia nên hấp dẫn HS.
Sinh hoạt kỹ năng, chuyên đề học tập…
Ông Ngô Đức Kỳ, trợ lý thanh niên Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM), nhìn nhận có nhiều HS rất nản tiết sinh hoạt dưới cờ. “Chính vì thế, ban giám hiệu và Đoàn trường đã nghĩ đến việc phải làm sao đổi mới để HS hứng thú hơn”, ông Kỳ nói thêm.
Vì vậy, trường thường tổ chức các trò chơi đố vui để học, trò chơi dân gian. Mời các chuyên gia tâm lý, giáo dục đến để trò chuyện về các chuyên đề như: văn hóa Facebook, kỹ năng thoát hiểm, tâm sinh lý bạn trẻ… để HS có thể học được những kỹ năng.
Việc mời các chuyên gia dạy các kỹ năng vào những giờ sinh hoạt dưới cờ cũng là cách mà nhiều trường tại TP.HCM như: THCS Ngô Tất Tố (Q.Phú Nhuận), THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), THPT Lê Quý Đôn (Q.3)… đang áp dụng.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.3, TP.HCM chia sẻ: “Tuy chưa thay đổi được hoàn toàn nhưng trường đang cố gắng lồng ghép các buổi nói chuyện chuyên đề hoặc các tiết mục văn nghệ trong sinh hoạt dưới cờ để tránh sự nhàm chán cho các em”.
Ông Văn Thành Minh Trung, trợ lý thanh niên Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1), cho biết trường phối hợp cùng các chuyên gia hướng dẫn HS những chuyên đề như: kỹ năng giao tiếp, xây dựng ước mơ, sử dụng mạng xã hội thông minh… Ngoài ra, các tổ chuyên môn cũng tổ chức cuộc thi với những hoạt động khác nhau.
Còn tại Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, thì những giờ sinh hoạt dưới cờ không còn cảnh giáo viên nói và HS ngồi nghe. Thay vào đó, suốt thời gian qua, trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi: dẫn chương trình, an toàn giao thông, nhảy, tìm hiểu về HIV-AIDS… Ông Bạch Trọng Nhân, trợ lý thanh niên Trường THPT Gia Định, giải thích: “Chúng tôi muốn HS đỡ nhàm chán, cảm thấy hứng khởi hơn, thích thú hơn. Chính những sự thay đổi này đã giúp HS không còn chán ngán”. Ông Trung thông tin khi khảo sát về việc đổi mới như vậy, rất nhiều HS chia sẻ cảm thấy rất thích thú, mặc dù hết 45 phút vẫn cảm giác mong giờ sinh hoạt dài hơn.
Trương Minh Thành, HS lớp 11 Trường THPT Võ Trường Toản, nhìn nhận: “Chính việc được vui chơi, tham gia các cuộc thi, được học các kỹ năng nên không có cảm giác nặng nề”.
Nguyễn Hải Đăng, HS lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), kể: “Mỗi tháng trường thay tiết chào cờ bằng tiết ngoại khóa.
Các lớp sẽ dàn dựng vở kịch liên quan đến môn học. Các bạn rất chờ đợi vì rất vui, sôi nổi, thiết thực và để lại nhiều kỷ niệm”.
Thay vì phê phán thì kể câu chuyện đẹp
Tiến sĩ Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác HS, sinh viên, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Đáng tiếc là nhiều trường vẫn còn quan tâm chủ yếu đến học các môn văn hóa trên lớp hơn là tổ chức tham gia các hoạt động giáo dục, rèn luyện văn hóa, dẫn đến tình trạng lúng túng, ít chủ động, sáng tạo để tìm ra hình thức giáo dục hấp dẫn, phù hợp”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, nêu ý kiến: “Hoàn toàn có thể tận dụng những buổi sinh hoạt dưới cờ để chia sẻ các tin tức thời sự nóng hổi của đất nước cho HS THPT, giúp các em tiếp cận những thông tin chuẩn xác nhất, từ đó bồi đắp cho các em ý thức, trách nhiệm công dân…”.
Theo ông Tùng Lâm, cũng cần đa dạng về nội dung, thay vì phê phán những hành động chưa đẹp thì nên kể dưới cờ những câu chuyện có thật đang diễn ra trong cuộc sống về những con người giàu lòng nhân ái, những hành động đẹp hoặc phát động các phong trào thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… “Đó là những bài học nhân văn hơn tất cả các bài học trong sách vở”, ông Tùng Lâm nói.
Tuệ Nguyễn
|
Ý KIẾN
Trốn vào nhà vệ sinh
“Rất nhiều lần em và nhiều bạn tự nghỉ tiết sinh hoạt đầu tuần bằng cách trốn vào nhà vệ sinh. Chứ ra ngồi nghe thầy cô thao thao bất tuyệt hoài nhức đầu lắm”.
Một HS lớp 8
(Trường THCS Khánh Bình ,Q.8, TP.HCM)
Nghe riết mà ngán !
“Em sợ nhất là phần kiểm điểm của thầy tổng phụ trách, nghe thầy la các bạn, các lớp hoài mệt lắm. Tuần nào cũng không được vứt rác bừa bãi, không đi trễ, không sử dụng điện thoại, không đánh nhau… Nghe riết mà ngán”.
Nguyễn Anh Đức
(HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.11, TP.HCM)
Muốn được chia sẻ thay vì la mắng
“Được thầy cô nhắc nhở những việc làm chưa tốt ở tuần trước và lưu ý những điều cần phải thay đổi trong tuần mới thật hữu ích. Thế nhưng dù là lời phê bình, chúng em cũng mong muốn thầy cô nói với giọng chia sẻ, hướng dẫn chứ không phải là la mắng, bực bội”.
Một HS Trường tiểu học Chu Văn An
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Nên tổ chức thành các chuyên đề
“Các trường nên tổ chức thành các chuyên đề gần gũi, phù hợp để vừa thu hút sự tham gia vừa giáo dục HS. Đó là những nội dung đề cập đến kỹ năng sống, tình yêu ở học đường, áp lực thi cử, tình cảm gia đình… Nếu có điều kiện các trường mời các chuyên gia tâm lý, các diễn giả đang được HS quan tâm, yêu thích để nói chuyện với HS thì càng tốt”.
Một HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
(Q.5, TP.HCM)
Học sinh sai phạm nên đưa về lớp xử lý
“Sinh hoạt dưới cờ đầu tuần sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn nếu bớt đi không khí căng thẳng, xử phạt trước cờ, đặc biệt là nêu tên những bạn HS vi phạm nội quy. Việc xử phạt HS trường nên để giáo viên chủ nhiệm nói riêng trong lớp hoặc nói với HS đó. Còn thời gian của thứ hai đầu tuần nên dành cho những sinh hoạt bổ ích, tạo không khí hứng khởi hơn như kể chuyện, sinh hoạt theo chủ đề, giao lưu…”.
Một HS Trường THPT Hùng Vương
(Q.5, TP.HCM)
B.Thanh – T.Nam – T.Đông
(ghi)
|
T.Nguyễn-T.Nam-T.Đông/TNO
Bình luận (0)