Hội nhậpThế giới 24h

Triều Tiên sẽ “không tự sát”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cuộc chiến giữa Triều Tiên và liên quân Mỹ – Hàn tóm lại sẽ chỉ là… khẩu chiến!
Bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày với sự bài binh bố trận liên tục của các bên. Nhiều người lo sợ đến khả năng xấu nhất song các chuyên gia trấn an bằng lập luận: “Triều Tiên sẽ không dại gì tự sát!”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa patriot của Mỹ ở căn cứ Osan (Hàn Quốc). Ảnh: REUTERS
Nhiều nhà phân tích được đài Russia Today (Nga) phỏng vấn đều đi đến một giả thuyết: Bình Nhưỡng làm căng thực chất chỉ để mở đường quay lại bàn đàm phán 6 bên. Đồng giám đốc tổ chức “Tiêu điểm chính sách đối ngoại” (FPIF – Mỹ), ông John Feffer, nhận định: “Việc Triều Tiên di chuyển tên lửa ra bờ Đông chỉ là đòn gió. Triều Tiên muốn tiếp tục đàm phán với Mỹ. Hơn nữa, tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên không đáng tin cũng không đủ xa để đe dọa các mục tiêu tại Mỹ”.
Trước câu hỏi hai bên sẽ đẩy sự việc xa đến đâu trước khi chịu xuống thang, ông Feffer cho rằng lúc này là thời điểm phù hợp. Không may là tình hình có vẻ hơi vượt quá kiểm soát. “Nhưng Triều Tiên không phải là một chế độ tự sát. Ông Kim Jong-un sẽ không hứng thú với việc tạo ra một tình huống để Mỹ – Hàn tiêu diệt chính phủ của mình. Dĩ nhiên, Mỹ cũng không thích một cuộc xung đột trong lúc này khi lĩnh vực quân sự bị cắt giảm chi tiêu đáng kể” – ông phân tích.
Trong một diễn biến mới nhất, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 5-4 dẫn một nguồn tin quân sự tiết lộ Triều Tiên đã lắp 2 quả tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan lên bệ phóng di động và ngụy trang tại một điểm chưa xác định ở gần bờ biển phía Đông. Để giám sát, hải quân Hàn Quốc đã điều động 2 tàu khu trục Aegis trang bị hệ thống radar tiên tiến SPY-1, có thể theo dõi cùng lúc hàng trăm mục tiêu trong phạm vi 1.000 km, thường trực đeo bám ở cả 2 bờ biển phía Đông và Tây bán đảo Triều Tiên.
Tình báo Mỹ và Hàn Quốc chưa xác định được 2 quả tên lửa này sẽ được sử dụng để bắn thử nghiệm hay tham gia tập trận. Có nghi ngờ Triều Tiên định phóng tên lửa chào mừng ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành (15-4). Ông Daniel Pinkston, chuyên gia về Triều Tiên tại Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), phỏng đoán Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng tên lửa để tìm một lối thoát danh dự.
Ông Pinkston cũng cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang rất mong đợi cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn kết thúc vào cuối tháng 4. “Khi cuộc tập trận kết thúc, thông điệp sẽ là: Họ định xâm lược chúng ta bằng B-52 và máy bay ném bom tàng hình nhưng đành thất bại bởi sự phản kháng bằng hạt nhân của chúng ta và trên tất cả, là nhờ nguyên soái Kim Jong-un” – ông kết luận.
Trong khi đó, giới phân tích ở Mỹ không tin Triều Tiên đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa tầm trung Nodong chỉ có thể tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản và căn cứ Mỹ ở Okinawa. Tên lửa KN-08 được cho là có tầm bắn xa hơn nhưng cũng chỉ đến được Guam, Hawaii và Alaska.
Nói cách khác, Triều Tiên có thể tấn công một vài khu vực của Mỹ nhưng không thể đụng đến lục địa Mỹ và càng không thể bằng vũ khí hạt nhân như đe dọa. Ông Gary Samore, nguyên cố vấn hàng đầu về hạt nhân cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói: “Ngay cả khi sở hữu tên lửa hạt nhân bay được đến Mỹ, Triều Tiên cũng không muốn tự sát. Tấn công trực diện Mỹ sẽ là dấu chấm hết cho Triều Tiên”.
Yêu cầu Nga sơ tán đại sứ quán
Ngày 5-4, Triều Tiên yêu cầu Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng xem xét sơ tán nhân viên do tình hình căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, người phát ngôn Denis Samsonov cho biết sau khi cân nhắc, sứ quán Nga quyết định chưa cần phải sơ tán. Theo ông Samsonov, một số sứ quán khác cũng nhận được đề nghị tương tự.

Trước đó, Nga đã lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên, đồng thời lần đầu tiên tuyên bố việc Bình Nhưỡng coi thường các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc là “không thể chấp nhận”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cũng lo ngại tuyên bố tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tái khởi động lò phản ứng Yongbyon sẽ cản trở cơ hội nối lại cuộc đàm phán 6 bên. Đây được coi là chỉ trích mạnh mẽ nhất của Nga đối với Bình Nhưỡng.

 Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)