Theo Sở Công Thương Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 11 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích hơn 297,4 ha. Tuy nhiên, phần lớn các cụm CN-TTCN này đang trong tình trạng “đói” doanh nghiệp (DN), người dân thấy đất bỏ hoang nên mượn để canh tác.
Hàng trăm ha đất bỏ hoang
Dự án cụm CN-TTCN huyện Chư Pah được phê duyệt từ năm 2009 với diện tích hơn 52 ha, vốn giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ bản hơn 10 tỉ đồng. Hiện nơi đây chỉ có 3 DN thuê đất xây dựng nhà máy chế biến.
Cụm CN-TTCN Đak Djrăng ở huyện Mang Yang có diện tích 15 ha, riêng phần xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước đã ngốn hơn 5 tỉ đồng nhưng sau nhiều năm thực hiện vẫn không có DN nào vào đầu tư. Ông Phan Lê Nguyên, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mang Yang, cho biết năm 2013, có 2 DN thuê đất để làm dự án nhưng sau đó, cả hai không tiến hành đầu tư nên đã bị thu hồi đất.
Năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng cụm CN-TTCN huyện Ia Grai với diện tích 15 ha. Qua nhiều năm, việc quy hoạch sử dụng đất, cơ sở hạ tầng vẫn chưa thực hiện xong.
Ông Tài Văn Trung, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ia Grai, cho biết năm 2010 có 22 DN, hộ kinh doanh đăng ký đầu tư vào đây. “Nhưng sau đó, dự án cũng chẳng thấy đâu, DN thì không triển khai việc đầu tư xây dựng để đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ như đã cam kết” – ông Trung ngán ngẩm.
Hiện trong cụm CC-TTCN Đak Djrăng có một số hộ đang trồng hoa màu. Chị Đỗ Thị Thủy (ngụ xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết: “Thấy đất bỏ hoang nhiều năm nên gia đình tôi xin UBND xã Đak Djrăng cho mượn hơn 3 ha đất để trồng hoa màu đã 4 năm nay”.
Xác nhận việc này, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mang Yang cho biết ban đầu, huyện chủ trương không cho người dân trồng trọt trong cụm CN-TTCN. Song, do đất để không nên chính quyền xã đã tạo điều kiện cho một số hộ dân trồng cây ngắn ngày. Những hộ này cam kết khi nhà nước thu hồi đất thì trả lại mặt bằng.
Không làm cơ sở hạ tầng vì sợ ế
Lý giải việc “chê” các cụm CN-TTCN, nhiều DN, hộ kinh doanh cho rằng do cơ sở vật chất ở đây thiếu thốn, không bảo đảm sản xuất, chưa kể vướng nhiều thủ tục pháp lý.
Ông Phạm Trung Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Cường (huyện Mang Yang), cho biết từng đăng ký thuê đất đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung ở cụm CN-TTCN Đak Djrăng nhưng không được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận. Theo ông Tuyến, ở địa phương khác như tỉnh Phú Yên, nếu DN đầu tư vào ngành này không những được khuyến khích mà còn được nhà nước hỗ trợ vốn. “Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền xây dựng nhà máy nhưng chính quyền địa phương không cho, trả lời thiếu thuyết phục nên đành bỏ dự án” – ông Tuyến than thở.
Ông Nguyễn Trường Thịnh, hộ kinh doanh bột nhang tại cụm CC-TTCN huyện Chư Pah, cho biết trước đây, thấy nguồn nguyên liệu cây bời lời làm bột nhang trên địa bàn rất lớn nên ông quyết định thuê đất để xây dựng nhà máy chế biến. Do cụm CC-TTCN này chưa có điện nên ông phải bỏ ra hơn 750 triệu đồng để đầu tư hệ thống điện. “Đó là chưa tính đến chi phí đầu tư hệ thống thoát nước, san ủi mặt bằng…” – ông Thịnh nói.
Theo ông Đặng Công Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cơ sở hạ tầng ở cụm CC-TTCN trên địa bàn còn rất thiếu nhưng không dám đầu tư nhiều vì sợ không có DN đến thuê sẽ gây lãng phí. “Nếu có DN tới đăng ký đầu tư, chính quyền sẽ hỗ trợ tham gia cùng DN xây dựng cơ sở hạ tầng” – ông Lâm khẳng định.
Bình luận (0)