Nguy cơ mất thị trường Thái Lan nói riêng và một số thị trường khác như Indonesia, Malaysia… đang làm các doanh nghiệp xuất khẩu thép VN đứng ngồi không yên…
Ngành sản xuất tôn các loại trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do bị nhiều quốc gia trong khu vực liên tục áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong ảnh: sản xuất tôn tại một doanh nghiệp ở KCN Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) – Ảnh: T.V.N. |
Chỉ trong vòng một tuần, Thái Lan đã liên tiếp đưa ra ba vụ điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm tôn, thép các loại nhập từ VN, chưa kể trước đó nhiều thị trường xuất khẩu khác trong khu vực cũng khởi xướng điều tra AD với sản phẩm tôn của VN.
Nguy cơ mất thị trường Thái Lan nói riêng và một số thị trường khác như Indonesia, Malaysia… đang làm các doanh nghiệp xuất khẩu thép VN đứng ngồi không yên, nhất là khi sản phẩm tôn lạnh và tôn mạ màu đang là hai trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành tôn, thép VN trong ba năm gần đây.
Nhiều nước khởi kiện, doanh nghiệp “choáng váng”
Việc Thái Lan liên tiếp cáo buộc bán phá giá đối với ngành tôn lạnh và tôn phủ màu của VN, theo ông Hồ Quang Thiệp – phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh tôn Phương Nam, đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất tôn, thép trong nước, đặc biệt trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm này khi nguồn cung của các doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi so với nhu cầu sử dụng nội địa.
Ông Thiệp cho biết ba năm gần đây, ngành hàng tôn lạnh và tôn phủ màu đã xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó nhiều nhất là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia…
Nhưng vui chưa được bao nhiêu, Indonesia bắt đầu áp thuế tự vệ đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ VN lên tới 150% so với giá bán trong năm đầu tiên (khoảng 430 USD/tấn) và còn khoảng 139% trong năm thứ ba (tương ứng 312 USD/tấn).
“Với mức thuế này, các doanh nghiệp VN gần như đã bỏ chạy khỏi thị trường Indonesia. Với giá xuất khẩu bình quân chỉ 600 – 700 USD/tấn cộng thêm mức thuế tự vệ nói trên, thép VN sang Indonesia có giá hơn 1.000 USD/tấn, quá cao để có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và các nước khác” – ông Thiệp nhận định.
Trong khi đó anh T. – phụ trách xuất khẩu của một doanh nghiệp sản xuất tôn có sản lượng xuất khẩu khá lớn – cho biết lượng tôn xuất khẩu sang Malaysia cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng khi nước này đã khởi xướng điều tra AD đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập từ VN, biên độ phá giá bị cáo buộc lên tới 13,68%.
“Chúng tôi đang rất lo khó có thể xuất khẩu vào thị trường này được nữa bởi khả năng Malaysia ra phán quyết áp thuế gần như chắc chắn, mức thuế phải hơn 15%. Thuế cao như vậy chắc cũng phải bỏ thị trường này” – anh T. nói.
Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), trong gần 2 triệu tấn tôn kẽm và phủ màu sản xuất tám tháng đầu năm 2015 của toàn ngành, lượng tôn các loại xuất khẩu khoảng 600.000 tấn, chiếm hơn 50% cơ cấu sản phẩm của tổng lượng thép xuất khẩu toàn ngành hiện nay, chủ yếu tập trung ở các nước ASEAN.
Còn theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong top 5 doanh nghiệp lớn nhất hiện nay trong ngành tôn là Tập đoàn CP Hoa Sen, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam, China Steel Sumiki VN và Nam Kim, hoạt động xuất khẩu tôn đã trở thành nhiệm vụ thiết yếu nhằm “giải phóng” nguồn hàng khi các kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy, tăng công suất của một số doanh nghiệp được lên kế hoạch từ các năm trước đó nay đã “đơm hoa, kết trái”.
Nâng chất lượng, tìm thị trường mới
Ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch VSA, cho biết dự kiến sản lượng sản xuất trong năm nay của các doanh nghiệp cũng xấp xỉ bằng năm 2014, tức chỉ vào khoảng 2,8 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ngành tôn lên tới hơn 4 triệu tấn/năm.
“Ngay cả lúc thị trường nội địa bán được như năm rồi cũng chỉ tiêu thụ tầm 1,8 triệu tấn, phần dư ra 1 triệu tấn kia buộc phải tìm đường xuất khẩu. Với tình hình kiện cáo khắp nơi thế này, năm 2016 sẽ là một năm vô cùng gay go của các doanh nghiệp ngành tôn lạnh và mạ màu, chưa kể sản phẩm tôn Trung Quốc được nhập ồ ạt về VN” – ông Sưa nhận định.
Theo ông Hồ Quang Thiệp, “số liệu nhập khẩu tôn từ Trung Quốc sốc đến mức tôi nhìn mà choáng luôn!”. Ông Thiệp cho hay nếu năm 2014 tổng lượng tôn nhập khẩu từ Trung Quốc xấp xỉ 774.000 tấn thì bảy tháng đầu năm 2015 là gần 991.000 tấn. Đặc biệt, giá tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi trừ các chi phí chỉ vào khoảng 14,7 triệu đồng/tấn, rẻ hơn giá tôn sản xuất trong nước 3,3 – 5,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn cả giá thành sản xuất trong nước!
“Dù chúng tôi đã tiết giảm sản xuất đủ đường, siết chặt hệ thống quản trị để có giá thành tốt nhất nhưng vẫn phải chịu thua giá bán tôn nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi giá tôn Trung Quốc còn rẻ hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp VN thì làm sao cạnh tranh được” – giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tôn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, VSA đang cùng các doanh nghiệp liên quan ráo riết thu thập dữ liệu, chuẩn bị các phương án để có thể khởi kiện sản phẩm tôn các loại có nguồn gốc từ Trung Quốc trong thời gian thích hợp nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, giảm giá thành và nâng chất lượng sản phẩm nhằm tìm thị trường xuất khẩu mới.
Một trong những thị trường được phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu tôn tính đến là Mỹ, sau khi nước này chính thức áp thuế AD đối với chủng loại, quy cách tôn được sản xuất tương tự như ở VN dành cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ với mức thuế 71 – 124%.
“Theo tìm hiểu của tôi, mức thuế AD mà Mỹ dành cho Trung Quốc ở mức cao nhất, lên đến 120% nên khả năng dịch chuyển đơn hàng từ các nước sang VN, hoặc chính bản thân các doanh nghiệp trong nước tự tìm kiếm được đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ là rất lớn. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta có đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ hay không” – ông Thiệp đúc kết.
“Thả cửa” cho phôi Trung Quốc tràn vào
Không chỉ có tôn, phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đang gây “náo loạn” thị trường sản xuất phôi thép VN.
Theo VSA, chỉ trong bảy tháng năm nay lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 814.000 tấn, tăng mạnh so với con số 598.000 tấn nhập khẩu cả năm 2014, trong đó chủ yếu là phôi thép dưới dạng bán thành phẩm với thuế suất 5%, thay vì 9% nếu nhập khẩu phôi thép thuần túy.
“Sở dĩ làm được điều này là vì quy định của ta chưa chặt về mặt chữ nghĩa, dẫn đến việc doanh nghiệp có thể chọn được cách khai báo mã hàng có mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn” – ông Nguyễn Văn Sưa nói.
Theo TTO
Bình luận (0)