Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá cước

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là lần thứ hai trong tháng này, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị kiểm soát chặt giá cước vận tải.

Bộ Tài chính yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cước vận tải - Ảnh tư liệu
Bộ Tài chính yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cước vận tải – Ảnh tư liệu

Ngày 26-8 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết tối 25-8, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cước vận tải. 

Căn cứ để có đề nghị nêu trên, ông Tuấn nói: Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường. Qua theo dõi cho thấy xu hướng giá xăng dầu thành phẩm giảm rõ rệt.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, mỗi lít xăng có tăng bốn lần với tổng cộng là 5.040 đồng và giảm sáu lần là 4.390 đồng. Như vậy so với mức giá đầu năm, giá xăng hiện tại vẫn cao hơn 650 đồng/lít. Điều đáng nói là mặt hàng dầu diesel khi tăng chỉ hai lần với 1.210 đồng/lít, còn giảm tới tám lần là 4.780 đồng/lít. So với đầu năm, mỗi lít dầu diesel đã giảm tới 3.570 đồng.

Việc giảm giá nhiên liệu tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có giá cước vận tải. Do vậy để tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai lại giá cước.

Trên cơ sở kê khai lại giá cước, các DN đánh giá tác động việc giảm giá xăng dầu để kê khai giá cước mới phù hợp với mức giảm giá xăng dầu. Trường hợp DN niêm yết, kê khai giá cước vận tải không đúng, cơ quan quản lý phải xử phạt nghiêm.

Đồng thời Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở tài chính phối hợp với cơ quan thuế, quản lý thị trường, công an… tham mưu cho việc giám sát chặt chẽ việc kê khai lại giá cước vận tải bằng ôtô.

Liên tiếp trong hai tháng nay, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp bốn lần với tổng mức giảm đối với xăng là 1.750 đồng/lít và dầu 2.370 đồng/lít mà DN vận tải vẫn chây ỳ không giảm giá cước. Vậy cơ quan quản lý sẽ có biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

Ông Tuấn cho hay cần phải đánh giá diễn biến giá xăng dầu từ đầu năm tới nay chứ không thể nhìn ở một giai đoạn ngắn nhất định. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT phải chỉ đạo sở GTVT ở địa phương yêu cầu DN kê khai lại giá cước.

Song, cũng phải nói rằng nhiên liệu chỉ là một trong những chi phí cấu thành nên cơ cấu giá cước vận tải. Vì ngoài chi phí nhiên liệu, giá cước còn bao gồm cả lương cho lái xe và cả quản lý, rồi khấu hao xe,… Cơ chế quản lý giá dịch vụ vận tải là theo thị trường, tức DN được quyền định giá. Có thể nhân cơ hội giá xăng dầu giảm mà họ nâng cao chất lượng dịch vụ như thêm khăn lạnh, nước uống cho hành khách đi xe hay nâng cấp xe…

Tuy nhiên, cơ quan quản lý GTVT và giá cả sẽ phối hợp để yêu cầu DN kê khai lại giá cho phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Ảnh: Tuấn Phùng

Đề nghị cơ quan quản lý kiểm tra DN

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, phó chủ tịch thường trực – tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN cho rằng giá xăng dầu giảm liên tiếp bốn lần từ ngày 4-7 đến nay, tổng cộng cả bốn lần giảm là 1.750 đồng/lít xăng và 2.300 đồng/lít dầu diesel. Với mức giảm giá xăng dầu trong gần hai tháng qua, việc giá cước vận tải phải giảm tương ứng 5-7% tùy theo loại phương tiện. 

Đơn cử như xe chạy xăng là taxi, chi phí nhiên liệu chiếm 35-40% trong tổng chi phí, nên giá xăng giảm 10% thì giá cước taxi phải giảm 5%, khoảng 500-700 đồng/km. Còn riêng giá dầu diesel, tính từ đầu năm tới nay đã giảm tới hơn 3.500 đồng/lít, tương ứng 25% giá bán. 

Đây là cơ hội để giảm giá cước vận tải hàng hóa, hành khách đường dài, qua đó giảm giá hàng hóa sản phẩm của VN. Việc các DN vận tải không giảm giá cước vận tải là không thể chấp nhận được.

Qua hai tháng giá xăng dầu giảm liên tục mà giá cước vận tải chây ỳ, không chịu giảm, một mặt cơ quan quản lý có các văn bản yêu cầu DN phải tính toán lại chi phí để giảm giá cước vận tải tương ứng với mức giảm của giá nhiên liệu. Đồng thời, cơ quan quản lý giá và vận tải phải phối hợp đi thanh tra, kiểm tra các DN vận tải. Kinh nghiệm như thời điểm cuối năm 2014 vừa qua, sau đợt kiểm tra giá cước tại các thành phố lớn, DN mới chịu giảm giá cước vận tải.

Tôi muốn nhắc lại là nếu cứ để DN tự giác giảm giá là rất khó. Do đó cơ quan quản lý vận tải và giá cần phải phối hợp giám sát kiểm tra chặt chẽ và xử lý đối với trường hợp chây ỳ không giảm giá cước. Sẽ có những DN nói là trước đây giá xăng, dầu tăng nhưng họ không tăng giá cước. Do đó khi giá xăng dầu giảm thì DN không thể giảm giá cước được. Tuy nhiên, trên thực tế từ đầu năm có những đơn vị kinh doanh vận tải tăng giá cước. Do đó, để khách quan thì cơ quan quản lý phải vào DN để kiểm tra yếu tố hình thành giá cước gồm chi phí nhiên liệu, lương, khấu hao xe…

Theo TTO

Bình luận (0)