Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Món quà quý giá của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Hằng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là tôi lại nhận được nhiều món quà từ các em học sinh. Những món quà nho nhỏ, đáng yêu đa phần do chính bàn tay các em làm nên. Năm rồi, tôi chú ý nhất là món quà thư pháp mà một cậu học sinh ngổ ngáo đã mang tặng cho mình.

Vì là trường nội trú, sống xa nhà, thiếu thốn tình thương gia đình nên các em luôn xem những thầy cô trong trường là cha mẹ. Cũng như những lớp học ở trường khác, tất nhiên có nhiều trò ngoan thì cũng không ít trò bướng bỉnh. Em T., dù học lực không đến nỗi tệ nhưng em hay nóng tính, bốc đồng, tự ái cao. Vì vậy mà dù sáng dạ, nhanh trí nhưng do vội vàng, nóng nảy nên những bài tập toán, lý, hóa, em làm thường ra đáp án sai hoặc thiếu. Môn văn cũng thế, những bài nghị luận của em rất khô khốc, cộc lốc, cứ như bãi đất hạn hán, hoang hóa vì thiếu mưa. Ngay cả môn tin học của tôi cũng không là trường hợp ngoại lệ. Em thường làm sai các hàm tổng hợp (phần Excel) trong một bài tập vì tính vội vàng. Nhưng lạ ở chỗ em lại nghe lời tôi nhất so với các giáo viên khác. Em tâm sự là do tôi rất giống cha em ở tính tình và tướng đi. Sau này tôi mới biết cha em đã chết trong một tai nạn giao thông. Mẹ em do bận bịu với công việc kinh doanh nên mới gửi em vào học ở trường tôi để bà đỡ vất vả quản lý con cái.

Biết được lợi thế đó nên tôi luôn dành thời gian để uốn nắn em nên người, dạy em sống không nên quá vội vàng mà phải thong thả, từ tốn. Dù biết em nhanh trí trong việc giải bài tập ở những môn tự nhiên nhưng tôi khuyên em nên đọc kỹ đề bài, xem lại bài sau khi giải xong để tránh mất điểm oan. Có lần tôi nói với T.: “Em nên học viết thư pháp để tiết chế cái tính nóng nảy và rèn chữ viết cho đẹp”. Bởi theo tôi biết, những người học viết thư pháp đều phải giữ tâm nhẹ nhàng, thanh tịnh và từ tốn mới cho ra lò một tác phẩm hoàn hảo. Nghe tôi nói, em chỉ gật đầu lia lịa. Câu nói ấy rồi cũng rơi vào quên lãng. Em lên lớp mới, còn tôi thì bừa bộn với việc dạy ở trường và ở trung tâm vào ban đêm nên cũng quên mất việc học của em. Dù em vẫn còn học trường tôi.

Thế mà ngày Nhà giáo Việt Nam năm rồi tôi bất ngờ nhận được hai bức thư pháp từ tay em. Nó tuy không sắc sảo như những ông đồ, nhưng theo đánh giá của tôi thì nó rất đẹp. Em còn tự sáng tác hai câu thơ trên bức thư pháp: “Sớm hôm cõng chữ đưa đò/Công ơn vàng ngọc học trò chẳng quên”. Như hiểu được sự ngạc nhiên qua ánh mắt tôi, em tự hào nói: “Ba tháng nghỉ hè vừa rồi em ở nhà tự học đó thầy”. Tôi hỏi giáo viên chủ nhiệm của em thì được biết học lực của em có tiến bộ, chữ viết đẹp và tính nết cũng điềm đạm, trưởng thành hơn xưa. Thực sự đây là một điều làm tôi vui và hạnh phúc nhất. Ít ra gần 15 năm  dạy học, tôi đã làm thay đổi được tính nết của một cậu học sinh bướng bỉnh. Có lẽ đây là món quà vô giá nhất mà tôi từng nhận trong sự nghiệp “trồng người” của mình – quà cảm hóa học sinh.

Nguyễn Thanh Vũ (TP.HCM)

Bình luận (0)