Hội nhậpThế giới 24h

Nóng bỏng cuộc đua trực thăng hải quân

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương đầu tư trực thăng hải quân để tăng cường sức mạnh giữa lúc có nhiều căng thẳng nổi lên trong khu vực.

Đầu tháng 5, Tạp chí Quốc phòng châu Á (DRA) của Singapore đăng bài phân tích về thị trường máy bay trực thăng chiến đấu dành cho hải quân. Với sự linh hoạt cùng khả năng cất/hạ cánh trên diện tích nhỏ, trực thăng được cho là khí tài lý tưởng cho các chiến dịch từ tàu chiến. Loại khí tài này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: do thám, tác chiến chống tàu ngầm, tàu chiến nổi, tác chiến điện tử, tìm kiếm và cứu hộ… Những đặc điểm trên khiến trực thăng đang được nhiều nước ở châu Á – Thái Bình Dương xem trọng, tích cực đầu tư trong thời gian gần đây.
Sôi động Đông Nam Á
Cụ thể, Philippines, nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, cũng vừa đặt mua 3 trực thăng AW109 Power của Ý và hiện cân nhắc sắm thêm 2 chiếc loại này, theo DRA. Dự kiến, Philippines sẽ nhận AW109 vào năm tới để trang bị cho hai tàu chiến lớp Hamilton mua từ Mỹ.
 
Hải quân Hàn Quốc vừa đặt mua 8 trực thăng AW159 Wildcat – Ảnh: Renishaw.co
Malaysia cũng đang có kế hoạch sắm từ 6-12 trực thăng chống tàu ngầm. Đó có thể là loại trực thăng đa nhiệm MH-60R của Công ty hàng không Sikorsky (Mỹ) hoặc phiên bản hải quân của trực thăng EC725 do châu Âu sản xuất. Hiện hải quân Malaysia đã có 6 chiếc trực thăng quân sự đa nhiệm Westland Lynx do Anh sản xuất và 6 chiếc trực thăng đa nhiệm hạng nhẹ AS555N Fennec của châu Âu. Hồi năm 1999, Malaysia trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên sắm trực thăng Super Lynx 300.
Trong khi đó, hải quân Thái Lan (RTN) lại là khách hàng đầu tiên sắm trực thăng MH-60S do Sikorsky sản xuất, khi đặt mua  2 chiếc vào năm 2007. RTN nhận MH-60S vào năm 2011 và dùng chúng để chuyển quân, tìm kiếm và cứu hộ. Thái Lan còn sở hữu 6 trực thăng phiên bản xuất khẩu S-70B-7 của Sikorsky, cùng 4 chiếc Super Lynx 300s. Tại Đông Nam Á, Sikorsky còn có một khách hàng khác là Singapore. Đảo quốc sư tử đã mua 6 chiếc S-70B Seahawk, phiên bản xuất khẩu của trực thăng đa nhiệm nổi tiếng SH-60B Seahawk mà hải quân Mỹ rất ưa chuộng. Ngoài ra,  Singapore còn được cho là đã đặt mua thêm 2 chiếc S-70B Seahawk vào tháng 2.2013 và sẽ nhận hàng vào năm 2016.
Nhiều nước chạy đua
Tương tự, Đông Bắc Á cũng là nơi tiềm ẩn nhiều bất ổn do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp Nhật – Trung đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Vì thế, các nước tại khu vực này khá tích cực trong việc mua sắm máy bay trực thăng chiến đấu. Hồi tháng 1.2013, Hàn Quốc đặt mua 8 chiếc trực thăng AW159 Wildcat, do Anh cung cấp, có khả năng chống tàu ngầm, chống tàu chiến nổi, tìm kiếm và cứu hộ… Dự kiến, Hàn Quốc sẽ nhận 4 chiếc đầu tiên vào năm 2015 và 4 chiếc còn lại vào năm sau đó. Hiện tại, hải quân Hàn Quốc sở hữu hơn 20 chiếc trực thăng đa nhiệm Super Lynx Mk.99 và Mk.99A.
Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ biển của Nhật (MSDF) sử dụng trực thăng chống tàu ngầm SH-60J do Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi sản xuất theo nhượng quyền của Mỹ. Nhật đã sản xuất 103 chiếc loại này từ đầu thập niên 1990 và cho ra phiên bản nâng cấp SH-60K vào năm 2005. Tính đến nay, MSDF đã đưa vào sử dụng khoảng 40 chiếc SH-60K và dự kiến sẽ thêm 26 chiếc trong 5 năm tới. Ngoài ra, Nhật còn sử dụng trực thăng dò mìn AgustaWestland AW101, trực thăng huấn luyện Eurocopter EC135T2i. Theo kế hoạch, MSDF sẽ nhận thêm 15 chiếc Eurocopter EC135T2i.
Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc đua trên. Hồi năm 1998, Trung Quốc trang bị 8 trực thăng chống tàu ngầm Ka-27 và Ka-28 do Nga sản xuất cho tàu khu trục lớp Sovremenny, cũng do Moscow chế tạo. Đến năm 2010, Trung Quốc bắt đầu nhận thêm 9 Ka-28 cùng 9 trực thăng cảnh báo sớm Ka-31. Nhận định về vấn đề này, DRA cho rằng đó là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh ưa chuộng Ka-28 hơn mẫu Z-9C do Trung Quốc tự làm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang vận hành trực thăng vận tải Z8, bản sao của SA 321 do Pháp sản xuất.
Ngoài ra, Úc trở thành nhà nhập khẩu MH-60R đầu tiên với đơn hàng 24 chiếc có tổng trị giá hơn 3 tỉ USD vào năm 2011. Dự kiến, hải quân Úc nhận những chiếc đầu tiên MH-60R vào giữa năm 2014, thay S-70B-2 Seahawks. Bên cạnh đó, hải quân Ấn Độ dự định mua 16 trực thăng đa nhiệm, nhiều khả năng loại S-70B của Sikorsky hoặc NH90 NFH của Tập đoàn Eurocopter của châu Âu sẽ nằm trong tầm ngắm của New Delhi. Sau khi chính thức chọn mẫu nào, New Delhi có thể sẽ tăng tổng số lượng thêm 46 chiếc cùng loại. Mặt khác, Ấn Độ cũng tiến hành nâng cấp 17 trực thăng chống tàu ngầm Sea King và Ka-28.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)