Hội nhậpThế giới 24h

Tổng thống Obama ủng hộ Myanmar

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong khuôn khổ chuyến thăm lịch sử đến Mỹ ngày 20-5 (giờ địa phương), Tổng thống Myanmar Thein Sein đã được Tổng thống Obama nghênh tiếp tại Nhà Trắng.
Giải quyết triệt để xung đột sắc tộc
Theo báo Washington Post (Mỹ), trong cuộc hội kiến, Tổng thống Obama đã đánh giá cao vai trò lãnh đạo của ông Thein Sein trong công cuộc thúc đẩy Myanmar cải cách chính trị và kinh tế đồng thời đưa Myanmar phát triển theo một hướng mới.
Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẵn sàng ủng hộ Myanmar và Mỹ sẽ thực hiện các nỗ lực giúp đỡ ông Thein Sein. Ông Obama nhận định con đường phía trước còn rất dài và khó khăn, tuy nhiên đây là con đường đúng đắn mà Myanmar cần theo đuổi.
Ngoài ra, ông Obama cũng đã thảo luận với Tổng thống Thein Sein về các vấn đề như tiếp tục trả tự do cho tù chính trị, thể chế hóa cải cách chính trị và pháp luật và kết thúc xung đột sắc tộc.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Obama nói ông chia sẻ quan tâm với Myanmar về vấn đề bạo lực đối với cộng đồng Hồi giáo Rohingya (thiểu số) tại bang Rakhine và đề nghị Myanmar cần chấm dứt ngay vấn đề này. Đáp lời, Tổng thống Thein Sein cam kết giải quyết triệt để vấn đề xung đột sắc tộc.

Tổng thống Obama bắt tay Tổng thống Thein Sein tại Phòng Bầu dục ngày 20-5 (giờ địa phương). Ảnh: GETTY IMAGES
Trong bài phát biểu tại Đại học Washington ngày 20-5, Tổng thống Thein Sein kêu gọi tiến tới một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Myanmar.
Về các thách thức trong nước, ông cam kết sẽ chấm dứt bạo lực giữa các tín đồ Phật giáo và tín đồ Hồi giáo đồng thời sẽ đưa tất cả những kẻ gây rối ra trước công lý. Ông cho biết vẫn còn nhiều kẻ phá hoại phản đối tiến trình cải cách và những kẻ này có liên quan đến xung đột sắc tộc gần đây tại Myanmar.
Ông bày tỏ tin tưởng sẽ sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn với phiến quân Kachin và vấn đề này liên quan đến các thỏa thuận về chuyển giao quyền lực và chia sẻ tài nguyên.
Ông đã mô tả những nỗ lực phát triển kinh tế của Myanmar, xóa bỏ lề thói cai trị độc tài trong nhiều thập niên qua và xây dựng bản sắc dân tộc mới. Ông nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu này, Myanmar cần được quốc tế ủng hộ ở mức cao nhất, trong đó có Mỹ, về đào tạo, chia sẻ kiến thức, tăng cường thương mại và đầu tư.
Nhân quyền và quân đội
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Mỹ đã bày tỏ thái độ tôn trọng trước những cải cách tham vọng của Myanmar bằng cách mở rộng chính sách hợp tác với Myanmar, giảm bớt một số quyết định trừng phạt và đã cho phép sử dụng hạn chế tên nước Myanmar thay vì Burma.
Tuy nhiên, trong ngày 20-5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa vẫn tuyên bố xếp Myanmar vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt do vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Bộ Ngoại giao nhận định Myanmar dường như quan tâm đến đạo Phật hơn các tôn giáo thiểu số khác, trong đó có Hồi giáo. Theo Bộ Ngoại giao, có nhiều tố cáo đáng tin cậy về sự việc các nhân viên an ninh biên giới Myanmar liên quân đến vụ đốt làng mạc ở bang Rakhine.
Hãng tin Reuters ghi nhận ngay cả các nghị sĩ thường xuyên chỉ trích chính sách của Tổng thống Obama đối với Myanmar cũng ủng hộ mục tiêu chiến lược của Mỹ nhằm đưa Myanmar thoát khỏi sự cô lập của phương Tây.
Dù vậy, theo báo USA Today (Mỹ), một số nghị sĩ tỏ ra hoài nghi về cam kết chấm dứt xung đột tại Myanmar.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar đã nhiều lần tái phạm, nhiều tù chính trị đã bị giam trở lại và vài tài liệu cho thấy số tù chính trị hiện nay còn nhiều hơn so với lúc Tổng thống Obama viếng thăm Myanmar hồi năm ngoái. Báo ghi nhận trước thềm cuộc bầu cử vào năm tới, Myanmar phải sửa đổi hiến pháp nhằm giảm bớt vai trò của quân đội.
Báo Wall Street Journal nhận định một số nhà hoạt động ở Mỹ như tổ chức Chiến dịch vận động của Mỹ cho Myanmar bày tỏ lo lắng rằng Washington đã cung cấp quá nhiều cà rốt mà không đưa ra đủ cây gậy cho Myanmar.
Đài truyền hình CNN dẫn lời một số tổ chức nhân quyền cáo buộc chính phủ và lực lượng an ninh Myanmar thờ ơ trước các vụ giết chóc tại Myanmar và kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập.
Báo Christian Science Monitor (Mỹ) dẫn lời tổ chức Ân xá quốc tế cảnh báo chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Thein Sein không nên sớm được xem là thời điểm hoàn thành nhiệm vụ của Myanmar.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thein Sein, Mỹ và Myanmar đã ký kết hiệp định khung về thương mại và đầu tư. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang mong muốn các doanh nghiệp Mỹ thâm nhập thị trường tiêu dùng Myanmar. Chủ tịch Hội đồng Thương mại mới Mỹ-Myanmar Bart Fisher khẳng định công việc gấp rút hiện nay là dỡ bỏ các quyết định trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Myanmar, mở rộng các chính sách ưu đãi thuế tại Mỹ cho hàng hóa nhập khẩu Myanmar.
DUY KHANG (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)