Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Quản lí thời gian – Định hướng cuộc sống

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc sống của tôi lẽ ra đã có những thay đổi lớn lao và lẽ ra đã có thể tốt hơn rất nhiều nếu như cách đây 20 năm, tôi có thể đọc được những trang này. 

Trong suốt 20 năm kể từ ngày ấy, tôi đã dò dẫm những bước chân để bước vào đời và đã trải qua vô số những biến cố trong cuộc sống. Rất nhiều lần đứng trước những khó khăn, hoang mang và bế tắc, tôi luôn thầm ao ước có được một cuốn sách thần hoặc một người đi trước sẵn sàng và chân thành chia sẻ, cho tôi một lời khuyên.
Tôi không nghĩ là mình cảm thấy xấu hổ với những gì mình đã phấn đấu để đạt được, nhưng nếu được bay ngược về quá khứ như chú bé Nôbita để tự giúp mình khi còn bé, chắc chắn tôi sẽ, hay ‘đã’(?) làm KHÁC ĐI rất nhiều điều.
Xin cám ơn những cơ may trong cuộc sống đã cho tôi những cơ hội để chiêm nghiệm và khám phá. Cám ơn những con người tôi đã gặp và trò chuyện, những cuốn sách hay, những biến cố vui buồn trong cuộc sống, những thành công và thất bại đã giúp tôi nhìn rõ hơn con đường. Thì đây, tôi đang chia sẻ cùng các bạn, và nếu những dòng này có thể giúp bạn trong một phút lưỡng lự của cuộc sống, thì đó chính là niềm hạnh phúc của tôi rồi.
1. CẦN MỘT HƯỚNG ĐI TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG
Tôi đã mất quá nhiều thời gian và cơ hội.
Năm 1987 sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi dự định thi vào trường ĐH Bách khoa vì tôi tự cảm thấy rất khá các môn tự nhiên và tỏ ra có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực vật lý ứng dụng cũng như các vấn đề kỹ thuật, cơ khí máy móc. Khi cha tôi biết dự định của tôi, ông gạt đi và khuyên tôi nên đi học Kinh tế. Thế là tôi học Kinh tế vì cha tôi muốn thế.
Trường hợp của tôi không phải là cá biệt. Rất nhiều bậc cha mẹ luôn can thiệp vào cuộc sống của con cái khi chúng phải đứng trước các quyết định quan trọng. Mỗi người đều có những mơ ước trôi qua không kịp thực hiện trong cuộc sống, và người ta thường kỳ vọng con cái nhất định phải là người tiếp tục thực hiện bằng được những khát khao của họ. Những người trẻ tuổi buộc phải sống cuộc sống của cha mẹ mình, chứ không phải của chính họ. Họ phải ăn mặc theo cách cha mẹ mình thích, học các thứ nhạc cụ mà ngày xưa cha mẹ họ không kịp học cho dù chẳng có tí năng khiếu hay ham thích âm nhạc nào, chọn lựa một nghề nghiệp trật lất, hay chọn một người bạn đời để cha mẹ hài lòng…
Rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến hỏi ý kiến của tôi (tôi của bây giờ) xem họ nên chọn thi vào trường nào, hay chọn công việc gì khi ra trường. Một số cha mẹ cũng hỏi tôi xem nên khuyên con họ thi vào trường đại học nào. Có người khi nghe tôi trả lời ‘Chẳng nên thi vào trường đại học nào cả’ thì đỏ mặt tía tai vì tức giận, thậm chí còn cho rằng tôi bị gàn dở.
Trong một ‘ngày hội nghề nghiệp’ tổ chức cho các sinh viên ưu tú sắp tốt nghiệp từ các trường đại học, tôi từng hỏi các bạn trẻ đang hăm hở điền đơn tham dự phỏng vấn việc làm một câu hỏi đơn giản như sau: ‘Có bao nhiêu bạn trong hội trường này đã thực sự dành hơn một giờ để suy nghĩ chín chắn và nghiêm túc về việc bạn muốn đạt được những gì trong cuộc sống?’ Tiếc thay, không có cánh tay nào giơ lên trong số gần 2000 sinh viên ưu tú tham gia ngày hôm ấy.
Hãy tưởng tượng bạn đang đứng bên đường thì có một người lại gần và nói như thế này: ‘làm ơn chỉ cho tôi biết nên đi đường nào’. Bạn sẽ nói gì nhỉ?
Nếu tôi không lầm, thì bạn sẽ phải rất ngạc nhiên (và còn hơi mắc cười nữa) mà hỏi lại: ‘Nhưng mà anh định đi đâu cơ ạ?’ Người này tỏ ra rất lúng túng gãi đầu gãi tai nhìn bạn nói: ‘Dạ… tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi tưởng anh cũng nên chỉ cho tôi biết là nên đi đường nào chứ!’
Chắc là bạn sẽ cảm thấy rất kinh ngạc và lúng túng nếu gặp một người như vậy? Ấy thế mà các bạn trẻ và các bậc cha mẹ mà tôi nói tới ở trên kia cũng đang hỏi tôi chính câu ấy đấy! Khi tôi hỏi lại, họ không thể giải thích được cho tôi là họ muốn đi về đâu. Nếu tôi trả lời họ ngắn gọn là ‘Đi đường nào cũng được’ thì họ dứt khoát sẽ không tin, còn nếu tôi nói với họ là: ‘Đừng đi đâu hết’, thì họ sẽ tin dứt khoát 100% là tôi bị khùng rồi.
Không ai khác ngoài CHÍNH BẠN sẽ phải là người trả lời câu hỏi ‘Tôi muốn gì?’
Sẽ có rất nhiều người sẵn sàng giúp bạn chỉ ra vô số con đường khác nhau để đi tới đích, với điều kiện bạn phải hiểu rõ nơi mình muốn đến. Tai hại thay, phần lớn những người đang cảm thấy không hạnh phúc đều chia sẻ một nguyên do: không biết mình muốn gì, hoặc còn tai hại hơn, tưởng rằng mình đang muốn một điều gì đó – những người này khi ‘đến nơi’ mới ‘vỡ mộng’ rằng đó thực ra không phải là điều mà họ muốn lựa chọn.
Trong kỹ năng ‘Quản lý Thời gian’ (hay chính xác hơn là kỹ năng ‘Quản lý cách sử dụng thời gian’) của nhà quản lý doanh nghiệp, thì việc xác định Mục đích (Goal) và các Mục tiêu (Objectives) là việc trước hết, làm cơ sở để hoạch định mọi hoạt động và công việc.
Một trường đại học nổi tiếng tại Mỹ cũng đã hỏi các sinh viên tốt nghiệp ra trường năm 1970 câu hỏi tương tự về việc hoạch định tương lai. Chỉ có 5% sinh viên trả lời là họ đã có suy nghĩ kỹ về các dự định tương lai và các mục tiêu của họ. Hai mươi năm sau, người ta tiến hành một điều tra về những sinh viên tốt nghiệp từ khóa học đó và kết quả thật đáng kinh ngạc: những người trong số 5% có định hướng rõ ràng cho tương lai đạt được những thành quả to lớn trong sự nghiệp và những gì mà họ đạt được riêng về mặt tài chính cũng đã xấp xỉ bằng với 95% số cựu sinh viên còn lại.
Không có gì quá khó hiểu. Những sinh viên này thành công vì họ biết rõ cần phải hướng tới cái gì. Và trong suốt 20 năm sau đó, mỗi phút mỗi giờ, mỗi đồng tiền đầu tư bỏ ra, mỗi suy nghĩ, nỗ lực, hành động mà họ thực hiện, mỗi công việc và vị trí mà họ nhắm tới đều tuân theo sứ mạng phải đem họ tới gần hơn với phương hướng mà họ đã xác định.
Thế thì điều gì đã xảy ra với 95% sinh viên còn lại? Hãy tưởng tượng như sau: sau lễ tốt nghiệp họ sẽ chuẩn bị 10 bộ hồ sơ xin việc và đi phỏng vấn (dĩ nhiên là trước đó họ cũng đã được nghe nhiều người thuyết trình về việc làm thế nào để chuẩn bị hồ sơ cho thật ấn tượng và những thủ thuật để đi phỏng vấn thành công). Một ngày đẹp trời, một công ty A sẽ mời họ đi làm với mức lương khá cạnh tranh so với những người mới bắt đầu đi làm. Cuộc đời thật tươi đẹp, cho đến vài năm (đôi khi chỉ vài tháng) sau đó, họ bắt đầu cảm thấy nhàm chán với công việc và mức lương đang nhận. Họ cảm thấy công việc hiện tại dường như (chỉ dường như thôi, không chắc lắm!!!) không đưa họ tới đâu hết. Thêm 10 bộ hồ sơ xin việc được gửi đi, và một ngày đẹp trời, họ lại có được một công việc mới. Cái vòng luẩn quẩn lại bắt đầu, và cứ sau một thời gian nhất định, họ đều gặp lại cái cảm giác ‘dường như’ không đi đến đâu cả – mà thực sự thì họ nào có biết mình định đi đến đâu? Bạn thử nghĩ xem những sinh viên này sẽ đi đến đâu trong 20 năm sau đó?
Những người trong nhóm trên đang bị chi phối bởi luật ngẫu nhiên (The Law of Random). Đáng ngạc nhiên là hầu hết mọi người lại bị chi phối bởi luật này.
Để tránh bị chi phối bởi luật Ngẫu nhiên, bạn hãy bỏ chút thời gian để làm quen với hai khái niệm quan trọng: ‘Mục đích’ và ‘Mục tiêu’ theo nguyên tắc của ‘Quản lý Thời gian’
Mục đích (Goal) là những mong muốn hay kỳ vọng chung, cơ bản và lâu dài. Bạn có thể đặt mục đích cho mình là sống hạnh phúc, hay sống có ích, sống lành mạnh… Một doanh nghiệp có thể hướng tới những mục đích như: đáp ứng cao nhất các mong đợi của khách hàng, hoặc bảo vệ tốt nhất môi trường sống trong quá trình sản xuất, hoặc luôn là biểu tượng của sự thân thiết và quan tâm tới cộng đồng… Các mục đích thường được xây dựng dựa trên những yếu tố nền tảng là các giá trị mà bạn đề cao trong cuộc sống, hoặc những giá trị mà doanh nghiệp đặt lên hàng đầu phù hợp với tuyên bố về sứ mạng (mission statement) của doanh nghiệp, công ty.
Các Mục tiêu (Objectives): là những thành tựu cụ thể mà bạn (hay một doanh nghiệp) cần phải đạt được trên con đường hướng tới Mục đích đã xác định. Các Mục tiêu cũng thể hiện cách thức mà bạn sử dụng để hướng tới Mục đích, và thường được xác lập theo tiêu chí SMART (Specific – cụ thể; Measurable – phải đo lường được; Action-oriented – có tính hành động; Realistic – khả thi; và Time-bound – có thời gian rõ ràng).
Ví dụ sau có thể giúp bạn hiểu được hai khái niệm trên một cách dễ dàng hơn: Bạn cảm thấy cách sống lâu nay của mình là không ổn. Bạn rất trân trọng giá trị sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, và quyết tâm đặt ra Mục đích là phải ‘sống lành mạnh’.
Sau khi đã hạ quyết tâm với Mục đích như trên, bạn sẽ phải động não để liệt kê tất cả những gì mà bạn sẽ phải thực hiện thành công để giúp bạn hướng tới mục đích đã xác lập. Bạn có thể sẽ có một danh mục như sau:
  1. Bỏ hẳn thuốc lá vào lần sinh nhật tới
  2. Tập 2 môn thể thao mới trong vòng 6 tháng cuối năm
  3. Lập cho mình một thời khóa biểu sinh hoạt hợp lý ngay trong tuần này
  4. Trong dịp cuối tuần này sẽ tính toán và thiết lập một chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý
Đó chính là những Mục tiêu. Hãy đọc lại những mục tiêu này một lần nữa và lưu ý rằng chúng hoàn toàn thỏa mãn các tiêu chí SMART! Sau một vài lần thử, bạn sẽ thấy ngay việc xác định Mục đích và danh mục các Mục tiêu kèm theo không phải là một việc quá khó khăn với bạn!
Nhiều người chất vấn: ‘tôi nghĩ anh có lý khi nói rằng cần phải xác định mục đích và các mục tiêu trong cuộc sống và công việc. Nhưng tôi nghĩ rằng những mục đích hay mục tiêu trong cuộc sống có thể thay đổi chứ đâu phải lúc nào cũng vậy? Lúc còn là sinh viên, tôi muốn công việc và tiền. Sau đó vài năm, tôi lại muốn có nhà và xe. Chục năm sau cái tôi muốn là danh tiếng, và sau đó chục năm nữa, có thể lại là sức khỏe hay gì gì đó. Vậy câu chuyện lập mục đích và mục tiêu có gì không ổn ở đây không?’
Tôi hoàn toàn nhất trí với những người chất vấn ở khía cạnh: Những ưu tiên mà chúng ta đặt ra luôn có thể thay đổi theo mỗi giai đoạn của cuộc sống. Vậy cần phải hiểu như thế nào?
Thực ra, các Mục đích rất ít khi thay đổi vì chúng dựa trên những giá trị cơ bản của cá nhân (xu hướng hướng thiện, mong muốn về hạnh phúc, thành đạt, đề cao sự công bằng…) hay một doanh nghiệp (như đã đề cập ở phần trên).
Những thay đổi mà nhiều người chất vấn trên đây hầu hết là những Mục tiêu (công việc, tiền, nhà ở, xe cộ, danh tiếng…).
Bạn có thể hình dung như sau: Bạn đang sống trong một khu rừng bao quanh bởi một con suối và bạn chưa bao giờ vượt qua con suối đó. Một ngày nọ bạn đặt ra mục đích là phải khám phá những điều mới mẻ ở khu rừng bên kia suối. Bạn lập ra một danh mục những mục tiêu cần phải đạt để thực hiện thành công dự định này, bao gồm: 1.Điều tra địa hình xem nơi nào thuận tiện nhất để băng qua suối; 2.Ghi chép sự lên xuống của mực nước trong ngày để biết giờ nào nên xuất phát và quay về; 3. Đóng bè; 4.Chuẩn bị thức ăn đi đường.
Một ngày trước khi khởi hành, bạn phát hiện ra một số sự cố xảy ra không đúng với dự định như sau: – Mực nước suối đã khô kiệt đến mức bạn có thể lội qua suối mà không cần dùng đến bè nữa – Thức ăn mà bạn chuẩn bị từ mấy ngày trước đó đã bị thú rừng xơi hết. Nhưng bạn chợt nghĩ rằng ở khu rừng bên kia hẳn cũng có thể kiếm được thức ăn hàng ngày như khu rừng bên này, do đó bạn vẫn quyết định lên đường.
Như vậy, mục đích cuối cùng vẫn đạt được, nhưng bạn đã thay đổi cách thức, hay các mục tiêu đã xác lập từ trước đó để thay thế bằng những cách thức (hay mục tiêu) phù hợp hơn, hoặc bỏ hẳn các mục tiêu cũ (thay đổi thứ tự ưu tiên của các mục tiêu).
Trong cuộc sống, hoặc trong hoạt động của doanh nghiệp, môi trường xung quanh biến đổi không ngừng, và các mục tiêu (hay cách thức) nhằm hướng tới mục đích cũng có thể thường xuyên phải được điều chỉnh lại cho phù hợp nhất. Luật Vu hồi phát biểu: Con đường nhanh nhất có thể không phải là đường thẳng. Để đi từ A đến B, bạn có thể sẽ không chọn đường AB mà phải chọn đi theo A-C-B vì tuyến đi này ít xe cộ hơn, không bị tắc nghẽn như tuyến AB.
2. ĐẶT THỨ TỰ ƯU TIÊN CHO CÁC MỤC TIÊU CỦA BẠN
Bây giờ khi đã có Mục đích rõ ràng và một danh mục những Mục tiêu cần thực hiện, bạn có thể vẫn lúng túng không biết làm gì với chúng. Bạn sẽ băn khoăn không biết cần phải bắt đầu từ đâu. Rất đơn giản. Bước kế tiếp là việc xác định thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu này. Việc xác định thứ tự ưu tiên dựa trên hai tiêu chí tầm Quan trọng và mức độ Khẩn cấp. Những mục tiêu vừa Quan trọng vừa Khẩn cấp có thứ tự ưu tiên A (cao nhất – còn gọi là những việc Must Do – Bắt buộc). Những mục tiêu không Quan trọng cũng chẳng Khẩn cấp được xếp loại C (ưu tiên thấp nhất – còn gọi là Nice To Do – Nên làm). Còn lại là loại B (Trung bình – còn gọi là công việc Should Do – Phải làm)
Thử dùng các mục tiêu ở phần trên (‘Sống lành mạnh’) làm ví dụ, chúng ta có thể có thứ tự ưu tiên như sau:
  1. Bỏ hẳn thuốc lá vào lần sinh nhật tới (B)
  2. Tập 2 môn thể thao mới trong vòng 6 tháng cuối năm (B)
  3. Lập cho mình một thời khóa biểu sinh hoạt hợp lý ngay trong tuần này (A)
  4. Trong dịp cuối tuần này sẽ tính toán và thiết lập một chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý (C)
Hãy tập trung nhiều nhất các nỗ lực của bạn vào những mục tiêu loại A và B vì chúng Quan trọng (ảnh hưởng rất lớn đến việc đạt Mục đích) và/hoặc Khẩn cấp (nếu không thực hiện ngay sẽ kéo theo sự trì hoãn của những việc còn lại).
Thách thức lớn nhất ở đây là các mục tiêu loại A, B thường khó khăn, không mấy thú vị nên rất nhiều trường hợp người ta chỉ thực hiện các mục tiêu loại C. Kết quả là không thể đạt được mục đích mong muốn.
Thông thường, bạn sẽ phải tiếp tục ‘chẻ’ những mục tiêu ra thành những công việc nhỏ hơn và cũng phải sử dụng những cách thức đã nêu ở trên để tiếp tục xác định thứ tự ưu tiên cho chúng. Việc còn lại là ghi các mục tiêu hoặc các công việc này vào các Sổ tay có thiết kế sẵn các mẫu hỗ trợ lập kế hoạch (thường gọi là Organizer hoặc Planner) để tiện theo dõi khi thực hiện. Các mẫu này cho phép bạn ghi tên các công việc, mức độ ưu tiên A-B-C, thời gian bắt đầu và kết thúc… và các tiện ích khác.
3. SỨC MẠNH CỦA CÁC ƯỚC MƠ
Năm 1997, chúng tôi tổ chức một khóa học cho công ty tại Phan Thiết, tôi cùng anh bạn người India – và cũng là sếp của tôi – hiếm hoi lắm mới có được một phút nghỉ ngơi thư giãn trên bờ biển. Tôi đang mải ngắm cảnh mặt trời lặn trong yên lặng suốt gần nửa giờ trước khi anh bạn tôi chợt quay sang hỏi: ‘Này, dự định tương lai của cậu thế nào?’
Một điều thú vị là người ta thường lay hoay bận rộn với việc đi như thế nào mà lại rất ít người quan tâm đến việc ‘đi về đâu?’
Các sinh viên thường xuyên bận rộn để học thuộc lòng những môn lý thuyết, làm bài tập, đi làm thêm để tranh thủ kiếm thu nhập, vui thú với bạn bè bằng cách đánh bài, uống cà phê, tán dóc. Nhưng rất nhiều sinh viên hầu như chưa bao giờ bận tâm đến việc bỏ ra một giờ suy nghĩ xem cuộc sống của mình nên được binh bố như thế nào. Nói chung là cứ ‘vô tư’ đi!
Đi về đâu?
Trên bức tường trong phòng 215 KTX 135 Trần Hưng Đạo nơi tôi ở ngày trước, có một bức vẽ rất hoành tráng (bằng than lạch giường mấy ‘cụ’ sinh viên hay bẻ dát giường ra nấu cơm trong toilet) một đôi chân lông lá (phỏng theo chân người mẫu – anh bạn cùng phòng) kèm theo dòng chữ nắn nót ‘Đi về đâu???’ (kèm theo ba dấu chấm hỏi thật lớn).
Bây giờ bức vẽ trên hẳn không còn, vì các KTX sinh viên ngày nay đã được nâng cấp khang trang sạch sẽ, nhưng khi anh bạn tôi hỏi tôi câu hỏi về dự định tương lai lúc đang nằm trên bãi biển, tự nhiên bức vẽ trên lại hiện về khiến tôi không khỏi bật cười. Tôi trả lời anh bạn về dự định của mình, rằng tôi muốn có một công việc ổn định, thành đạt, một ngôi nhà đẹp, một gia đình hạnh phúc. Tới đây anh bạn tôi mũi nhăn tít, hay tay xua lia lịa – No! no! chung chung thế không được! Cậu phải tưởng tượng ra được ngôi nhà của mình, nhắm mắt vào và thấy được màu sơn trắng trên các lan can hàng hiên, các đồ vật trong nhà càng rõ ràng càng tốt, thậm chí cả mùi thức ăn đang nấu trên bếp lò. Một giấc mơ càng rõ ràng và càng sinh động thì sẽ càng quyến rũ và càng có sức mạnh lớn lao giúp cậu đạt đến đích nhanh nhất.
Khi cần phải đạt được điều gì đó, hãy bỏ thời gian để ngồi một mình, lặng im hình dung ra kết quả cuối cùng sẽ như thế nào. Hãy cho phép mình mơ mộng chút ít, thả mình vào trong đó cho đến khi cảm thấy các hình ảnh và âm thanh trở nên cực kì rõ ràng sinh động, thậm chí có thể chạm vào được, và những ‘giấc mơ’ như vậy thường giúp bạn lần lượt đạt được những điều mà bạn mong đợi một cách màu nhiệm.
Jack Canfield, tác giả của các cuốn sách ‘Chicken soup for soul’, ‘The success principles’ ‘The power of focus’… cũng đã tự đặt cho mình mục tiêu làm thế nào để kiếm được mỗi ngày 100.000 đô la. Chính quyết tâm này đã khiến ông có được những thành công vượt bậc và trở thành diễn giả lừng danh thế giới.
Những ước mơ có một sức mạnh ghê gớm. Trong nhiều trường hợp, chúng có thể vượt ra khỏi những hoài bão của cá nhân để trở thành hiện thực.
Một lãnh đạo công ty nổi tiếng tại Hàn Quốc nhiều năm theo đuổi dự án nghiên cứu sản xuất một con ‘chíp’ điện tử mà nhờ đó, công ty ông có thể tạo được sự đột phá sống còn. Khi hấp hối trên giường bệnh, ông còn căn dặn mọi nhân viên rằng nếu ông có qua đời, thì dự án vẫn phải được thực hiện, và ông muốn con chíp nọ sẽ được đặt trên mộ của ông. Kết quả là con chíp đã được chế tạo thành công trong thời gian kỷ lục với sự nỗ lực cao nhất của toàn thể nhân viên để đáp lại mong ước của người quá cố.
Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ của ông là nông dân, không biết chữ. Đa phần kiến thức của ông có được là do tự học. Thời niên thiếu trong một lần đi theo tàu thủy chở hàng đến New Oleand – một thành phố thuộc miền Nam nổi tiếng về buôn bán người da đen, ông đã chứng kiến sự thật kinh tởm về xã hội buôn bán nô lệ. Thảm cảnh này đã in sâu vào trí óc của Lincoln. Ông phẫn nộ: ‘Tôi mong ước sẽ có một ngày mình tấn công vào cái chế độ đầy tội ác này. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là phải đánh tan nó bằng được’. Và chính từ đây, ông đã dốc hết sức mình theo đuổi sự nghiệp chính trị để thực hiện bằng được ước vọng của mình: giải phóng nô lệ. Với quyết tâm, hoài bão và tấm lòng đối với dân chúng, Lincoln đã từng bước biến ước vọng đó thành sự thật.
Câu chuyện thành công của Gạch Đồng Tâm – Long An cũng là một ví dụ về giấc mơ của một chàng trai khởi đầu bằng công việc đạp xe đi giao gạch bông cho cơ sở sản xuất, nhưng luôn mơ về một tương lai sản phẩm của gạch men Việt nam khẳng định được ngôi vị của mình. Ngày hôm nay sự thành công đó đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để khẳng định tên tuổi của một sản phẩm Việt nam tại nhiều thị trường trên khắp thế giới.
Cần phải biết mơ ước. Nhà Quản lý doanh nghiệp cần xác định rõ những giấc mơ cho doanh nghiệp của mình. Luôn khởi hành với đích đến rõ ràng trong tâm trí của bạn (Start with the end in mind).
Các ước mơ hay mong muốn thường chính là gợi ý của các Mục tiêu hay Mục đích mà bạn theo đuổi.
4. HIỂU RÕ CÁC KHÁI NIỆM VỀ HẠNH PHÚC VÀ THÀNH ĐẠT ĐỂ THÀNH ĐẠT VÀ HẠNH PHÚC
Rất nhiều người luôn kêu ca than thở rằng họ không hạnh phúc hoặc không thành đạt, trong khi số đông lại nhất mực khẳng định những người đó rất thành đạt và hạnh phúc. Vấn đề là ở chỗ, họ không hề hiểu hoặc định nghĩa được hạnh phúc và thành đạt là gì.
Thành đạt – Thành công
Hãy nhìn xung quanh chúng ta. Bạn có thể thấy rất nhiều người có vẻ thành đạt. Nếu tôi yêu cầu các bạn thử mô tả một mẫu người thành đạt, có thể tôi sẽ có được những kết quả gần giống nhau như sau: họ là những người giàu có, thường là chủ các doanh nghiệp. Họ đi xe hơi đắt tiền và ăn mặc sang trọng. Họ ở trong các biệt thự và sử dụng những tiện nghi cao cấp nhất. Họ thường có vợ đẹp, con khôn nhưng lúc nào cũng được vây quanh bởi các cô người mẫu chân dài…
Thực ra, nghĩa đen của từ thành đạt đơn giản là việc đạt được điều mà bạn muốn.
Trong ngữ cảnh phổ biến nhất, khái niệm ‘thành đạt’ dùng mô tả một người nào đó đã đạt tới một mức độ thành công về mặt xã hội hoặc tài chính được số đông công nhận. Tuy vậy, bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên nếu như có cơ hội để thử làm một cuộc phỏng vấn ‘bỏ túi’ những người ‘thành đạt’ này, không ít người sẽ nói với bạn (nếu họ nói rất chân thật) rằng họ không hề nghĩ bản thân mình là người thành đạt.
Thực vậy. Một người đang hướng tới mục tiêu 1 triệu đô la sẽ không cho rằng anh ta là người thành đạt với 500 ngàn đô la hiện tại, trong khi con số đó hẳn đã là đích đến của nhiều người khác. Một người đang sống trong tiện nghi choáng ngợp vẫn có thể đang là con nợ như chúa chổm của các ngân hàng. Khái niệm thành đạt mà chúng ta đang nói tới xem ra chỉ là sự đánh giá chủ quan của số đông, dựa trên những biểu hiện bên ngoài.
Để hiểu được rõ và đầy đủ, cần phải phân biệt khái niệm thành đạt, hay thành công theo hai hướng như sau:
  1. Thành công về mặt xã hội và tài chính
  2. Thành công nội tại về nhân cách và năng lực
Thành công về mặt xã hội và tài chính thường dễ nhận biết được bởi những người xung quanh. Đây là thành công liên quan tới các yếu tố địa vị, chức danh, tiền bạc, của cải vật chất.
Thành công nội tại về nhân cách và năng lực khó nhận biết hơn. Nó phản ánh sự trưởng thành của một người về nhân sinh quan, thế giới quan, năng lực ứng xử, bản lĩnh trong cuộc sống và công việc, mức độ tích lũy về kinh nghiệm và kiến thức… Thành công nội tại tuy khó nhận biết được bởi những người xung quanh, nhưng lại khiến bản thân chúng ta cảm nhận một cách đầy đủ cảm giác thành công nhất, đôi khi còn rõ ràng hơn cảm giác do dạng thành công thứ nhất mang lại. Thường thì sự thành công nội tại về nhân cách và năng lực luôn tạo tiền đề kéo theo những thành công ở dạng thứ nhất.
Hãy chú ý bồi bổ cho nội lực của bạn!
Hạnh phúc
Hạnh phúc là một xúc cảm – tâm lý tích cực. Đưa cho em bé một cái bánh ngọt và khi nhìn đứa bé thích thú ăn chiếc bánh bạn vừa cho với ánh mắt biết ơn, bạn sẽ cảm nhận được ngay những gì tôi muốn nói về hạnh phúc.
Nhiều người sai lầm khi quan niệm hạnh phúc là một trạng thái mang tính hằng số (tôi đã gọi là hạnh phúc thì 24/24 giờ lúc nào tôi cũng phải cảm thấy sung sướng). Thực ra, vì có tính xúc cảm, nên ‘cảm giác hạnh phúc’ thường không kéo dài mà là những thời điểm (moment). Khi một người nói: ‘tôi sống rất hạnh phúc’, chúng ta phải hiểu ý nghĩa thực sự của câu nói này là: ‘tôi thường xuyên có những giây phút hạnh phúc hơn nhiều người khác’
Chỉ đơn giản có vậy. Nếu bạn muốn sống ‘hạnh phúc’, hãy chủ động tạo ra thật nhiều những giây phút hạnh phúc, hay nói cách khác, tạo ra thật nhiều những xúc cảm – tâm lý tích cực cho bản thân mình. Hãy chủ động giúp đỡ người khác, làm những việc tốt, tự tha thứ cho bản thân những điều bạn hay dằn vặt, gặp gỡ những người mà bạn yêu thích hoặc cảm thấy vui vẻ dễ chịu khi ở gần, v.v. Hãy liệt kê một danh sách càng dài càng tốt những việc mà bạn cho rằng sẽ mang lại những cảm xúc tích cực cho bạn khi làm, và thực hiện danh sách đó càng thường xuyên càng tốt. Một danh sách ngược lại cho những việc khiến bạn bị căng thẳng, ức chế để chủ động tránh hoặc giảm thiểu cũng là việc nên làm.
 
TÓM LẠI:
  1. Đầu tư xứng đáng thời gian để xác định rõ mục đích và các mục tiêu trong cuộc sống của bạn
  2. Biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu
  3. Biết mơ ước để đạt được những điều lớn lao trong cuộc sống
  4. Hiểu rõ các khái niệm Hạnh phúc và Thành đạt để có thể thành đạt và hạnh phúc trên đường đời.
Cuộc sống là quà tặng của tạo hóa, và bạn chỉ có duy nhất một cơ hội để sử dụng nó. Hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan và hiệu quả để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho bản thân bạn và cho mọi người.
Hy vọng món quà nhỏ này sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn sinh viên của tôi.
Trần Huy Hà
GĐ.TRAINING HOUSE VN 
theo tuyensinh365.com

 

 

Bình luận (0)