Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Mở cuộc điều tra sinh viên du hoc mua bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh từ khắp nơi đều muốn đến Pháp để học hỏi. Ảnh: I.T

Các nhà chức trách Pháp đang điều tra vụ một số sinh viên Trung Quốc mua bằng đại học ở Đại học Bắc Toulon.
Mua bằng Đại học ở Pháp? Chuyện không thể có được… Một sinh viên Trung Quốc (dấu tên) không muốn tin vào chuyện đó chút nào. Thế nhưng Viện Quản lý xí nghiệp (IAE) của Đại học Nam-Toulon (Var), nơi mà người thanh niên nói tiếng Pháp đó đăng ký thi bằng master, đang bị pháp luật “sờ gáy”. Cuối tháng hai vừa qua, một trong những bạn học của anh ta, năm nay 22 tuổi, đã đề nghị với Giám đốc trường là ông Pierre Gensse một khoản “100.000 Euro để đổi lấy 60 hay 80 bằng tốt nghiệp cho bạn bè đồng hương của anh ta”. Ông Giám đốc trường sửng sốt, báo ngay sự việc với cảnh sát. Một cán bộ giảng dạy khác cũng làm như vậy.
Công tố viên của Cộng hòa Marseille Jacques Dallest cho biết: “Hiện chúng tôi mới nghe những lời tường trình về quá trình phân phát bằng tốt nghiệp. Cuộc điều tra tới đây sẽ xác định xem đây là một vụ tham nhũng riêng rẽ hay trước kia đã có những trường hợp như thế”. Chưa có cuộc điều tra nào được tiến hành, nhưng danh sách các nghi phạm đã lên đến 10 người. Người bị tình nghi là chủ mưu trong vụ này và những người liên quan hiện đang đi thực tập ở nước ngoài.
Từ năm 2004, người ta đã xì xầm về những vụ mua bán bằng ở IAE. Có những nguồn tin cho rằng sinh viên có thể đã mua bằng cử nhân và master với giá 2.700 Euro…
 Để làm rõ sự thật, ngày 9-4-2009 giới điều tra đã cho sao lại các bằng tốt nghiệp của sinh viên Trung Quốc từ 5 năm trở lại đây. Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết: “Cần kiểm tra xem những thí sinh mà trình độ tiếng Pháp quá kém có được hưởng một đặc ân bất thường nào không”. Được bổ nhiệm từ năm 2007, ông Pierre Gensse đã nhanh chóng phát hiện một số trường hợp có vấn đề “đáng quan tâm đặc biệt”, đó là trường hợp 3 sinh viên đã nộp những báo cáo thực tập hoàn hảo nhưng không qua nổi vấn đáp. Hầu như họ không biết nói tiếng Pháp. “Chúng tôi đã loại họ ra rồi. Không biết tại sao họ lại vào được đại học? Ai đã làm báo cáo thay cho họ? Cả một sự bí mật!”, ông Pierre Gensse tỏ vẻ bức xúc. Cũng theo ông Pierre Gensse, sự việc càng trở nên khó hiểu vào mùa thu năm 2008. Ngoài 56 thí sinh Trung Quốc được lựa chọn qua trao đổi trực tiếp bằng tiếng Pháp, ban lãnh đạo Trường Đại học Toulon đã nhận thêm 138 sinh viên khác không có hồ sơ. Nhiều người trong số họ có trình độ tiếng Pháp rất kém. Phải chăng họ đã nhờ người thương lượng một “vụ sắp xếp”?
Ban lãnh đạo Trường Đại học Toulon, những người nằm trong tầm cuộc điều tra, đã bác bỏ mọi liên hệ giữa cách tuyển sinh với hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, họ vẫn công nhận rằng có một số thí sinh được nhận vào trường trong khi trình độ tiếng Pháp chưa đạt.
Ông Pierre Sanz de Alba, Phó giám đốc Đại học Toulon nói: “Điều làm chúng tôi lo lắng là uy tín của bằng cấp và danh dự sinh viên của trường bị hoen ố. Hai điều tai hại đó hợp lại sẽ tạo ra một không khí bài ngoại…”.
 Có một điều cần nói là giới truyền thông Trung Quốc lại làm to chuyện “mua bán bằng ở nước ngoài” này và cũng lên án hành động mua bằng nếu đó là sự thật.
 Chưa biết sự việc sẽ diễn biến ra sao, có một điều chắc chắn là từ năm học này, các sinh viên Trung Quốc xin vào học ở Trường Đại học Toulon sẽ phải trải qua một kỳ kiểm tra tiếng Pháp rất gắt gao!
(Theo L’Express
Phan Thanh Quang

 

Bình luận (0)