Những chi tiết từ chuyến thăm Trung Quốc của đặc phái viên Triều Tiên vừa qua cho thấy Bình Nhưỡng không mấy để tâm tới những đề nghị từ bỏ hạt nhân của Bắc Kinh. Ngoài ra, quan hệ hai bên cũng đang lạnh nhạt thấy rõ.
Trung Quốc có vẻ không thể khiến Triều Tiên từ bỏ hạt nhân
Ngày 22/5 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cử Phó nguyên soái Choe Ryong-hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên làm đặc phái viên tới Trung Quốc. Đây là chuyến đi rất được chú ý bởi nó diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng không hài lòng với các động thái làm gia tăng căng thẳng của Triều Tiên.
Dù sau chuyến thăm, Triều Tiên đã tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, các phân tích của những nguồn tin thân cận với cả hai bên cho thấy ít có cơ sở để tin vào những đột phá trong nay mai.
Sự đón tiếp lãnh đạm
Trước hết, phía Triều Tiên cảm thấy sự đón tiếp phía Trung Quốc dành cho ông Choe khá lãnh đạm. “Không hề có những cái ôm thắm thiết giữa Wang Jiarui và Choe khi họ gặp nhau”, nguồn tin này tiết lộ về cuộc gặp của ông Choe với Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước đây những cử chỉ này là một truyền thống mỗi khi lãnh đạo hai nước gặp nhau, những người vốn xem mối quan hệ song phương “thân thiết như răng với môi”.
Sau đó trong cuộc hội đàm, Trung Quốc không ngừng thúc giục Triều Tiên nối lại đàm phán 6 bên. Nhưng thay vào đó Triều Tiên khẳng định sẽ tiến hành đàm phán song phương với các bên liên quan trước.
Ông Choe được cho là đã nói với lãnh đạo nước chủ nhà rằng chương trình hạt nhân của nước mình không thể là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đối thoại.
Tập trung vào kinh tế
Trong các cuộc họp, Bắc Kinh cũng cố thuyết phục Bình Nhưỡng dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân bởi hoạt động này “đẩy Trung Quốc và tình thế khó và không có lợi cho Triều Tiên”, nguồn tin cho biết thêm. Trung Quốc đề nghị Triều Tiên thay vào đó hãy tập trung phát triển kinh tế, điều họ từng đề cập trước đây.
“Tình thế khó” với Trung Quốc ở đây chính là việc những hành động gần đây của Triều Tiên khiến cộng động quốc tế không ngừng lên án, gây áp lực với Bắc Kinh phải kiềm chế Bình Nhưỡng. Ngoài ra, những hành động đó cũng khiến Mỹ càng có cớ để đẩy mạnh chính sách an ninh xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương.
Trung Quốc là đối tác thương mại và nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trong chuyến thăm, ông Choe đã được dẫn đi tham quan một đặc khu kinh tế, nhưng vị phó nguyên soái không hề đề cấp đến vấn đề viện trợ, nguồn tin trên cho biết thêm.
Khi được hỏi liệu Bình Nhưỡng có chấp thuận dừng các vụ thử hạt nhân hay không, nguồn tin tiết lộ, với Triều Tiên “điều đó tùy thuộc vào mức độ cần thiết”.
Kể từ đó đến nay Triều Tiên không ngừng tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, và gọi đó là “bảo kiếm” của mình.
Vị thế của ông Kim Jong-un vững chắc
Cũng trong các cuộc hội đàm, ông Choe khẳng định với lãnh đạo nước chủ nhà rằng kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, ông Kim Jong-un đã cũng cố được quyền lực thông qua các vụ thử vũ khí và cảnh báo về nguy cơ chiến tranh, trong đó có việc đặt các lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động.
Trước đó từng có nhiều tin đồn rằng nhà lãnh đạo 30 tuổi này gặp khó khăn trong kiểm soát quân đội. “Thông qua việc huy động binh sỹ, ông Kim Jong-un muốn kiểm tra xem ai tuân lệnh, ai từ chối phục tùng”, nguồn tin trên nhận định.
Chưa đầy một năm trước, ông Kim đã sa thải phó nguyên soái Ri Yong-ho, một nhân vật hàng đầu trong quân đội nước này, khỏi chức vụ tổng tham mưu trưởng. Chỉ ít ngày sau, truyền thông Triều Tiên khẳng định ông Kim Jong-un là nguyên soái quân đội.
“Nhiều sỹ quan đã được tập hợp hoặc sa thải. Ông Ri Yong-ho bị bắt vì các tội danh chống lại cách mạng”, nguồn tin nói.
Theo DTO
Bình luận (0)