Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Khi học sinh quá mắc cỡ

Tạp Chí Giáo Dục

Không phụ huynh nào muốn con em mình ngồi một mình ngoài sân chơi – chờ được mời vào chơi chung với các bạn, Nvà cũng có em được mời vẫn không dám nhập cuộc.

Nhưng rất có thể nhiều người không nhận thức được con em mình quá mắc cỡ nên không thể học tốt.

Theo Cơ quan Trách nhiệm Giáo dục Quốc gia (NET), Anh, một số trẻ không tiếp thu bài học tốt ở trường bởi những em này thiếu tự tin nên không dám đưa tay trong lớp để hỏi những điều mà em chưa hiểu rõ.

Tại Anh, người ta đang đưa ra khóa huấn luyện trong trường với những học sinh này để các em có thể khắc phục yếu điểm, phát triển khả năng linh hoạt và tự tin để tham dự như mọi học sinh khác.

Trẻ em từ 6-7 tuổi được chọn tham gia chương trình khóa học 45 phút mỗi tuần, kéo dài 6 tuần lễ.

Angela Jackson, giáo viên điều khiển khóa học, nói chương trình không nhắm vào những học sinh đã được tư vấn tâm lý hoặc những em được coi là khó tiếp thu bài học.

Theo bà, “Lớp học chỉ thiết kế cho em nào ngồi trong lớp và không tập trung chú ý. Có thể các em gặp điều gì đó xảy ra ngoài trường học – như mới dọn nhà hoặc mẹ mới sinh em bé chẳng hạn. Hoặc các em chỉ quá mắc cỡ hoặc gặp khó khăn khi hình thành mối quan hệ với bạn bè”.

Bà Jackson nói chẳng có gì sai trái với các học sinh giữ im lặng, nó chỉ quan trọng ở chỗ các em không thể tham dự vào bài học.

Bà nói thêm: “Các em có thể là những đứa trẻ hết sức hạnh phúc, nhưng nếu các em không đủ tự tin để đưa tay và đặt câu hỏi, tức là các em không được hưởng lợi ích từ tất cả những diễn biến chung quanh các em”.

Richard Lee, Hiệu trưởng Trường sơ cấp Barford ở Ladywood, Birmingham, nói ông quyết định thử nghiệm chương trình bởi ông có một nhóm học sinh lớp 1 với nhiều cá tính khác nhau.

Các em được đưa ra khỏi lớp học bình thường để theo học các khóa đặc biệt

“Câm như hến”

Theo ông: “Chúng tôi nghĩ thử nghiệm sẽ hữu ích cho các em bởi tất cả hướng đến tương tác xã hội và làm cách nào để xác lập mối quan hệ giữa các em nhỏ và người lớn. Chúng tôi chọn một số em không nhất thiết gặp khó khăn nhất hoặc đang bị thách thức, nhưng là những em có thể nâng cao lòng tự tin. Đó có thể là các em bị xếp loại “đứng một mình khi các bạn cùng nhảy múa”, hoặc đã bị ấn tượng bởi một thái độ hay hành vi nào đó.

Những em này không biết mình đang được đối xử khác, nhưng được đưa ra khỏi lớp để học những tiết riêng. Tất cả các em đều vui vẻ với chương trình thử nghiệm và chúng tôi thấy các em thay đổi rõ sau khi học xong khóa”.

Ông Lee kể cụ thể về một cháu bé rất, rất mắc cỡ và có khuynh hướng câm như hến: “Cháu có nhiều điều muốn nói, nhưng không thể diễn đạt theo cách có thể chấp nhận. Câu chuyện xáo trộn, rối tung trong đầu cháu khiến cháu ấp úng, nói lắp ba lắp bắp. Đến cuối khóa, cháu là đứa trẻ có thể kể một câu chuyện kéo dài từ 10 đến 20 phút trước một nhóm bạn”.

Một cháu khác, ông Lee nhớ lại, thiếu kỹ năng xã hội để tương tác với lớp học theo cách thích đáng.

Sợ bị chế nhạo

Ông kể: “Cháu không hề có chủ ý, nhưng hơi quá nhiệt tình, và không chịu chờ tới phiên mình nói. Đến cuối khóa, cháu đã có thể chờ, nghe và tôn trọng quan điểm của những người khác”.

Và không chỉ khả năng của trẻ trong tham gia và vui đùa theo đúng nội qui của lớp học được cải thiện, mà các em còn chứng tỏ khá hơn trong khả năng tự tổ chức và học theo nhóm.

Chương trình dành cho các em ở độ tuổi lên 6 và 7 hoàn toàn nhằm giúp các em phát triển giao tiếp xã hội và tình cảm để các em có thể kết bạn và tham dự lớp học.

Và những yêu cầu này đều được đáp ứng.

Trong một trường khác, một nhóm được học một năm để đánh giá khả năng theo chương trình dành cho những em có các kỹ năng và đặc điểm riêng.

Những em đạt điểm trung bình được lựa đến theo những lớp đặc biệt này.

Đến cuối chương trình, phân nửa các em trong lớp đặc biệt đã đạt số điểm cao nhất trong trường – và đây cũng là lớp học có số điểm chung cao nhất.

Ông Lee kết luận: “Chúng tôi ở trong một trường thuộc khu nội đô của Birmingham vốn hơi thiếu thốn. Các học sinh vốn rất tuyệt nhưng các em có thể không cần thiết phải có tất cả mọi cách xử sự có thể chấp nhận.

Tôi đã thường nói bạn có thể có giáo viên tuyệt vời nhất, nhưng nếu họ không thể quản lý lớp học và không có mối quan hệ xã hội giữa các em, các em sẽ học không vô.

Bạn phải tạo ra tình huống để học sinh cảm thấy thoải mái khi nói ra điều em nghĩ và biết rằng không hề bị bất cứ ai chê cười”.

Quang Hùng

Bình luận (0)